Khúc độc hành sông Mã

Khởi nguồn phía nam Điện Biên dọc theo dãy Su Xung Chảo Chai và Pu Sam Sao, qua địa phận Lào, sông Mã về lại cửa khẩu Mường Lát kết thúc hành trình trọn vẹn trên phần đất xứ Thanh. Con đường nhỏ men theo bờ trái sông Mã đoạn qua Quan Hóa được che kín bởi tầng tầng lớp lớp những thân luồng phủ lấp ánh mặt trời.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Bản làng yên bình trong thung lũng Pù Luông

Chúng tôi men dọc theo con đường đất ôm sát phía bên tả ngạn Mường Lát, sông Mã lúc này không còn là sợi chỉ mỏng tang và xanh ngắt giữa điệp trùng núi Điện Biên – Mường Luân, sông Mã giờ rộng lớn hơn và màu mỡ hơn nhờ nhận thêm nước từ dòng Nậm Ét ở Xiengkhor – Lào và ở phía trên những dải núi cao của dãy Pha Luông đổ xuống.

Qua chỗ này, sông Mã chảy giữa một vùng tam giác tre luồng lớn nhất Việt Nam, rộng tới hơn 60.000 ha nằm lọt giữa một phần của Mường Lát cùng với Quan Hóa – Thanh Hóa và một phần của huyện Mai Châu – Hòa Bình. Con đường nhỏ men theo bờ trái sông Mã đoạn qua Quan Hóa được che kín bởi tầng tầng lớp lớp những thân luồng lấp ánh mặt trời, chốc chốc lại mở ra những khoảng sáng bừng kỳ ảo mà ở phía dưới sông, từng tốp thợ bè điêu luyện lèo lái những bè luồng xuôi sống về phía hạ lưu. Chạy xe máy ven bờ đã | thấy khó, huống gì thợ bè chèo chống ở dòng nước xiết dưới kia. Những thợ bè người Mường ở Quan Hóa kể rằng, mỗi chuyến bè luồng xuôi về Hồi Xuân là một ván cược tính mạng với gập gềnh thác dữ, với cuồn cuộn sóng ngầm.

alt text
Vách đá bờ sông, nơi thử thách tay chèo thuyền đưa khách

Xuống đến ngã ba Co Lương giao với quốc lộ 15, sông Mã chảy vào Pù Luông rồi ngoặt phải 90 độ để chuyển hẳn dòng chảy về phía nam. Pù Luông là núi lớn như tên gọi của người Thái ở Bá Thước, sống men theo chân núi, lúc ngoặt lên bắc, lúc xuôi xuống nam, vẽ thành những đường cong mềm mại và đồng điệu với những đồng lúa bắt đầu phẳng lì, rộng tít tắp phía dưới Cành Nàng, Cẩm Thủy. Dừng xe lưu lại đây dù chỉ một buổi hay vài ngày cũng đủ thu vào ống kính biết bao cảnh đẹp. Những nàng sơn nữ bên cạn nước, nếp nhà sàn giữa biển lửa trập trùng, rồi cầu treo vắt vẻo trên dòng nước… Cảnh sắc ấy chẳng bao giờ thấy được nơi đô hội.

Hướng về phía biển, bỏ lại sau lưng những trùng điệp núi đá và miên man rừng già, sông Mã men theo những dãy đồi thấp, cần mẫn suốt triệu năm chở phù sa để tạo nên một đồng bằng Thanh Hóa phì nhiêu và rộng dài thứ ba ở Việt Nam. Phải đến ngã ba Giàng ở Thiệu Khánh, Hoằng Hóa, sông Mã mới gặp lại phụ lưu chính của mình là sông Chu cách cửa sông về phía thượng nguồn đến hơn hai chục cây số. Qua thêm một đoạn nữa, giữa mênh mông đồng lúa nằm giữa hai huyện Thiệu Hóa – Hoằng Hóa, sông Mã tách dòng đổ về phía bắc qua cửa biển Lạch Trường. Một nhánh nữa xuôi tiếp về phía nam và hòa vào biển Đông ở cửa Lạch Hới, tạo nên một trong những cửa lạch lớn nhất vịnh Bắc Bộ. Ở chỗ ấy, sông Mã mới đi hết một chặng đường dài sôi sục thác gềnh, vỡ òa cửa biển, khắc một nét mảnh sâu giữa chót vót non cao Su Xung Chảo Chai – Pu Sam Sao, qua cheo leo thượng nguồn Mường Lát, rồi ôm dãy Pù Luông mà vẽ lên những đường mềm mại trên đồng bằng duyên hải. Và cũng ở đó, hành trình khám phá cung đường tây – đông Thanh Hóa của những tay chạy xe máy cũng được coi là kết thúc để giữ trong lòng biết bao ấn tượng khó phai.

Theo heritagevietnamairlines.com

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.