Kỳ vọng về một thế giới di chuyển dễ dàng hơn đang dần trở thành hiện thực khi Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia phát triển cơ bản đã đạt được mục tiêu chiến lược vaccine, quay trở lại trạng thái bình thường.
Dự báo của các chuyên gia hàng không, du lịch cho thấy tình hình thị trường sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2021, khởi sắc hơn trong các năm tiếp theo khi vaccine Covid-19 được tiêm phòng rộng khắp thế giới và tại Việt Nam. Nhu cầu du lịch, đi lại bị kìm nén suốt hai năm có thể trở thành lực nén lò xo đẩy con tàu hàng không lên một tầm cao mới.
Giống như mọi doanh nghiệp trong ngành, vấn đề với VNA là “sống sót” qua đại dịch và chuẩn bị cất cánh trong tương lai rất gần.
Chủ động vượt khó để sống sót
Gần 2 năm qua, đặc biệt trong khoảng thời gian bùng phát đợt dịch thứ tư trên cả nước, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh gần như bị tê liệt. VNA đã luôn “kề vai” cùng đất nước và người dân trên tuyến đầu chống dịch với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo báo cáo gần đây của VNA, Hãng đã hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ giao phó là đảm bảo cầu hàng không huyết mạch, thực hiện hàng ngàn chuyến bay đặc biệt, trong đó có những chuyến bay tới Hoa Kỳ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu để chuyên chở hàng vạn đồng bào hồi hương, chuyên gia vào Việt Nam; kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là người lao động và du học sinh ra nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản, kết nối giao thương; vận chuyển vaccine, máy thở, trang thiết bị, vật tư y tế cùng lực lượng chống dịch tới các điểm nóng.
Trước diễn biến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu đã có sự thay đổi và trạng thái bình thường đang diễn ra ở nhiều quốc gia, VNA đã tiên phong trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm thành công ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass, mở ra những giải pháp tích cực được kỳ vọng để Việt Nam khôi phục các đường bay quốc tế một cách nhanh chóng, an toàn, tạo cơ hội phục hồi cho ngành du lịch, hàng không sau đại dịch Covid-19.
Từ tháng 7/2021, VNA đã mở lại một số đường bay quốc tế giữa Việt Nam với các quốc gia châu Á, châu Âu và châu Úc. Hãng cũng đã xây dựng 30 đường bay quốc tế thường lệ để chở hàng hóa, hoán cải 8 máy bay chở khách thành máy bay chuyên chở hàng để gia tăng năng lực vận chuyển lên gấp 1,8 – 2 lần trên mỗi loại máy bay này so với chở hàng tại khoang bụng, giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh, chiếm gần 30% tổng doanh thu.
Để vượt qua những khó khăn chồng chất do đại dịch gây ra, trong suốt 2 năm qua, VNA đã phải thực hiện chiến dịch “thắt lưng buộc bụng” chưa từng có tiền lệ, bao gồm cả sự đóng góp rất lớn của cán bộ nhân viên tự nguyện làm việc giảm lương hoặc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, tối ưu hóa các quy trình hoạt động, cắt giảm chi phí… Nhờ đó con số lỗ của VNA đã giảm xuống nhỏ hơn rất nhiều so với số lỗ của các hãng hàng không khác trong khu vực như Thai Airways, Garuda Indonesia, Singapore Airlines… Dự kiến trong năm 2021, VNA sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tiết kiệm, cắt giảm chi phí khoảng 10.900 tỷ VNĐ, trong đó từ các giải pháp tự thân là trên 6.800 tỷ VNĐ.
VNA đã luôn “kề vai” cùng đất nước và người dân trên tuyến đầu chống dịch với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. (Ảnh: VNA).
Sẵn sàng cho “mở cửa bầu trời”
Trước những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Cục Hàng không Việt Nam mới đây đã báo cáo Bộ GTVT kế hoạch mở lại các đường bay nội địa nhằm duy trì hoạt động vận tải hàng không, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương trong điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
VNA đã có kế hoạch khôi phục hoạt động khai thác trên cả mạng bay nội địa và quốc tế giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022. Việc khôi phục mạng bay được Hãng thực hiện trên cơ sở cho phép của nhà chức trách, trong đó ưu tiên khôi phục các đường bay trục kết nối Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; các đường bay kết nối Hà Nội với Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và Hải Phòng được khai thác bằng tàu bay thân rộng để hành khách có cơ hội trải nghiệm thường xuyên các dòng tàu bay hiện đại nhất thế giới. Căn cứ theo diễn biến của thị trường, VNA dự kiến sẽ từng bước khôi phục khai thác hơn 60 đường bay trong nước và sẽ tăng tần suất vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đối với mạng bay quốc tế, VNA tiếp tục tập trung vào vận tải hàng hóa kết hợp chở khách để tối ưu nguồn lực, tăng doanh thu theo qui định của các cơ quan quản lý hàng không. Hiện tai, Hãng cũng đã xây dựng kế hoạch khai thác và mở bán vé một số đường bay khứ hồi đến Úc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Vươn tầm 5 sao
An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của VNA. Liên tục trong nhiều năm qua, VNA luôn đảm bảo cho những chuyến bay được thực hiện theo tiêu chuẩn gắt gao nhất với các tổ bay giàu kinh nghiệm, đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật, mặt đất có chuyên môn cao. Tiêu chuẩn an toàn bay lại càng được nâng cao hơn trong đại dịch.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, VNA lập tức chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn về an toàn sức khỏe của Chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam.
Những nỗ lực đó đã giúp cho VNA trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được Skytrax cấp chứng chỉ 5 sao – chứng chỉ an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, VNA cũng tranh thủ tận dụng khoảng thời gian nhiều đường bay phải cắt giảm do thực hiện giãn cách để chuẩn bị nguồn lực, tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo trong chiến dịch “We are back” nhằm khôi phục lại các dịch vụ trên không và mặt đất, nâng cao trải nghiệm của hành khách khi thị trường phục hồi.
Từ tháng 8/2021, Hãng đã chính thức triển khai chương trình “Nâng tầm dịch vụ” theo mô hình đào tạo độc quyền của Chuyên gia hàng đầu về dịch vụ khách hàng Ron Kaufman, một chương trình đào tạo có quy mô lớn nhất mang tính đột phá, quyết liệt trong lộ trình vươn tới 5 sao của VNA. Các đơn vị trực thuộc cũng xây dựng các chương trình hành động khi thị trường phục hồi, trong đó Đoàn tiếp viên – một trong những bộ phận kết nối trực tiếp với hành khách, được ví như Đại sứ thương hiệu của VNA đã tiên phong, chủ động xây dựng ngôn ngữ dịch vụ chung cho tiếp viên, được đúc kết thành 5 Điều cam kết về chất lượng dịch vụ để mang tới cho hành khách những trải nghiệm khác biệt, vượt trội trên những chuyến bay của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Theo Heriatge H232