Thưa ông, trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh làng nghề truyền thống Việt Nam đã được khai thác. Vậy theo ông, những làng nghề này đại diện cho điều gì trong bức tranh văn hóa và bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế?
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không thể phủ nhận rằng văn hóa Việt Nam đang giao thoa mạnh mẽ với văn hóa thế giới. Trong quá trình tiếp biến này, tôi nhận thấy rõ hơn bao giờ hết vai trò của việc giữ gìn bản sắc của chính mình. Bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia hiện hữu trong mọi mặt đời sống, từ phong tục, lễ hội, đến nếp nhà, đến trang phục, thậm chí là cả cách người dân làm ăn, buôn bán cũng như đời sống thường ngày của họ. Thứ theo tôi phản ảnh rõ ràng nhất văn hóa làng quê Việt Nam chính là làng nghề.
Việt Nam có hơn 300 làng nghề truyền thống, minh chứng sống động cho sự đa dạng văn hóa và tài hoa của người Việt. Mỗi làng nghề mang đậm nét đặc trưng, từ không gian làm nghề đến sản phẩm thủ công tinh xảo, phản ánh giá trị thẩm mỹ độc đáo.
Sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại tại các làng nghề không chỉ làm văn hóa trở nên gần gũi hơn với đời sống mà còn thu hút sự quan tâm của giới trẻ – những người giữ vai trò then chốt trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc. Bởi lẽ đó, tôi cho rằng làng nghề là một phần không thể thiếu, và cũng là một trong những nét khắc họa chính trong bức tranh tổng thể văn hóa truyền thống Việt Nam.
Vậy ông đánh giá thế nào về việc phim hướng dẫn An toàn bay của Vietnam Airlines lồng ghép hình ảnh các làng nghề truyền thống, như làng thêu Quất Động, làng hoa giấy Thanh Tiên, hay làng tranh Đông Hồ… vào phim?
Tôi thực sự đánh giá rất cao việc lồng ghép những hình ảnh về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đến với bạn bè quốc tế cũng như với chính những người dân Việt Nam. Tôi có thói quen rất quan tâm tới các thước phim An toàn bay trong thời gian chờ máy bay cất cánh.
Phim an toàn bay của Vietnam Airlines thực sự hấp dẫn và thú vị đối với một hành khách như tôi, nó khiến tôi tập trung vào các hướng dẫn mà không hề cảm thấy nhàm chán, ngược lại còn rất mới mẻ. Lần đầu xem phim, tôi đã phải “ồ” lên đầy thích thú. Ngoài ra tôi cho rằng đây cũng là một cách truyền bá văn hóa rất hiệu quả. Chuyến bay nở hoa tiếp tục là nấc thang để Hãng mang nghệ thuật và văn hóa Việt Nam tiến gần hơn đến khán giả quốc tế.

Theo ông, điểm sáng tạo độc đáo nhất của sự kết hợp này là gì?
Với tôi, điểm sáng tạo độc đáo nhất có lẽ là không gian quen thuộc của máy bay được dịch chuyển nhịp nhàng đến những khung cảnh đậm chất truyền thống của các làng nghề nổi tiếng như thêu tay Quất Động, tranh Đông Hồ, hoa giấy Thanh Tiên, đèn lồng Hội An… Những khung hình giàu tính nghệ thuật hiện ra với sắc màu từ trung tính đến rực rỡ, âm thanh tươi vui của nhạc cụ dân tộc đã kích thích đa giác quan của người xem. Những chi tiết về biển bảng, đèn tín hiệu… được biến hóa rất tinh tế, mới lạ và tự nhiên, hòa quyện những thứ khô cứng với những thứ thật bình dị, mộc mạc.
Tôi nghĩ rằng, người xem hẳn sẽ hứng thú khi được đưa vào không gian đầy tính điện ảnh và xem các nghệ nhân tự tay làm ra các sản phẩm trong phim.
Việc kết hợp các giá trị văn hóa truyền thống vào sản phẩm của một hãng Hàng không quốc gia như Vietnam Airlines có ý nghĩa gì đối với việc quảng bá di sản văn hóa Việt Nam trên toàn cầu?
Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ gìn, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống gặp nhiều khó khăn do sự du nhập ồ ạt của các yếu tố ngoại lai khiến cho nhiều người nước ngoài khó tiếp cận văn hóa truyền thống của chúng ta một cách đúng và đủ. Với vốn văn hóa truyền thống giàu và đẹp, Vietnam Airlines đã mang đến cho bạn bè quốc tế một cái nhìn đa chiều về đất nước Việt Nam – nơi luôn dung hòa các giá trị hiện đại và cổ truyền, giữ gìn những điều tốt đẹp trong quá khứ, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn thông qua các phương tiện hiện đại.
Có thể nói, Chuyến bay nở hoa chính là một lời khẳng định đặc biệt nhất cho hành trình kết nối văn hóa và an toàn bay trong năm 2025 của Vietnam Airlines.
Bài: Bảo Ngọc, ảnh: Tạp chí Heritage