Hành trình về với Tây Nguyên lịch sử của Chi bộ Trung tâm SUCC

Buôn Mê Thuột – mảnh đất cao nguyên anh hùng, chúng tôi như thấy một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng của Tây Nguyên.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Sau gần 2h bay từ Hà Nội, nơi những cơn gió mùa Đông Bắc lạnh lẽo vẫn còn vương vất, chúng tôi những thành viên của Chi bộ Trung tâm kiểm soát tải & ULD – Ban TTHH (Chi bộ Trung tâm SUCC) đã đến được vùng đất Cao nguyên đầy nắng gió, thành phố trẻ mang tên Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Trên đường từ sân bay về thành phố, chúng tôi bắt gặp những băng rôn khẩu hiệu chào mừng 44 năm chiến thắng Ban Mê và chào đón du khách tham dự lễ hội Café 2019 với chủ đề Tinh Hoa Đại Ngàn. Hình ảnh người con gái Tây Nguyên da nâu, mắt sáng, ánh mắt hiền hòa có mặt trên các băng rôn khắp đường phố như vẫy chào chúng tôi đến với vùng đất Tây Nguyên lịch sử này.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là ngã sáu Buôn Ma Thuột huyền thoại, là nơi đặt tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột với bố cục chiếc xe tăng T-54 số hiệu 980 nằm dưới vòm của hình tượng chiếc Ná là loại vũ khí thô sơ nhưng hào tráng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sử dụng trong cuộc chiến sinh tồn và đánh giặc gìn giữ buôn làng.

Chi bộ Trung tâm SUCC hành trình về mảnh đất Tây Nguyên lịch sử.

Chúng tôi đứng đó và hình dung ra những hình ảnh hào hùng của 44 năm về trước. Vào rạng sáng ngày 10/3/1975, tại mảnh đất này đã nổ ra cuộc tấn công thị xã Buôn Ma Thuột huyền thoại của quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, là phát súng lệnh mở đầu cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975. Chiếc xe tăng này như chú voi đực đầu đàn tả xung, hữu đột dẫn đầu đoàn quân quyết chiến, quyết thắng thọc sâu vào các cứ điểm của Mỹ Ngụy ở Buôn Ma Thuột đánh sập cổng Bộ Tư Lệnh sư đoàn 23 của địch. 

Chỉ sau đúng 01 ngày, quân ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Thắng lợi rực rỡ của trận đánh này là tiền đề cho các trận chiến thắng tiếp theo của Quân đội ta sau này, để đến ngày 30/4/1975 chúng ta giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngã sáu ngày nay thật đông đúc, sôi động với những con đường lớn chạy xung quanh tượng đài chiến thắng. Các vết tích chiến tranh, cỏ dại… đã nhường chỗ cho các khách sạn, nhà hàng, nhà văn hóa, trường học,…. thành quả của những năm đổi mới xây dựng một Buôn Mê Thuột hiện đại, phát triển nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc.

Điểm đến tiếp theo của Chi bộ chúng tôi là Viện bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk nằm trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, ngay giữa Trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột. Cổng chào hôm nay được trang trí màu đỏ rực rỡ trong ánh nắng cao nguyên với dòng chữ: “44 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột- những chặng đường lịch sử”. 

Chi bộ thăm Viện bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk.

Chất cao nguyên được thể hiện rõ nét trong phòng trưng bày chính được mô phỏng kiến trúc nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê, là dân tộc chiếm số lượng đông nhất tỉnh Đắc Lắk. Tất cả cuộc sống, sinh hoạt, hình ảnh của núi rừng, của đồng bào dân tộcTây Nguyên đều được thể hiện rõ nét qua các hiện vật, mô phỏng, tranh ảnh,… trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt, không gian lịch sử là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh , vũ khí chiến đấu, và các vật dụng phục vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tái hiện lại hình ảnh mạnh mẽ, ngoan cường của những người con Tây Nguyên trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Buổi chiều, khi ánh nắng nhạt nhòa dần trên các con đường rợp bóng cây của Buôn Ma Thuột, đoàn chúng tôi ghé thăm một không gian khác của Đắc Lắk- Làng cà phê Trung Nguyên, biểu tượng về phát triển kinh tế của Buôn Mê Thuột trong thời kỳ đổi mới để được  thưởng thức hương vị đặc trưng của vùng đất trồng cà phê nổi tiếng nhất đất nước.

Bên ly cà phê Ban Mê, không gian như lắng đọng, thời gian như chậm trôi. Chúng tôi như được uống chất tinh túy, hồn thơ của Tây Nguyên. Đâu đây như văng vẳng lời bài hát:

                                             Ly cà phê như muốn nói

                                            Nói cùng em câu gì..

                                            Ánh mắt, ánh mắt đắm say hay mùa xuân đang về

                                            Tiếng hát, tiếng hát cao nguyên như ngàn xưa vọng về …

Bao nhiêu mệt nhọc dường như tan biến trong ánh hoàng hôn Ban Mê ngày hôm ấy.

Điểm đến cuối trong chuyến đi về nguồn lần này của chúng tôi là Buôn Đôn. Ngay từ sáng sớm, các đồng chí Đảng viên Chi bộ SUCC đã có mặt tại cổng, háo hức, sẵn sàng cho hành trình thú vị này.

Buôn Đôn cách trung tâm thành phố khoảng 40Km về phía tây bắc. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những nương rẫy cà phê còn lác đác những nụ hoa trắng tinh khôi; đâu đó xuất hiện những vườn đào lộn hột màu vàng, điểm lẫn màu đỏ trông thật bắt mắt. Những đàn bướm vàng, bướm trắng rập rờn bay trong nắng sớm như chào đón chúng tôi về với Buôn Đôn huyền thoại.

Xưa kia nói đến Buôn Đôn là nói đến một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Serepôk quanh năm nước chảy hiền hòa như bản tính của người dân nơi đây. Ngày nay, nơi đây là điểm hấp dẫn khách du lịch với những chiếc cầu treo vắt vẻo mang lại cho du khách cảm giác đung đưa, rập rình theo từng bước chân thật thú vị và đầy trải nghiệm.

Chúng tôi bắt gặp những chú voi Tây Nguyên lừng lững, ngạo nghễ dạo bước. Những chú voi trong bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn” của nhạc sỹ tài ba Phạm Tuyên từng thân thiết, gắn bó với ký ức tuổi thơ của các thế hệ học sinh Việt Nam ngày hôm nay chắc chắn đã trưởng thành, lớn khôn. Những chú voi ngày xưa là lực lượng lao động, giúp đỡ đồng bào dân tộc kéo gỗ, chuyên chở lương thực, thực phẩm… ngày nay lại là là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến và trải nghiệm, góp phần phát triển ngành du lịch  của Đắk Lắc.

Tôi may mắn được cưỡi lên lưng chú voi lớn nhất và có duy nhất một chiếc ngà dài như thanh kiếm cong vút lên trời, trông thật oai phong, hùng dũng. Nhưng dưới sự điều khiển của anh quản tượng trẻ tuổi với làn da nâu rám nắng, nụ cười tỏa sáng, nom chú voi thật hiền lành, đáng yêu.

Cuối ngày, chúng tôi cùng nhau thưởng thức những ly rượu Amakong danh bất hư truyền, thứ rượu sóng sánh màu hổ phách thơm lừng đậm chất Tây Nguyên khiến chúng tôi lâng lâng, và càng rạo rực hơn bên tiếng nhạc  rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên. Bài ca, tiếng hát trong khung cảnh thiên nhiên hiền hòa làm chúng tôi thêm yêu và gắn bó hơn với mảnh đất, con người Tây Nguyên.

Chia tay Buôn Mê Thuột – mảnh đất cao nguyên anh hùng, chúng tôi như thấy một thành phố trẻ đang vươn mình phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh và quốc phòng của Tây Nguyên.

Trên đường ra sân bay, cả chi bộ chúng tôi cùng đồng thanh hát vang bài hát “ Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột”:

Ta yêu nhau từ Buôn Mê Thuột

    Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột

Em cao nguyên huyền thoại, em cao nguyên cỏ dại

Một cao nguyên ở trong tôi, vừa thật gần, vừa xa xôi

 Có cái nắng, có cái gió, có nỗi nhớ không mang tên người ơi...

Bài hát như một lời chia tay hẹn ngày tái ngộ với Tây Nguyên thân yêu.  

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.