Tứ phủ – Tiếp cận vốn quý của dân tộc

Trong những năm trở lại đây, các loại hình nghệ thuật dân gian được đặc biệt chú ý và khai thác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong số đó là phương thức khai thác thuộc tính cần thiết của nghệ thuật truyền thống để tái tạo những không gian nghệ thuật đương đại. Điều này tạo ra cho công chúng cách nhìn hoàn toàn khác mà trong đó những giá trị của nghệ thuật truyền thống chỉ đóng vai trò như chất liệu để tạo dựng nên tác phẩm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Những loại hình sân khấu của nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, chầu văn, ca trù… nói chung thường diễn ra trong những không gian có tính chất dân gian khá lớn, khán giả tiếp cận từ đa hướng, khác hẳn với những nhà hát ở phương Tây. Một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam có không gian diễn xưởng độc đáo nhất chính là chầu văn, ở đó vừa có đàn, vừa có hát, diễn xướng, tâm linh và tương tác.

Chính vì có nhiều những loại hình nghệ thuật phối kết hợp và kết cấu lễ nghi phức tạp lại phải diễn ra ở không gian riêng như đền, phủ có yếu tố tâm linh chi phối dẫn tới thực tế lượng người xem và biết đến chầu văn khá đông. Song số lượng có thể thưởng thức, hiểu thấu đáo bộ môn nghệ thuật dân gian này từ cái nhìn theo hướng văn hóa và nghệ thuật thì quả thật rất ít. Từ những khó khăn trong việc tiếp cận vốn quý của văn hóa dân tộc, thực tế cần có một cách làm khác, sao cho không làm biến dạng tinh thần của văn hóa lại phù hợp với hoàn cảnh và dễ tiếp cận hơn với đông đảo Công chúng. “Tứ Phủ”, vở kịch đương đại gần đây ở Hà Nội của Viettheatre, được dàn dựng bởi đạo diễn Việt Tú đã đưa tới một cách tiếp cận, thưởng thức chầu văn thật độc đáo và hấp dẫn.

Vở diễn tràn ngập tính sáng tạo trong cách thức tiếp cận vấn đề. Sự khác lạ thể hiện ngay từ sảnh vào, nơi đó toàn bộ những đồ vàng mã, con ngựa giấy được sắp đặt một cách có ý tứ. Những hình khối màu sắc rực rỡ và cũng khá lạ lẫm này nằm tách biệt hoàn toàn với không gian diễn xướng chính, qua đó cho công chúng một nơi để nhìn ngắm, tìm hiểu trước và sau màn trình diễn chính. Cách thức sắp đặt này mang lại cảm giác về không gian tâm linh phong phú và nhẹ nhàng, khác hẳn với những ức chế tâm lý có thể diễn ra tại đền phủ ngoài đời thực.

Toàn bộ chương trình được phân tách thành ba phần được kết nối một cách mềm mại, phối hợp nhuần nhuyễn giữa video và diễn xướng trên nền nhạc điện tử. Nhằm hạn chế những điểm yếu của sân khấu khi | khán giả ngồi khá xa những diễn viên, màn trình diễn ban đầu mô tả những chi tiết vấn khăn, cài trâm đã được thể hiện bằng video trên sân khấu, sự kết hợp những nhạc cụ truyền thống đã tạo ra được những cảm giác mới về một không gian tâm linh của chầu văn rất hiệu quả. Sự kết hợp với video còn được sử dụng trong suốt tiến trình của tác phẩm từ việc đóng vai trò minh họa cho các tích diễn đến việc được sử dụng như một phương tiện chính. Điển hình như trích đoạn “Ông Hoàng Mười”, do biên độ của những động tác múa mô tả phong thái của Ông Hoàng ngắn mà phạm vi di chuyển lại khá rộng, đạo diễn đã sử dụng hoàn toàn video cho tích diễn này nhằm hỗ trợ khán giả từ góc xa có thể thưởng thức trọn vẹn hành động của nhân vật. Trình diễn video được kết hợp với những diễn viên trong giá hầu diễn tại tiền cảnh của sân khấu. Đây là một sáng tạo đặc sắc kết hợp giữa diễn xướng và kỹ thuật video nhằm tái hiện chi tiết chân thực sắc nét lại vừa chuyển tải được tinh thần của nghệ thuật.

Ba phần của tác phẩm diễn ra liền mạch, Cô đọng với sự chuyển tiếp rất có nghề, không làm cắt đứt cảm xúc người xem, lại vẫn tách bạch được nội dung của các tích diễn. Hơn nữa những hình thức minh họa trên video được lồng ghép rất thú vị như những tranh thờ cỗ, động tác nhập đồng của diễn viên kết hợp với trình diễn trực tiếp trên sân khấu tạo ra những không gian cảm xúc rất đậm nét. Rõ ràng, vở kịch đương đại “Tứ Phủ” của đạo diễn Việt Tú đã mang những hiệu quả đặc biệt khi chuyển tải văn hóa truyền thống đến gần gũi hơn với đông đảo công chúng. Qua vở diễn này, cây cầu nối những bến bờ của văn hóa truyền thống dường như vừa được bắc thêm một nhịp.

Theo báo heritagevietnamairlines.com

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.