[Khi tôi 30] Mối lương duyên 30 năm

Hãng Hàng không Quốc gia VN thành lập năm 1993, đến nay đã tròn 30 năm, cũng đúng từng ấy thời gian, Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải, Đội bay A350 gắn bó với Đoàn bay 919, gắn bó với từng bước trưởng thành, từng nhịp sải cánh vươn xa của những cánh chim xanh Vietnam Airlines.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (20/4/1993 – 20/4/2023), chị Đặng Thị Nguyệt Nga – Đoàn bay 919 đã có cuộc chuyện trò với Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải về những cảm xúc, dấu ấn kỷ niệm và thành quả trong đời khi ông vừa tròn 30 năm nghề của người lái máy bay thương mại gắn với 30 hình thành và phát triển của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải đã tròn 30 năm gắn bó cùng Vietnam Airlines. (Ảnh: Võ Minh Trí).

Những tháng năm đầy lý tưởng của anh bộ đội CHồ

Năm 1993, sau 18 năm gắn bó trong quân ngũ, theo yêu cầu của Quân đội và tổ chức, Lái chính máy bay AN-26, Không quân Nhân dân Việt Nam, Thiếu tá Nguyễn Hoài Hải cùng một số đồng nghiệp phi công quân sự được điều động nhận nhiệm vụ mới tại Đoàn bay 919, Hãng Hàng không Quốc gia VN.

Đã 30 năm trôi qua, nhưng vị Cơ trưởng vẫn luôn nhớ như in những tháng ngày tháng đầu tiên khi nhận nhiệm vụ mới. Đó là những khoảng thời gian khẩn trương, ra sức, gấp rút rèn luyện chuyển loại để làm chủ kỹ thuật điều khiển những loại máy bay phương Tây có công nghệ hiện đại bậc nhất vào thời điểm đầu những năm 1990.

Ông chia sẻ: “Tôi về Đoàn bay 919 ngay từ ngày những ngày đầu Hãng mới thành lập. Lứa phi công quân sự chúng tôi được tuyển chọn và điều động sang ngành Hàng không dân dụng để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực người lái máy bay phục vụ sự tăng trưởng và yêu cầu cấp thiết phát triển ngành hàng không nước nhà.

Thời điểm đó, có thể được coi là giai đoạn “cách mạng kỹ thuật – công nghệ” đầy thử thách, khó khăn trong việc thực hiện chuyển giao công nghệ tại Đoàn bay 919, cũng như toàn Vietnam Airlines. Nhưng cũng là thời điểm dánh dấu sự phát triển vượt bậc của đội ngũ người lái máy bay dân dụng; thật vẻ vang cho đội ngũ người lái máy bay cũng như toàn hệ thống đã hoàn thành nhiệm vụ chuyển hệ, chuyển loại, làm chủ được công nghệ điều khiển những loại máy bay thế hệ mới, hiện đại trên thế giới lúc bấy giờ như ATR-72, A-320, B-767″…

Ấn tượng mãi không quên

Những ngày đầu chuyển sang phục vụ hàng không dân dụng để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó phai. Cảm xúc đầu tiên khi được lựa chọn để “đi chinh phục chân trời mới”, chinh phục những loại máy bay mới, công nghệ tân tiến và hiện đại… đó là cảm xúc phấn khởi, vui mừng… nhưng không kém phần lo lắng. Lo lắng bởi vì khi đó tôi đã 35 tuổi, lứa tuổi tuy chưa già nhưng cũng không thuận lợi cho lắm để học ngoại ngữ và tiếp thu công nghệ mới.

Cũng như các đồng nghiệp phi công Việt Nam thời điểm đó, chúng tôi lái máy bay của Liên Xô cũ; công nghệ, kiến thức và kỹ thuật hàng không chúng tôi được tiếp thu trên nền tảng tiếng Nga… Đối với những phi công đã từng bay máy bay Liên Xô cũ, bay theo phương thức bay quân sự, quá trình huấn luyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi so với một người trẻ, mới tiếp cận học bay lần đầu. Thế mới nói, trước khi được tiếp cận, huấn luyện với những loại máy bay tân tiến, hiện đại của phương Tây, chúng tôi phải vượt qua hai rào cản đó là ngoại ngữ và chuyển đổi phương thức bay; phải thực hiện huấn luyện chuyển hệ trước khi huấn luyện chuyển loại.

Biết là gian nan và vất vả nhưng chúng tôi đã xác định cố gắng, quyết tâm vượt mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi tự hào đã có đóng góp tích cực vào công cuộc hiện đại hóa đội ngũ máy bay, tiêu chuẩn hóa đội ngũ phi công của Hãng ngay từ những ngày đầu thành lập.

“Nhập ngũ năm 16 tuổi, gần 20 năm rèn luyện trong quân ngũ, có thể nói phẩm chất người lính Không quân, anh “bộ đội cụ Hồ” dường như đã trở thành máu thịt của tôi. Trước khi nhập ngành hàng không dân dụng, tôi đã có thâm niên 14 năm cầm lái máy bay AN-26, đã cùng máy bay AN-26 tham gia phục vụ chiến đấu ở chiến tranh Biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chiến trường Camphuchia… những ngày tháng trong quân đội là nền tảng xây dựng lên tính cách và con người tôi. Đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên cường, quyết tâm cao, có kỷ luật và luôn tự trau dồi bản lĩnh sẵn sàng vượt qua khó khăn… ”, Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ những điều mà ông tâm huyết bấy lâu nay.

Vị cơ trưởng chia sẻ ông thấy thật may mắn bởi sau khi “gấp lại áo lính”, ông vẫn được công tác, cống hiến trong một đơn vị phát triển từ cái nôi của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đoàn bay 919 – Hãng HKQGVN. (Ảnh: Mai Hương).

Ông không thể không hãnh diện, đó là suốt quá trình công tác của mình, ông luôn nêu cao tinh thần của một cựu Sĩ quan Không quân, ông luôn xung phong nhận nhiệm vụ, không bao giờ từ chối các nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt và có tính chất khó khăn nào, đó là bay làm nhiệm vụ hỗ trợ giữ gìn an ninh tại Buôn Mê Thuột; bay giải cứu người dân từ đảo chính tại các nước Cam pu chia, Thái Lan… giải phóng dân từ thảm họa sóng thần Nhật Bản… và “phi vụ” nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vị cơ trưởng chia sẻ ông thấy thật may mắn bởi sau khi “gấp lại áo lính”, ông vẫn được công tác, cống hiến trong một đơn vị phát triển từ cái nôi của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đoàn bay 919 – Hãng HKQGVN.

Cánh chim không mỏi

Tôi đã có quãng thời gian 30 năm gắn bó với Đoàn bay 919 – Hãng HKQGVN. Cách đây 5 năm tôi đã qua tuổi nghỉ hưu theo chế độ 60 năm tuổi của tại Đoàn bay và thật hạnh phúc và bồi hồi khi còn vài tháng nữa tôi sẽ bắt đầu thực sự nghỉ hưu ở tuổi thứ 65 -Tuổi nghỉ hưu của ngành đối với phi công.

30 năm bay lượn trên bầu trời, với hơn 21.000 giờ bay và may mắn Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải đã được điều khiển tất cả các dòng máy bay Airbus mà Hãng Hàng không Quốc gia từng sở hữu: A-320, A-321, A-330 và A-350.

Ông chia sẻ về một dấu ấn nghề đặc biệt của ông, đó là năm 2019, khi ấy ông là Cơ trưởng máy bay A-330, đó cũng chính là thời điểm Vietnam Airlines dừng khai thác đội tàu bay A-330, trùng với thời điểm ông tròn 60 tuổi, tuổi nghỉ hưu chế độ chung cho người lao động. Ông cũng đã nghĩ đến việc cùng nghỉ hưu với đội tàu bay dừng khai thác cũng là một duyên nghề. Thế cũng là một kết thúc đẹp trong nghề của người phi công, khi được cùng nghỉ hưu với đội tàu bay của mình.

Con trai Cơ trưởng Hoàng Hải nối tiếp theo nghề của cha và hiện là Cơ trưởng Boeing 787, đó cũng là một niềm hạnh phúc, tự hào, một cái kết mà vị Cơ trưởng gọi là “có hậu” trong nghề của mình. (Ảnh: ĐB).

Thế nhưng duyên nghề của ông chưa dừng ở đó. Nhận thấy trình độ, năng lực, kinh nghiệm và sức khỏe của ông rất tốt, phù hợp với việc tiếp tục bay…mà đội tàu bay A-350 đang rất cần bổ sung nhân lực, ông được lãnh đạo Đoàn và Đội bay động viên, tham gia chuyển loại sang loại máy bay A-350.

Máy bay A350 là dòng máy bay hiện đại, áp dụng nhiều công nghẹ mới như radar 3 chiều, hệ thống điện mới, hệ thống thủy lực công suất vượt trội, hệ thống thông tin vô cùng hiện đại, vì vậy, A-350 còn được giới phi công và người trong ngành gọi là iPlane.

Để sử dụng được A-350 thì phi công phải am hiểu công nghệ và phải học rất nhiều, học về công nghệ mới không hề dễ… Bước vào huấn luyện, vị cơ trưởng ngoài 60 tuổi cũng không tránh khỏi đôi chút bỡ ngỡ vì máy bay mới có một số tính năng, công nghệ, phương thức khai thác mới… Nhưng những bỡ ngỡ chỉ là thoáng qua, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết hoàn thành mục tiêu của vị cơ trưởng gạo cuội và bản lĩnh sẵn sàng vượt qua khó khăn của người cựu Sĩ quan Không quân năm xưa đã giúp Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải đã trở thành người phi công đầu tiên, sau tuổi nghỉ hưu, huấn luyện chuyển loại thành công Cơ trưởng tàu bay A-350 là tàu bay hiện đại, tân tiến nhất thế giới.

Vị Cơ trưởng mỉm cười, nhờ có sự quyết tâm chuyển loại A-350 thành công mà hôm nay, “mối lương duyên” song hành với VNA của ông mới tròn 30 năm.

“30 năm gắn bó với Vietnam Airlines, ở vị trí một người lái máy bay, tôi được chứng kiến từng bước trưởng thành của VNA qua sự thay đổi công nghệ của từng đội tàu bay, qua sự phát triển lớn mạnh cả về chất và số lượng của đội ngũ người lái máy bay. Nếu như 30 năm trước, chúng ta mới bắt đầu hiện đại hóa đội ngũ tàu bay và tiêu chuẩn hóa đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật… Thì giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể tự hào với hình ảnh người lái máy bay VNA chuyên nghiệp, chất lượng, có đầy đủ các phẩm chất và chuẩn mực mang tính toàn cầu, ghi được dấu ấn trong khu vực và quốc tế”.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập VNA, vị Cơ trưởng lão luyện chia sẻ: “Tôi xin chúc cho tuổi 30 của VNA ngày càng phát triển bền vững, bay an toàn, chất lượng, hiệu quả và tiếp tục gặt hái được nhiều thành công mới!

Cũng nhân dịp này, tôi xin chuyển những tình cảm trân quý, những lời chúc tốt đẹp nhất tới các bạn đồng nghiệp phi công trẻ của chúng ta: Các bạn là những người trẻ tuyệt vời, các bạn đã được đầu tư, có những điều kiện tốt nhất để học tập, rèn luyện và trưởng thành trong nghề. Để tự tin là lớp người nối tiếp truyền thống vẻ vang của phi công VNA, bên cạnh việc học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn, chúng ta cần phải rèn luyện bản lĩnh chính trị, tính tuân thủ nội quy, quy định. Nhất là tăng cường tính tự giác, tự giác học tập, tự giác tuân thủ kỷ luật, kể cả tự giác rèn luyện thể chất, giữ gìn sức khỏe để theo nghề. Ngày mai của VNA trong tay thể thệ trẻ hôm nay! Xin chúc cho tất cả chúng ta luôn có những chuyến bay an toàn, chất lượng, hiệu quả! Vì một VNA phát triển bền vững!”

Xin cảm ơn cựu Sĩ quan Không quân, Cơ trưởng Nguyễn Hoài Hải –  Xin cảm ơn từng giờ bay an toàn mà ông đã cống hiến cho VNA trong 30 năm qua! Chúc ông và các đồng nghiệp luôn mạnh khỏe, vững vàng tay lái, bay an toàn và thành công trong cuộc sống!

Đặng Thị Nguyệt Nga-Đoàn bay919

——————————–

Cuộc thi “Khi tôi 30” được tổ chức nhằm chào mừng 30 năm thành lập Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Cuộc thi được phát động từ nay đến ngày 31/7/2023 và được kỳ vọng sẽ là nơi toàn thể CBNV VNA Group (bao gồm cả CBNV đã nghỉ hưu) chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm, ký ức… của mình về Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong suốt quá trình gắn bó làm việc.

Các tác phẩm dự thi bao gồm các thể loại: Truyện ngắn, ký, ghi chép, thơ, bài hát. Trong đó mỗi bài dự thi được khuyến khích không quá 2.000 chữ, được viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (có hình ảnh minh hoạ).

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Bình luận 7

  1. DT nói:

    Cảm ơn Capt Nguyễn Hoài Hải ! Cảm ơn các đàn anh đã là những tấm gương sáng cho thế hệ đi sau noi theo.

    • Dang Thi Nguyet Nga nói:

      Cảm ơn bạn đã theo dõi câu chuyện của Capt Hải. Thành quả của thế hệ cha anh vừa là áp lưc, nhưng cũng là động lực cho thế hệ sau tiếp tục vượt khó để “sải cánh vươn cao”. Trân trọng!

  2. Vuong Hong Que nói:

    Hình ảnh và câu chuyện thật đẹp.

    • Dang Thi Nguyet Nga nói:

      Cảm ơn bạn nhé! Câu chuyện đẹp gặp được người đọc tuyệt vời! Brgds!

  3. NPTT nói:

    Bài viết chỉ cỡ ngàn từ, nhưng nhân vật chính được khắc hoạ thong thả và tỉ mỉ, làm người đọc có cảm giác như được lướt qua ba thập kỷ. Một cuộc du hành thời gian thú vị. Cảm ơn tác giả đã kể câu chuyện.

  4. TAK nói:

    Tự hào Đoàn bay 919!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.