Niềm đam mê đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh

Đồ sứ ký kiểu là tên dùng để chỉ những đồ sứ chế tác tại Trung Quốc theo đơn “đặt hàng” của triều đình Việt Nam trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, được phân thành bốn dòng: Đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, Đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, Đồ sứ ký kiểu thời Tây Sơn và Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trong đó, đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh là dòng đồ sứ do vua Lê – chúa Trịnh ở Đàng Ngoài ký kiểu sớm nhất (từ thế kỷ 17). Đây cũng là dòng đồ sứ được giới sưu tầm cổ ngoạn săn lùng nhiều nhất và có giá cao nhất trên thị trường cổ vật Việt Nam.

Đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh có hai nhóm hiệu đề: Nội phủ và Khánh xuân. Nhóm hiệu đề Nội phủ với sáu loại hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị đông và Nội phủ thị đoài. Nhóm hiệu đề Khánh xuân có 2 loại hiệu đề: Khánh xuân và Khánh xuân thị tả. Đồ sứ Khánh xuân có giá trị mỹ thuật cao hơn, quý hiếm hơn và có giá cao hơn so với đồ sứ Nội phủ. Mỗi chiếc đĩa Khánh xuân hoàn hảo, đường kính khoảng 15cm, hiện có giá khoảng 800 triệu VNĐ. Những chiếc có đường kính từ 18cm trở lên thì giá cao hơn rất nhiều.

alt text

Vậy nhưng, không phải có tiền là có thể mua được đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân, vì trong giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam hiện nay không hiếm các đại gia sẵn sàng chi tiền tỉ để sở hữu những tuyệt tác đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh. Trong khi đó, dòng đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân vốn đã ít, nay lại càng hiếm hoi bởi sau hơn 300 năm góp mặt với đời thì dòng đồ này đã rơi rụng rất nhiều vì những nguyên nhân khác nhau. Đó cũng là lý do để đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân giả xuất hiện, không chỉ bây giờ mà từ cuối thời Nguyễn, và thao túng thị trường cổ vật. Nhiều người chỉ có sự đam mê và có tiền, nhưng thiếu kiến thức về đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, đã phải trả “học phí” cao khi vớ phải những món đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân giả.

alt text

Trước nay, chỉ có những tay sưu tập lão luyện mới đủ bản lĩnh và tiền bạc để chơi đồ Nội phủ – Khánh xuân. Hơn 30 năm “bén duyên” với đồ sứ ký kiểu, tôi chỉ nghe dân trong “làng cổ ngoạn Việt Nam” nhắc đến những cao thủ như: Vương Hồng Sển, Trần Đình Sơn, Phạm Hy Tùng, Nguyễn Thanh Tuyền, sư Trúc Thông…, chủ yếu là ở Sài Gòn, mới là những “chủ nhân ông” của những sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh giá trị.

Tuy nhiên, thời thế đổi thay: trong vòng 10 năm trở lại đây, những món đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân giá cao ngất ngưỡng, đều do những người trẻ, đa phần là ở các tỉnh thành phía Bắc bỏ tiền sưu tầm và sở đắc. Trong số đó có ba nhà sưu tầm ở Hà Nội, là: Nguyễn Công Tuấn (một nhà thầu xây dựng), Ngô Văn Trường (chủ một doanh nghiệp đồ gỗ) và Cao Cường (nhân viên một ngân hàng của Anh). Họ đã bỏ nhiều tiền của, công sức và trí tuệ để săn lùng những món đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân chánh hiệu, vốn là bảo vật của các nhà sưu tập lão làng ở trong và ngoài nước, để thỏa lòng đam mê cho thú chơi tao nhã mà tốn kém này.

Hơn 30 món đồ sứ Nội phủ – Khánh xuân toàn bích với đủ chủng loại, kích thước, đề tài trang trí, hiệu đề… thuộc sở hữu của ba nhà sưu tập trẻ Hà thành, là những đại diện xuất sắc của dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh. Chưa nói đến chuyện tiền nong, riêng việc bỏ ra hàng năm trời để theo đuổi một món đồ ưng ý và thuyết phục những “cây đa, cây đề” trong làng cổ ngoạn đồng ý nhượng lại cho mình, thì đã là kỳ công.

Nếu Cao Cường dành trọn đam mê cho những món đồ Nội phủ thị nam vẽ “sen – cua”, thì Nguyễn Công Tuấn quyết tìm những món đồ Khánh xuân đắt giá vẽ “rồng – lân – phượng”, còn Ngô Văn Trường lại theo đuổi dòng đồ Nội phủ với đầy đủ các hiệu đề: Nội phủ thị trung, Nội phủ thị hữu, Nội phủ thị bắc, Nội phủ thị nam, Nội phủ thị đông và Nội phủ thị đoài. Mỗi người một vẻ, nhưng đều giống nhau ở điểm: say mê đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh.

 Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là nơi sở hữu hơn 2.000 món đồ sứ ký kiểu của các nhiều thời kỳ, nhưng hầu hết đồ sứ ký kiểu ở bảo tàng này đều là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, rất hiếm những món đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh. Vì thế, bảo tàng đã nhiều lần đề nghị những nhà sưu tầm ở Sài Gòn và Huế, là những người đang sở hữu những món đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, hợp tác cùng tổ chức một cuộc triển lãm về dòng cổ vật này.

alt text

Tuy nhiên, do những món đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh đều là trân phẩm giá trị cao, nên các nhà sưu tầm rất e ngại việc cho mượn, di chuyển và trưng bày ở nơi khác trong một thời gian dài.

Khi nghe danh ba nhà sưu tập trẻ tuổi ở Hà thành đang làm chủ những sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh hoàn hảo và toàn bích, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã ngỏ ý hợp tác với họ để đưa những trân bảo này để đưa Huế trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Cả ba đều đồng ý không một chút ngại ngần.

Nhờ vậy mà trong kỳ Festival Huế năm 2018, lần đầu tiên du khách và công chúng yêu cổ ngoạn ở Huế có cơ hội chiêm ngưỡng những tinh hoa của dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê – Trịnh, bên cạnh đồ sứ ký kiểu của các thời kỳ khác đang được trưng bày nơi đây. Cuộc triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế trong vòng một tháng, thu hút những người đam mê đồ sứ ký kiểu trong nước tìm về để thưởng lãm, và trở thành một điểm đến hấp dẫn nhất ở Huế trong dịp Festival Huế năm đó.

Website http://heritagevietnamairlines.com/ và Fanpage https://www.facebook.com/TapchiHeritagevn/ là các kênh thông tin, tương tác dành cho những độc giả yêu mến Vietnam Airlines, yêu mến Heritage và đam mê du lịch, thời trang, khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam cũng như các vùng đất trên toàn thế giới.

Theo: Trần Đức Anh Sơn – Heritage

Nguyen Mai Huong-COMM

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.