Để xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu mạnh trên thế giới với năng lực cạnh tranh quốc tế cao

VNA Spirit xin đăng tải bài tham luận của Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa tại Hội thảo Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – Thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines”, tổ chức ngày 10/11.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đảng ta luôn khẳng định quan điểm về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó lấy phát triển kinh tế xã hội làm trung tâm theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ Đại hội IX, Đảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là đường lối chiến lược nhất quán của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể giữ vai trò chủ đạo, làm nền tảng vững chắc, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và bằng sức mạnh vật chất của lực lượng kinh tế nhà nước….

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam là 1 doanh nghiệp của Nhà nước đã thực hiện đúng chức năng của mình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; không chỉ là khởi đầu cho ngành hàng không mà còn góp phần to lớn vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vùng miền. Vietnam Airlines đã, đang tạo và đảm bảo cho nhiều việc làm cho người lao động trong ngành hàng không và các ngành hỗ trợ liên quan như du lịch, khách sạn, đồng thời đã đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều chục ngàn tỷ đồng.

Với nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc, trước đây đã tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, ngày nay tham gia vận chuyển lực lượng khi đất nước có tình huống quốc phòng an ninh để góp phần cùng nhiều lực lượng khác, thực hiện phương châm “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa”.

Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại sự kiện

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, với vai trò chủ lực trong giao thông hàng không, trải qua hơn 30 năm không ngừng phát triển, đã khẳng định vị thế là Hãng hàng không quốc gia có quy mô hoạt động toàn cầu và có tầm cỡ tại khu vực. Là hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đã đóng vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và thế giới cũng như giữa các vùng miền trong cả nước, qua đó góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế và xã hội đất nước trong những năm qua.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2024 Vietnam Airlines khai thác 91 đường bay (trong đó 57 đường bay quốc tế và 34 đường bay nội địa) tới 54 điểm đến (trong đó 32 điểm đến quốc tế và 22 điểm nội địa). Ngoài ra, là thành viên trong liên minh hàng không Sky Team, Vietnam Airlines còn hợp tác với nhiều hãng hàng không khác để mở rộng mạng bay kết nối trên 1.000 điểm đến trên toàn cầu.

Vietnam Airlines hiện cũng là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam khai thác các đường bay tới châu Âu và duy nhất trên toàn cầu có đường bay thẳng tới châu Mỹ. Vietnam Airlines cũng đang tiếp tục nghiên cứu mở thêm các đường bay đến các điểm bay khác như Copenhagen (Đan Mạch), Los Angeles và Seattle (Mỹ), Vancouver (Canada), Darwin (Úc), Dubai (UAE), Bangalore (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh),…

Góp phần vào việc quảng bá điểm đến Việt Nam, từ nhiều năm qua, đặc biệt là những năm gần đây dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, cùng sự liên kết phối hợp của các Bộ/ngành, đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện phát động du lịch Việt Nam như: “Năm du lịch Quốc gia Quảng Nam”; “Việt Nam – Trải nghiệm trọn vẹn” tại Quảng Ninh; “Festival Huế”, “Festival biển Nha Trang”; “Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022” tại Đà Nẵng…

Vietnam Airlines đã phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; các bạn hàng, đối tác tổ chức liên tục nhiều sự kiện quảng bá, thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam như: “Tái khám phá Việt Nam” tại Thái Lan và Hàn Quốc năm 2022, Triển lãm du lịch quốc tế Bắc Kinh 2023, Chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TPHCM tại Úc năm 2024, Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Paris (Pháp), Milan (Ý) và Frankfurt (Đức) năm 2024, Hội chợ du lịch Tourism Expo Japan tại Nhật Bản năm 2024, …

Với những nỗ lực và thành tựu nêu trên, Vietnam Airlines đã trở thành 1 phần hình ảnh của quốc gia, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới, đưa các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, góp một phần sức lực giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Trải qua 30 năm phát triển, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn 300 triệu lượt khách, xấp xỉ 4,5 triệu tấn hàng hoá trên 1,6 triệu chuyến bay, đạt mốc doanh thu 1,1 triệu tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước hơn 65.300 tỉ đồng. Từ chỗ khai thác chưa đến 20 máy bay cùng doanh thu hơn 900 tỉ đồng vào năm 1993, đến năm 2019 (trước dịch Covid), Vietnam Airlines đã vận hành hơn 100 máy bay hiện đại thế hệ mới với doanh thu đạt trên 103.000 tỉ đồng, gấp hơn 100 lần so với 30 năm trước đây. VNA là hãng hàng không duy nhất của Việt Nam hiện khai thác đội tàu thân rộng thế hệ mới nhất A350 và B787.

Mang trên mình sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines không chỉ được khách hàng đánh giá cao bởi dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, mà còn được yêu mến nhờ nỗ lực thực hiện thành công các nhiệm vụ quốc gia, xã hội, vì lợi ích của cộng đồng. Yếu tố văn hóa Việt luôn được Vietnam Airlines chú trọng hàng đầu, thể hiện qua những ấn phẩm truyền tải văn hóa Việt Nam trên tàu bay, những suất ăn đậm đà chất Việt hay tà áo dài tiếp viên. Nhờ những nỗ lực ấy mà Vietnam Airlines đã đưa hình ảnh con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế khắp năm châu.

Không chỉ hoạt động vận tải, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Vietnam Airlines đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ ngoại giao, chính trị và bảo vệ công dân được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Hãng đã thực hiện những chuyến bay an toàn, chu đáo, trọng thị chuyên chở lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ trong nhiều năm qua và mới đây nhất là chuyến bay chuyên cơ đưa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm cấp Nhà nước tới Cuba, Mông Cổ, Ireland, Pháp…

Vietnam Airines đã tiên phong, tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ trong việc vận chuyển công dân ở nước ngoài về nước khi có thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị như: lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Libya năm 2011 và 2014; hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011. Đó còn là những chuyến bay đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Trung Đông do cuộc chiến giữa Israel và Lebanon năm 2006.

Những năm gần đây, Vietnam Airlines đã không ngừng hiện đại hóa đội tàu bay, khai thác đội tàu bay thân rộng hiện đại B787 và A350 thay thế cho đội tàu bay B777 và A330, đồng thời đưa đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu A321 Neo và A320 Neo vào khai thác. Đội tàu bay hiện tại vừa giúp hãng HK tiết giảm chi phí, giảm phát thải khí CO2 vừa nâng cấp chất lượng dịch vụ hành khách.

Ngoài ra, hướng tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số, VNA đã đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, xây dựng văn hóa số, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trên mọi mặt sản xuất kinh doanh, như triển khai hệ thống phục vụ hành khách, xây dựng các trang thương mại điện tử VNAMall, Lotus Mall, hay các ứng dụng quản trị doanh nghiệp như SkyHr, SkyOffice…

Nhờ những nỗ lực nêu trên, Vietnam Airlines được Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax trao chứng chỉ công nhận Hãng hàng không 4 sao liên tục suốt từ năm 2016 đến nay, trở thành hãng hàng không đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đạt được chứng nhận này.

Ngoài ra, hãng còn nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín khác như hãng hàng không 5 sao do APEX bình chọn; được trao tặng “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á” của World Travel Awards. Đặc biệt năm 2024, Vietnam Airlines được xếp thứ 11 trong 20 hãng bay tốt nhất thế giới theo công bố của trang web đánh giá hàng không toàn cầu Airline Ratings. Các giải thưởng trên là minh chứng cho thương hiệu của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn nêu trên, Vietnam Airlines vẫn còn những hạn chế nhất định và phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, dịch bệnh Covid kéo dài trong 3 năm 2020-2022 đã khiến Vietnam Airlines gặp rất nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Môi trường kinh tế chính trị trên thế giới cũng có nhiều bất ổn, chiến tranh xung đột diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới đặc biệt là Ukraine và Trung Đông đã đẩy chi phí nhiên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, giá nhiên liệu JetA1 duy trì ở mức cao trên 100 USD trong thời gian dài.

Các thị trường lớn của Vietnam Airlines tại Đông Bắc Á những năm qua là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc những năm gần đây gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế các quốc gia này suy yếu khiến cho người dân thắt chặt chi tiêu và thị trường hàng không hồi phục chậm. Cạnh tranh trên cả thị trường quốc tế và nội địa vẫn rất gay gắt. Đối với các thị trường đường bay ngắn như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và nội địa, Vietnam Airlines chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ. Trong khi đó, trên các thị trường đường bay dài như Châu Âu và Mỹ, VNA phải cạnh tranh với các hãng bay vòng tầm cỡ thế giới như Emirates, Etihad, Qatar Airways, Turkish Airlines, Singapore Airlines, Korean Air…

Trong bối cảnh thách thức nêu trên, Vietnam Airlines đã không ngừng nỗ lực thay đổi, vượt qua khó khăn. Trong đại dịch, bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Đảng ủy Khối DNTW, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, như Chính phủ đã có gói hỗ trợ cho Vietnam Airlines, các chính sách để giảm thuế, phí. Vietnam Airlines đã triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, đồng thời đàm phán với các đối tác để giãn hoãn các khoản thanh toán.

Mặc dù đã nỗ lực tự thân nhiều nhưng Vietnam Airlines đã, đang vẫn gặp khó, đó là vấn đế về thể chế, về sự nhất quán trong triển khai quan điểm của Đảng về Doanh nghiệp Nhà nước nên cho đến nay Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2025 vẫn chưa được phê duyệt. Vì vậy doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ mạnh, cụ thể là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 với một số kiến nghị cụ thể trình Quốc hội thông qua như sau:

  1. Cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn khi đáp ứng các quy định tại các điểm a, c và d Khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán 2019 (không áp dụng điểm b).
  2. Cho phép Chính phủ: Giao SCIC và Giao doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực tài chính theo quyết định của Chính phủ thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phần tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi Vietnam Airlines thực hiện phương án tăng vốn điều lệ chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu;
  1. Cho phép Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines và các doanh nghiệp thành viên do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn điều lệ là nhà đầu tư các dự án thuộc “Dự án thành phần 4 -Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng HKQT Long Thành” quy định tại Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
  2. Cho phép Pacific Airlines được dừng/miễn nộp các khoản tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp tiền thuế và được miễn trừ không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo Luật Quản lý thuế hiện hành.

Việc hỗ trợ này là thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về kinh tế thị trường định hướng XHCN… Vì vậy, nếu cần đặc thù, cần điều chỉnh hệ thống quy định, pháp lý để hiện thực hóa quan điểm, chủ trương của Đảng thì Vietnam Airlines thiết nghĩ vẫn cần làm.

Ngoài ra, để xây dựng Vietnam Airlines thành thương hiệu mạnh trên thế giới với năng lực cạnh tranh quốc tế cao thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của một mình hãng hàng không quốc gia mà còn cần có sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như sự nỗ lực của cả quốc gia.

Ngành hàng không góp phần thúc đẩy thương mại và du lịch nhưng ngược lại thương mại và du lịch cũng thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại và du lịch, quảng bá điểm đến quốc gia trên các kênh truyền thống và cả các phương thức truyền thông mới, tổ chức các sự kiện thể thao văn hóa nghệ thuật giải trí quốc tế, đăng cai các triển lãm hội nghị quốc tế,… Bên cạnh đó, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng sân bay cũng là điều kiện rất quan trọng để phát triển ngành hàng không.

Hiện nay, các dự án lớn như xây dựng CHKQT Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang được triển khai một cách khẩn trương. Tuy nhiên, các dự án kết nối sân bay Long Thành với trung tâm thành phố vẫn còn chậm triển khai và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả Cảng hàng không này cũng như của cả ngành hàng không Việt Nam. Do đó, để phát triển ngành hàng không và đưa Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển lớn của khu vực tương tự như Singapore, bên cạnh việc xây dựng các sân bay hiện đại thì cần phải đẩy nhanh các dự án kết nối sân bay với trung tâm thành phố và xây dựng các tuyến giao thông đường bộ và đường sắt.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp do Nhà nước nắm phần lớn cổ phần, Vietnam Airlines luôn tuân thủ các quy định áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước, luôn nỗ lực phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng và Nhà nước giao, thể hiện vai trò nòng cốt trong lĩnh vực hàng không và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Vietnam Airlines đã và đang trở thành thương hiệu mạnh, có vị trí ở tầm khu vực và quốc tế, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp Việt Nam và hình ảnh quốc gia. Do đó, Đảng ủy kiến nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà nước có tiềm lực lớn và thương hiệu mạnh như Vietnam Airlines ngày càng phát triển hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế với khát vọng vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, và phát huy vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.