Từ ngày 14-17/3, các đảng viên ưu tú thuộc các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ VIAGS – Chi nhánh Đà Nẵng đã thực hiện chuyến “hành trình về địa chỉ đỏ, cái nôi của cách mạng”, thăm lại chiến trường xưa và cột cờ quốc gia Lũng Cú, địa danh ghi dấu hào hùng “Sống bám đá, chết hóa đá, anh hóa thành bất tử” trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979-1989, địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Tham dự chuyến đi, ngoài các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, đảng viên các Chi bộ, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Công ty cũng tham gia cùng đoàn VIAGS Đà Nẵng. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của Miss VIAGS Nguyễn Hưng Ngọc Oanh và quán quân MC VIAGS Đàm Thị Phương Thảo. Đây là các hoạt động sau đăng quang và cũng đại diện cho lớp tuổi trẻ tài năng, xinh đẹp, thông minh, sẵn sàng kế thừa, gánh vác nhiệm vụ cho lớp đàn anh sau này.
Đúng 8h30 sáng ngày 14/3, xe đón đoàn từ sân bay quốc tế Nội Bài xuất phát về quốc lộ 3, qua địa phận Bắc Cạn, đoàn thẳng tiến về biên giới Cao Bằng. Trước khi vào Cao Bằng, đoàn chúng tôi dừng ăn trưa gần khu “Thủ đô gió ngàn” của tỉnh Bắc Cạn, dù mệt nhưng tinh thần của tất cả các thành viên trong Đoàn đều rất phấn khởi, bởi đã lâu lắm rồi chúng tôi mới có một chuyến đi xa và đầy ý nghĩa như thế.
Đoàn tiếp tục cuộc hành trình đi qua thành phố Cao Bằng, đi thêm 88 km nữa để đến thăm và trao những gói quà cho các gia đình bà con vùng cao xã Pò Tấu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là chương trình “Hành trình yêu thương đến vùng cao” do Ban chấp hành ĐTN tổ chức vận động, quyên góp từ CBNV của Chi nhánh để tặng đồng bào vùng cao còn có những khó khăn.
Đoàn thăm và tặng quà đồng bào xã Pò Tấu, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Chiều cùng ngày, đoàn đến Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nơi tận cùng đất nước về phía Bắc. Trong thời gian chờ làm thủ tục nhận phòng, tôi chợt nhớ ra câu thơnhững người vợ lính rằng: “Cao Bằng xa lắm anh ơi” và những người lính phải dặn dò lại: “Em về nuôi cái cùng con; Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.
Buổi tối chúng tôi có dịp tản bộ quanh khu vực giáp biên giới, tìm hiểu những người dân sinh sống nơi đây và thấy rằng, ngày nay Cao Bằng không còn là miền đất xa hun hút như thế nữa. Đến đây, bạn bè sẽ thấy một thị tứ biên giới của Tổ quốc biến đổi như thế nào. Vẫn là những con đường nhỏ nằm ở một thung lũng lòng chảo ấy, nhưng đã có ánh điện, đã có hoạt động mua bán rộn ràng, chợ búa nhộn nhịp vùng biên, hàng hóa bày bán khắp nơi…
Ngày thứ hai, đoàn mới có dịp thăm thác Bản Giốc, một thắng cảnh nổi tiếng của cả vùng Việt Bắc, có người còn gọi là kỳ quan thiên nhiên. Thác nằm trên sông Quy Thuận. Con sông nhỏ chảy đến đây bỗng sụt xuống 34m tạo thành một thác cao và rộng. Thác Bản Giốc từng đi vào nghệ thuật tạo hình với những tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc. Hiện nay cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc đang cùng khai thác thác Bản Giốc bằng các chương trình tham quan du lịch.
Đoàn thăm quan thác Bản Giốc, Trùng Khánh, Cao Bằng.
Đoàn tiếp tục khởi hành thăm mảnh đất lịch sử đã được nhiều người đến thăm nhất, đó là Pắc Bó, cách thành phố Cao Bằng 60km. Trước khi vào khu Pắc Bó, đoàn tiến hành dâng hương tại đền thờ Bác Hồ tại khu đồi thuộc xã Trường Hà. Vào khu Păc Bó, đây là một vùng núi sát biên giới Việt Trung tại cột mốc 108( mốc 675), nơi đây vào ngày 28 tháng 01 năm 1941 Bác Hồ đặt chân lên mảnh đất thân yêu của Tổ Quốc khi Người từ nước ngoài trở về. Pắc Bó là tên của thôn Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, còn nơi Bác Hồ ở là hang Cốc Bó (Cốc: là đầu nguồn, Bó: là suối). Trong hang còn nét chữ Bác ghi: ngày 8/2/1941. Ở đây Bác tạc một cột thạch nhũ thành tượng Các Mác; ngoài hang khoảng 100 mét có một phiến đá Bác dùng để làm việc, bên cạnh có một tấm bia khắc 4 câu thơ của Bác về “Tức cảnh Pắc Bó” như sau:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Cách hang 600 mét có ngọn núi nhỏ Na Tảng được Bác đặt tên là núi Các Mác và dòng suối Giàng được đặt tên là suối Lê Nin. Cách hang khoảng 800m có lán Khuổi Nậm nơi họp hội nghị trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương lần thứ VIII (năm 1941), một hội nghị lịch sử quyết định tập trung mọi hoạt động của Đảng vào cách mạng giải phóng dân tộc, quyết định thành lập mặt trận Việt Minh với lá cờ đỏ sao vàng về sau trở thành cờ nước. Ở làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trên đường từ Pắc Bó đi Mèo Vạc, đoàn vào viếng mộ Nông Văn Dền (Bí danh Kim Đồng, sinh năm 1929, mất năm 1943) và thân mẫu của anh, Mẹ VNAH Lân Thị Hò, mất năm 1997.
Suối Lê Nin, nơi Bác Hồ ở từ ngày 08/2/1941.
Viếng mộ Kim Đồng tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Tạm biệt Cao Bằng, đúng 14h30 đoàn tiếp tục cuộc hành trình hơn 150 km theo đường quốc lộ số 2 để lên thị trấn huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đến nơi 19 giờ 30, đoàn nhận phoàng và nghỉ lại ở thị trấn Mèo Vạc.
Mèo Vạc tuy chỉ là một thị trấn nhỏ và còn khó khăn ở tỉnh Hà Giang, nhưng nhờ có con đường Hạnh phúc huyền thoại và dãy núi cao Mã Pí Lèng nên nó lại trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang thu hút được rất nhiều du khách tới ghé thăm.
Ngày thứ ba, từ Mèo Vạc đoàn mới thực sự đi trên cung đường Hạnh Phúc để lên Đồng Văn. Sau khi đi khoảng 10 kmđoàn lên tới đỉnh núi Mã Pí Lèng, Mã Pí Lèng mệnh danh là cung đường đèo hiểm trở bậc nhất vùng núi phía Bắc, được ví như “vua” các con đèo Việt Nam. Đến đây, bạn cũng đủ mường tựa độ hùng vĩ của Mã Pí Lèng. Nhưng khi đã được đặt chân một lần tới đây cũng phải thảng thốt vì vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng nơi đây.
Đúng 11 giờ, sau khi chinh phục cung đường đèo hiểm trở, đoàn hành trình đi lên Lũng Cú – nơi cực Bắc của Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Vượt qua 279 bậc thang, đoàn đã đến Cột cờ Lũng Cú. Tại đây, đoàn đã tổ chức nghi thức trang trọng: Đứng thành hàng nghiêm trang hướng về lá cờ Tổ quốc – chào cờ, hát Quốc ca. Cũng như chào cờ tại Chi nhánh vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, nhưng hôm nay, mọi thành viên trong Đoàn đều cảm nhận thấy rất rõ niềm xúc động trào dâng và sự trang nghiêm đến lạ thường. Cũng tại nơi địa đầu của Tổ quốc, dưới Quốc kỳ tung bay, Ban Chấp hành Đảng ủy Chi nhánh đã nghe hướng dẫn đoàn ôn lại những cột mốc lịch sử trong quá trình xây dựng Cột Cờ Lũng Cú, chụp hình lưu niệm…
Đoàn thăm Cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang.
Chia tay Lũng Cú, trên đường trở về đoàn ghé thăm Khu dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn, cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn (Hà Giang) 15 km. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1886-1946), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8/1945.
Chương trình hành trình về địa chỉ đỏ tại “km số 0” Hà Giang, mang một ý nghĩa rất lớn về tinh thần, về khoảnh khắc, nơi đánh dấu một chuyến hành trình dài và kì vĩ của đoàn và cũng khép lại chương trình về nguồn trong thời gian 4 ngày của đoàn cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ VIAGS – Chi nhánh Đà Nẵng.
Qua chương trình tham quan thực tế, chúng tôi càng hiểu thêm về Bác Hồ kính yêu với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang… một số khu di tích lịch sử đoàn được thăm như thác Bản Giốc, khu di tích Pắc Bó, mộ Liệt Sĩ Kim Đồng. Đặc biệt là được thăm Cột cờ quốc gia Lũng Cú, khẳng định chủ quyền quốc gia, nơi tuyến đầu của Tổ quốc mến yêu… Tất cả đã khơi dậy và làm sáng lên trong đoàn về giá trị truyền thống, giá trị nhân văn và đức hy sinh của các thế hệ qua các thời kỳ kháng chiến và kiến quốc của dân tộc, đặc biệt là tấm gương tư tưởng đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Sau hành trình, chúng tôi càng thấm nhuần hơn nữa trong việc việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh ở trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Đợt giáo dục truyền thống bằng phương pháp trực quan đã làm tăng thêm lập trường tư tưởng kiên định, vững vàng trong cán bộ, đảng viên về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; qua đó cán bộ, đảng viên chúng tôi sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi sẽ mãi lưu giữ trong trái tim và tâm hồn những tiềm thức thiêng liêng về nơi “Sống bám đá, chết hóa đá, anh hóa thành bất tử”….
Bút ký của Lê Ngọc Liên – VIAGS ĐN