“
Với những ai chưa biết nhiều về thành phố mộng mơ, bạn nên dành thời gian để đi thăm các công trình cổ thay vì chỉ vào chợ hoặc ngồi café trong khu Hòa Bình”
Câu chuyện ở đây là những tòa biệt thự cổ xưa, các công trình đã trải mưa gội nắng bao năm trên Đà Lạt. Qua thời gian, những công trình tuyệt đẹp mà người Pháp xây dựng trên thành phố ngàn hoa từ hơn một thế kỷ trước càng ngày càng toát lên nét quyến rũ của phong cách kiến trúc cổ điển.
Được biết ngày xưa, khi quy hoạch Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng của tầng lớp thượng lưu và quan lại ở miền Nam, các kỹ sư Pháp đã quyết định xây những ngôi biệt thự đại diện cho phong cách kiến trúc của các tỉnh nước Pháp. Không chỉ là sao chép, giới công quyền xưa còn phóng tác nên những công trình tôn giáo, trụ sở hành chính, trạm xe lửa, trường đại học… với tuy duy lãng mạn châu Âu kết hợp với văn hóa bản địa để giờ đây du khách lên Đà Lạt phải lặng người trước vẻ đẹp hoàn mỹ của chúng.
Trường Cao đẳng Sư phạm là một minh chứng điển hình. Không sao chép bất kỳ một công trình nào trước đó, khối nhà có đường nét uốn cong mềm mại với ngọn tháp chuông ở đầu hồi. Được khởi công năm 1927, trường ban đầu có tên Petit Lycée Dalat, sau đổi thành Grand Lycée Yersin, là nơi đào tạo học sinh con em người Pháp và Việt.
Được biết Trường Cao đẳng được Hội kiến trúc sư thế giới (UIA) đưa vào danh sách 1.000 công trình xây dựng độc đáo nhất trên thế giới. Rực rỡ dưới bầu trời xanh thẳm là hình dáng cong mềm mại xây bằng gạch đỏ, lợp ngói, đều đặn những khuôn cửa ở hàng lanh dưới, toàn khối nhà là nơi rất tuyệt để du khách tới chụp ảnh lưu niệm. Tiếc là mấy năm gần đây Trường Cao đẳng đã không đón tiếp khách thăm quan nữa.
Cùng với đó là nhà thờ Con Gà. Có tên gọi chính thức là Nhà thờ Chính tòa, nhưng người địa phương và khách du lịch đều thích tên gọi dân dã hơn vì trên đỉnh tháp chuông có đúc hình một con gà lớn. Từ con đường ven hồ Xuân Hương nhìn lên, tòa tháp kiêu hãnh vươn cao, phô bày dáng hình thanh thoát của tháp chuông và càng vào gần, kiểu kiến trúc cổ điển của nhà thờ càng thu hút ánh mắt người xem.
Trải bao mùa mưa nắng, nhà thờ vẫn là tâm điểm của thành phố, tựa như ngọn hải đăng dẫn lối cho tàu thuyền lênh đênh sóng nước trở về mái ấm thân quen. Sâu hơn trong vùng rừng núi, nhà thờ Cam Ly lại thu hút người yêu vẻ đẹp cổ điển bởi hình dáng nhỏ nhắn, pha trộn giữa văn hóa châu Âu với tinh thần của những ngôi nhà Rông của chốn đại ngàn.
Với những ai chưa biết nhiều về thành phố mộng mơ, bạn Đà Lạt sẽ khuyên dành thời gian để đi thăm các công trình cổ thay vì chỉ vào chợ hoặc ngồi café trong khu Hòa Bình. Dù nếm cà phê trong cảnh bình minh mờ sương, ngắm bóng hình của các thiếu nữ áo dài đi trên phố cũng là điều rất tuyệt, nhưng không thể bỏ qua các tòa Dinh I, Dinh II, rồi Cung Nam phương Hoàng Hậu hay Bảo tàng Lâm Đồng.
Tất cả đều lặng lẽ kể về một thời thăng trầm đã qua, một thời của vàng son nay chỉ còn là kỷ niệm (Ảnh: Heritage).
Đây là các báu vật văn hóa cao nguyên, xưa kia đã được xây dựng nhằm phục vụ ý đồ biến Đà Lạt thành Hoàng triều cương thổ, nơi tập trung quyền lực chính trị của triều đại phong kiến cuối cùng. Những toan tính chính trị xưa đã tan vào dĩ vãng do dòng chảy của thời cuộc, song đường nét kiến trúc của các công trình cho tới nay vẫn đủ mê hoặc lòng người. Tại Dinh I và II, khách thăm quan được chiêm ngưỡng các khuôn cửa đậm chất gothic lãng mạn, phòng họp, phòng ăn, dãy phòng ngủ dành cho nhà vua vốn thạo chuyện đi săn và khiêu vũ hơn bàn việc nước.
So sánh với kiểu dáng nội thất hiện đại thì rõ ràng phòng ngủ của vua, hoàng hậu và các thái tử quá ư đơn sơ, nhưng vào đầu thế kỷ 20 mà các người ta đã kiến tạo dưới tán thông những đường nét kiến trúc châu Âu thì quả là tài tình. Hệ cầu thang uốn cong nối liên hoàn các tầng, những hành lang có khuôn cửa sổ trang nhã, mấy pho tượng cổ điển đặt rải rác ở góc tường… Tất cả đều lặng lẽ kể về một thời thăng trầm đã qua, một thời của vàng son nay chỉ còn là kỷ niệm.
Cũng không thể bỏ qua cụm biệt thự rải rác trên đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo và rất nhiều nơi khác trong thành phố. Có biệt thự đã bị hủy hoại nhiều, có căn còn nguyên nhưng xuống cấp trầm trọng, cũng có cụm công trình được trùng tu, phục hồi nguyên trạng và đưa vào khai thác du lịch.
Được sống trong những ngôi nhà có lò sưởi, sàn lát gỗ, khuôn cửa sổ mở ra ngắm trọn vẹn thảm cỏ xanh, bụi hoa cúc quỳ vàng rực rõ và tán thông xanh, khoảng thời gian ấy sẽ ghi dấu vào tâm hồn mồi người để thấy nơi này thật xứng với tên gọi thành phố mộng mơ. Dù hiện trạng xây dựng của Đà Lạt ngày nay đã trở nên quá tải, dù tinh thần của nơi chốn nghỉ dưỡng biệt lập ngày xưa đã hóa thành du lịch bình dân, Đà Lạt vẫn còn lưu giữ được các công trình cổ để con người nhận thấy thành phố này còn biết bao nét cổ đáng yêu.
Theo: Heritage
Nguyen Mai Huong-COMM