Máy bay Boeing 787-9 của VNA hạ cánh tại sân bay Ronald Regan, sau khi bay qua Tháp bút chì là biểu tượng của Thủ đô Washington (Mỹ)
Theo thông tin của baodautu.vn, ông Eric Garcetti – Thị trường thành phố Los Angeles vừa gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết thành phố này sẽ rất vinh dự nếu được chọn là điểm cầu đầu tiên của đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ.
Ông Eric Garcetti cho biết, có rất nhiều lý do để Los Angeles được lựa chọn để mở tuyến bay đầu tiên của đường bay thẳng Việt Nam – Hoa Kỳ. Ngoài dung lượng hành khách bay từ Việt Nam tới Hoa Kỳ và ngược lại qua cảng hàng không quốc tế Los Angeles đang đạt dung lượng khoảng 350.000 khách/năm, sân bay này hiện là đầu mối hàng không lớn thứ 3 tại Hoa Kỳ với sản lượng hành khách năm 2018 đạt 87,6 triệu lượt khách. Từ sân bay Los Angeles, hành khách có thể nối chuyến đi tới 109 sân bay khác trên toàn Hoa Kỳ.
Đề nghị này được lãnh đạo Tp. Los Angeles đưa ra sau khi Cục Hàng không Việt Nam vừa được Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) đồng nghĩa với việc các hãng hàng không của Việt Nam được quyền mở đường bay đến Hoa Kỳ, đồng thời, tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác liên danh với hãng hàng không của Hoa Kỳ trên các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam. Việc đạt CAT 1 là điều kiện cần, tiên quyết để các hãng hàng không của Việt Nam mở đường bay đến Hoa Kỳ.
Trước đó, Hiệp định vận chuyển hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được ký chính thức tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ ngày 4/12/2003 là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập đường bay giữa hai nước.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc duy trì đường bay, Cục HKVN và các hãng hàng không phải tìm lời giải cho bài toán thị trường (nguồn khách thường xuyên) và vấn đề lựa chọn được một điểm giữa thích hợp tại Châu Á để có thể kết hợp khai thác thương quyền 5 tới Hoa Kỳ.
Đối với vấn đề thương quyền 5, cho đến nay, VNA quan tâm tới kế hoạch khai thác đến Hoa Kỳ thông qua các thị trường ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Đây là các thị trường trọng yếu trong mạng đường bay quốc tế của VN với tần suất khai thác tối đa lượng tải được phép, tàu bay mới hiện đại như B787, A350. Qua nhiều vòng đàm phán với các quốc gia đối tác, bước đầu các hãng hàng không Việt Nam đã đạt được một số thỏa thuận để khai thác thương quyền 5 đến Hoa Kỳ qua Đài Bắc, Xơ-un và các điểm tại Nhật Bản ngoài Tokyo với các điều kiện về tần suất khai thác. Như vậy, về cơ bản, các hãng hàng không đã có những điều kiện pháp lý tương đối phù hợp để khai thác hiệu quả đường bay đến Hoa Kỳ.
Sau khi hãng hàng không đệ trình hồ sơ xin cấp phép khai thác đường bay giữa hai nước, FAA sẽ tổ chức đánh giá trực tiếp hãng hàng không về năng lực khai thác an toàn hàng không trước khi cấp phép khai thác.
Bên cạnh đó, để khai thác đến Hoa Kỳ với đường bay xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific) là một thách thức về kỹ thuật khai thác tàu bay đối với nhiều hãng hàng không, bao gồm cả năng lực tàu bay cũng như năng lực đội ngũ nhân lực khai thác tàu bay như phi công, thợ kỹ thuật…
Theo: Vietnambiz