Nghệ nhân sinh ra từ mảnh đất trăm nghề
Mảnh đất Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội vốn là cái nôi của trăm nghề trên Việt Nam. Nằm sát ngay kinh kỳ nhộn nhịp Thăng Long, thế nên những nghề thủ công mỹ nghệ đặc biệt được phát triển ở vùng đất này. Ông tổ nghề thêu của Việt Nam – Lê Công Hành, người đã có công đi sứ và mang nghề thêu về mảnh đất đồng bằng châu thổ sông Hồng vẫn được thờ tại xã Quất Động, Thường Tín.
Và không thể thiếu được những nghệ nhân thêu nổi danh đất Bắc, khiến cho nghề thêu ở đây không bị lụi tàn. Những thế hệ xưa cũ nổi danh có thể kể tên như cố nghệ nhân bàn tay vàng Vũ Đức Trọng, cố nghệ nhân Song Hỷ, nghệ nhân Quốc Sự với những bức tranh thêu có “thần thái” và trên tất cả là những cống hiến miệt mài trong lao động. Để làm được bức tranh thêu, bên cạnh tính thẩm mỹ, một điều quan trọng đòi hỏi là tính mỹ nghệ – tức là những kỹ thuật chỉ người trong nghề mới hiểu. Từ việc căng khung tranh đến việc vẽ phác thảo rồi lại phải chọn chỉ thật khéo. Nếu có dịp đến với những xưởng thêu của các nghệ nhân đặc biệt chuyên về tranh thêu sẽ nhận ra một điều, Có rất nhiều cuộn chỉ nhỏ vẫn được giữ lại. Không phải bởi nghệ nhân tiếc rẻ gì mà bởi, nhiều khi lại cần lắm những màu đấy mà không biết tìm ở đâu. Thế nên, tốt nhất là không được bỏ một sợi nào.
Người có công đưa dòng tranh thêu vào thị trường hàng hóa từ những ngày đầu có thể nói đến cố nghệ nhân Vũ Đức Trọng, Nghệ nhân của làng Đại Đồng, Phú Xuyên này đã không quản ngại sáng tạo những bức tranh mang đậm hồn quê dân tộc từ tranh phong cảnh như Suối ngàn Việt Bắc, Đoàn bè ra khơi… đem đi giới thiệu ra thị trường từ những năm 70. Ngoài ra, đôi bàn tay vàng được nhà nước công nhận từ năm 1986 còn nổi tiếng với bức thêu chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện đang được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,
Bàn tay vàng trên long bào
Trong truyền thống làng thêu ở Hà Tây, mỗi làng thêu giỏi một lĩnh vực, trong đó làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín chuyên thêu long bào, cờ lọng.
Nghệ nhân Vũ Văn Giỏi là một trong những nghệ nhân thế hệ mới không chỉ say mê nghề thêu mà còn kiên trì với cả việc phục dựng trang phục vua chúa Việt Nam. Lớn lên trong một giai đình có năm đời thêu lễ phục, Cờ, lọng, anh Giỏi bắt tay vào với việc phục dựng những trang phục của các vị vua, hoàng hậu và cung phi từ năm 1994. Đến nay, anh đã phục dựng được 40 bộ, nổi bật trong đó là bộ long bào cầu kì của vua Bảo Đại, và lễ phục của Nam Phương Hoàng Hậu. Nhiều người ngạc nhiên khi biết về gia tài thêu khiêm tốn đó. Anh Giỏi tâm sự, một bộ phục dựng cầu kì có khi mất hơn một năm với 8 người gia công. Những bộ đơn giản hơn mất bình quân từ 3 đến 5 tháng với sự trợ giúp của ít nhất 3 người.
Hóa ra, việc phục dựng trang phục là khó vô cùng. Như một ngôi nhà, muốn xây đẹp, thì người thợ xây phải biết đọc bản vẽ. Còn với một trang phục cung đình, người thợ thêu phải tự đi tìm hiểu về người mặc nó, về những nghi lễ, quy chuẩn đi kèm. Thời gian nghiên cứu là một chuyện, với nhiều bộ trang phục, anh phải vào tận Huế để xem màu sắc và họa tiết. Khâu chọn chất liệu vải cũng phải là loại tơ tằm Vạn Phúc (Hà Nội) hoặc loại Nha Xá (Hà Nam). Rồi đến cách thêu đường canh nào cũng cần chuẩn chỉ theo đúng đường canh đó, không lệch một li. Chỉ thêu tơ tằm màu sắc cần hòa nhã, không bóng nhưng cũng không xỉn. Và nghệ nhân thêu đâu có dừng tay ở việc xe chỉ luồn kim, anh còn tỉ mẫn đính cườm, ngọc trai, vàng và bạc… cầu kì để trang phục xưa được tái hiện thật nhất.
Công sức bỏ ra là thuần túy thủ công, là sự bền trí, là sự tài khéo nên việc định giá một bộ trang phục được phục dựng là khó vô cùng, và có lẽ chỉ được giới mê sưu tầm tìm kiếm và mua. Khi mà những làng nghề tìm kiếm những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, mang đến lợi nhuận thì Nghệ nhân ưu tú của thủ đô vẫn tự
đi theo con đường riêng, mà có thể nói là ngược dòng chảy xã hội. Đó là tìm về với văn hóa xưa, với nguồn cội, với những tinh hoa trong trang phục của dân tộc. Nghệ nhân Giỏi tâm sự với tôi, đôi lúc có nản, có làm thêm những việc khác để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, giống như bao nhiêu nghệ nhân tiền bối, chỉ cần cây kim trên tay thì cơn say nghề lại trở về. Mà như nghệ nhân Giỏi nói vui chính là cái tật, đã trót mê phục dựng đồ cung đình rồi nên không thể bỏ được. Và không cần biết thế hệ sau có ai tiếp được “cái tật” này, chỉ biết nhờ những đường thêu đó mà ta thấy yêu hơn những đôi bàn tay vàng, đem cái đẹp đến cho cuộc đời này.
Theo báo heritagevietnamairlines.com