Những cánh bay “chuyên chở” mùa Xuân

Tết đến, Xuân về, đa số người lao động ở các lĩnh vực, ngành nghề đều có những ngày nghỉ để sum họp, quây quần bên gia đình. Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên hàng không như phi công, tiếp viên, kỹ sư bảo dưỡng tàu bay,… được ăn Tết cùng gia đình là điều rất hiếm hoi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text

Cơ trưởng máy bay A350 Nguyễn Ly Hương (bên phải) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bay với đồng nghiệp.

Ai cũng có những nỗi niềm riêng nhưng tất cả đều khẳng định, được thực hiện nhiệm vụ trong những ngày Xuân là niềm hạnh phúc, tự hào. Họ sẵn sàng gác lại niềm vui cá nhân, góp một phần nhỏ bé đem lại niềm vui Tết đoàn viên của hàng nghìn gia đình, “chuyên chở” mùa Xuân dưới đôi cánh bay.

Nữ cơ trưởng A350 đầu tiên

Người ta thường gọi cơ trưởng Nguyễn Ly Hương của Hãng Vietnam Airlines là “nữ phi công đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam” nhưng thực ra, chị là nữ cơ trưởng máy bay A350 đầu tiên của hàng không Việt Nam.

Ngoài chị Hương, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy cũng đang là cơ trưởng máy bay A321 của Vietnam Airlines. Sau hơn 14 năm, hiện tại, ngoài 2 nữ phi công đầu tiên, hàng không Việt Nam có thêm nhiều nữ phi công theo đuổi nghề nghiệp rất đặc thù này.

14 năm trước, khi tình cờ đọc được mẩu tuyển dụng phi công trên báo rồi ứng tuyển, Ly Hương không ngờ đó là quyết định thay đổi cuộc đời mình. Bằng sự quyết tâm và có phần… liều lĩnh, chị đã từ chối cơ hội nghề nghiệp đúng chuyên ngành ở một công ty danh tiếng; vượt qua các vòng sơ tuyển ngặt nghèo về thể lực và tâm lý, chính thức bước chân vào ngành hàng không.

Để trở thành phi công, học viên phải trải qua quá trình đào tạo gồm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 đào tạo huấn luyện phi công cơ bản, giai đoạn 2 huấn luyện phi công chuyển loại. Sau khi hoàn thành xong 2 giai đoạn này, học viên chính thức trở thành cơ phó của một loại máy bay. Đây là chương trình đào tạo chung cho tất cả phi công, không phân biệt nam hay nữ. Tiêu chuẩn nghề nghiệp như nhau, yêu cầu sức khỏe cũng vậy.

Với đội ngũ nhân viên hàng không như phi công, tiếp viên, kỹ sư bảo dưỡng tàu bay,… được ăn Tết cùng gia đình là điều rất hiếm hoi.

Nếu khác biệt, có chăng chỉ là nữ phi công được nghỉ giãn cách sinh em bé khoảng 15 tháng. Sau đó, họ phải tham gia huấn luyện phục hồi ngắn hạn, vượt qua các kỳ thi, kiểm tra theo quy định, để biết phi công đó đủ điều kiện làm việc hay không cho dù là phi công nữ thì cũng không được châm chước, bỏ bớt một bước nào.

Chị Hương bắt đầu chuyển loại máy bay A350 từ tháng 6/2021 với kinh nghiệm 10 năm bay máy bay ATR72 và 3 năm bay A321. Để lên được vị trí cơ trưởng máy bay A350, chị đã trải qua 13 năm kinh nghiệm, trong đó có 8 năm kinh nghiệm vị trí cơ trưởng. Gần 15 năm trong nghề, trải qua nhiều tình huống bay đã giúp chị vững vàng hơn trong công việc, có năng lực và kinh nghiệm ra quyết định, xử lý phù hợp.

Thời điểm Tết Nguyên đán, hầu như năm nào chị cũng bay, nhưng vẫn cố gắng dành thời gian nghỉ cho gia đình. Phi công có quyền đề xuất bộ phận khai thác dành cho mình ngày nghỉ cố định, nếu đề nghị nghỉ ngày 30 Tết, đơn vị sẽ bố trí bay trước đó để trong ngày 30 Tết về tới nhà.

Những ngày Tết, các phi công sẽ được linh động sắp xếp để ở nhà 1, 2 ngày. Khi bay những chuyến Tết, tổ bay thường có tục lệ mừng tuổi và chúc nhau một năm bay an toàn, tạo không khí vui vẻ, hào hứng trên không.

Trong dịp Tết Nguyên đán này, tiếp viên Trần Ngọc Trung (Vietnam Airlines) đón năm mới ở đất nước Mặt trời mọc Nhật Bản và cũng là năm thứ 3 anh không đón Giao thừa cùng gia đình. Lần đầu, anh được đón Giao thừa trên độ cao gần 11.000m là dịp Tết năm 2019, khi thực hiện chặng bay Cam Ranh-Bắc Kinh (Trung Quốc).

Đến giờ, anh vẫn giữ kỷ niệm tờ tiền của tổ tiếp viên hôm ấy và tờ 10 nhân dân tệ của một hành khách mừng tuổi. Ngược thời gian năm 2017, khi ấy Ngọc Trung đang làm việc ở mảng ngân hàng với thu nhập khá cao. Tình cờ lướt Facebook của một người bạn đại học trong bộ đồng phục tiếp viên hàng không, bất chợt anh nảy ra ý muốn được thử sức ở lĩnh vực này.

Đến giờ, sau 5 năm gắn bó, Ngọc Trung tin rằng bản thân đã có một “ngã rẽ” cuộc đời đúng đắn. Anh đùa vui, tiếp viên khá giống quân đội, khi nào được điều động là sẵn sàng mặc đồng phục, kéo va-ly lên đường, bất kể nắng mưa, đêm tối hay dịp lễ, Tết.

Lặng thầm cho những chuyến bay an toàn

alt text

Các kỹ sư Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) kiểm tra thông số kỹ thuật máy bay.

Từ một kỹ sư cơ giới trẻ, đầy nhiệt huyết với công tác kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, sau 13 năm, anh Lê Thái Hồng Vinh đã trở thành cán bộ đầy tâm huyết của chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) Đà Nẵng. Để trở thành kỹ sư máy bay và có chứng chỉ ký (release) đưa tàu vào khai thác mức B, anh Vinh phải trải qua hơn 5 năm học tập tích cực với hàng loạt các môn học về cơ bản hàng không, chuyển loại máy bay, con người, an toàn-an ninh hàng không,…

Sau khi hoàn thành, anh còn phải sát hạch để có chứng chỉ của Cục Hàng không Việt Nam, đồng thời định kỳ kiểm tra các chứng chỉ trên. Nhiệm vụ hằng ngày của anh là thực hiện các chu trình đón máy bay, kiểm tra kỹ thuật, khắc phục hỏng hóc phát sinh, nạp lại nhiên liệu và ký đưa tàu bay vào khai thác trở lại bảo đảm an toàn, khả phi (sẵn sàng bay) tại sân đỗ.

Công việc của kỹ sư bảo dưỡng máy bay gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhất là môi trường sân đỗ độ ồn rất lớn, thời tiết khắc nghiệt, khói bụi, sóng vô tuyến,… phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe. Song với niềm say mê “chăm sóc” những chú “chim sắt”, anh Vinh chưa bao giờ hết đam mê học hỏi, tìm tòi sáng tạo để nâng cao tay nghề, tiếp tục cống hiến cho công việc.

Đặc thù của nghề bảo dưỡng máy bay là phải bảo đảm trạng thái tập trung 100% trong quá trình làm việc, bởi chỉ một sơ suất dù rất nhỏ cũng có thể gây ra sự cố nguy hiểm.

Tưởng như cả ngày chỉ làm bạn với máy móc khô khan, nhưng không ít lần khiến anh xúc động bất ngờ. Chuyến bay của Hãng Air Busan gần đây phải hạ cánh lúc 12 giờ đêm do phát sinh hỏng hóc, cần khắc phục khẩn cấp vào đúng dịp sinh nhật của anh. Rất nhiều áp lực từ hãng, tổ bay cũng như lo âu chờ đợi của hành khách, khiến anh em trong tổ bảo dưỡng quyết tâm thức trắng đêm khắc phục.

Sau một đêm căng mình sửa chữa, cảm xúc của tổ bảo dưỡng vỡ òa vui sướng khi nhận được chiếc bánh chúc mừng sinh nhật từ Hãng Air Busan tri ân những nỗ lực của anh. Hầu như năm nào anh cũng thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết, nhất là vào đúng Giao thừa. Một lần, anh được phục vụ chuyên cơ Thủ tướng Chính phủ dịp Tết và được đích thân Thủ tướng mừng tuổi trên máy bay khiến anh vô cùng xúc động và vui sướng.

Còn đối với kỹ sư Nguyễn Như Nam (Phòng Kỹ thuật, Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội-VAECO), công việc hằng ngày là rà soát chất lượng bảo dưỡng, nhằm phát hiện, phòng ngừa các hỏng hóc tiềm ẩn trên đội bay A321. Đồng thời, lên kế hoạch bảo dưỡng hằng ngày của toàn trung tâm và thực hiện bảo quản, dừng bay tàu bay, chuẩn bị chuyên cơ, lên kế hoạch xử lý các hỏng hóc khác.

Đặc thù của nghề bảo dưỡng máy bay là phải bảo đảm trạng thái tập trung 100% trong quá trình làm việc, bởi chỉ một sơ suất dù rất nhỏ cũng có thể gây ra sự cố nguy hiểm. Các kỹ sư tại VAECO luôn tâm niệm khoa học kỹ thuật tiến bộ và thay đổi từng giây, nếu không ngừng học hỏi, tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, đổi mới sáng tạo để cạnh tranh và phát triển theo xu thế chung, chắc chắn sẽ bị tụt hậu và đào thải.

Nghề bảo dưỡng máy bay đòi hỏi phải thường xuyên làm việc ngoài trời, nhiều khi nhiệt độ lên tới 40, 50 độ C vào mùa hè hay dưới 0 độ C vào mùa đông, bất kỳ tình huống nào cũng phải bảo đảm tuyệt đối không được sai sót trong công việc. Đối với các anh, tham gia chuyến bay phục vụ chuyên cơ, sửa chữa tàu bay ở nước ngoài, tăng cường cho trung tâm khác,… là nhiệm vụ thường xuyên, kể cả trong ngày lễ, Tết.

Trong dịp Tết năm nay, anh Nam cũng như nhiều kỹ sư máy bay khác nhận nhiệm vụ làm việc cả ngày mồng 1 và mồng 2 Tết. Trong khi nhiều gia đình quây quần sum họp, du xuân những ngày Tết, thì các anh vẫn cần mẫn làm việc dưới bụng máy bay hay bên trong động cơ. Trong thời khắc Giao thừa, từ sân bay, bên cạnh những chú chim sắt, họ dừng tay cờ-lê đôi phút, ngắm nhìn pháo hoa bung nở rực rỡ trên bầu trời đêm.

Khoác lên mình đồng phục mang thương hiệu Hãng hàng không quốc gia là niềm tự hào để đội ngũ từ phi công, tiếp viên, đến nhân viên ở các khâu ngày ngày gắng sức tỏa sáng hơn nữa, đó là động lực để họ cảm thấy giữa tiết trời giá lạnh vẫn thấy ấm lòng.

Theo: Nhân Dân điện tử

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.