Hàng không số và những thách thức mang tính thời đại

Tại Việt Nam, chuyển đổi số cũng đang tạo ra những bước đột phá cho ngành hàng không, đồng thời mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, du khách, tuy nhiên cũng đang tồn tại không ít thách thức mang tính thời đại.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đặt trong bối cảnh, xu thế chung của toàn cầu, đặc biệt qua thời gian đại dịch Covid-19, thói quen đi lại cũng như nhu cầu của người dân từng bước thay đổi, việc chuyển đổi số ngành hàng không đã trở thành tất yếu, giúp giữ chân, thu hút khách hàng và phát triển. Tại Việt Nam, chuyển đổi số cũng đang tạo ra những bước đột phá cho ngành hàng không, đồng thời mang lại nhiều tiện lợi cho người dân, du khách, tuy nhiên cũng đang tồn tại không ít thách thức mang tính thời đại.

Bước chuyển mình nhảy vọt của ngành hàng không

Nếu như trước đây, mỗi lần chuẩn bị đi máy bay, chị Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều không khỏi bồn chồn lo lắng vì… sợ. Không phải sợ độ cao, cũng không phải sợ đông người, điều mà chị Hương e sợ là… để quên giấy tờ ở nhà. Đã từng bị lỡ chuyến bay, không thể đặt chuyến tiếp theo chỉ vì đánh rơi giấy tờ nên chị rất cẩn thận trong việc chuẩn bị, lo từ lúc ở nhà đến tận lúc lên sân bay, vào cổng làm thủ tục.

Chuyển đổi số ngành hàng không đang đem lại những trải nghiệm tiện lợi chưa từng có cho hành khách

Hiện giờ, nỗi ám ảnh của chị Hương đã được giải quyết một cách dễ dàng chỉ với một chiếc smartphone. Từ căn cước công dân tích hợp trong VNeID, vé máy bay, check-in online, lựa chọn ghế ngồi và các dịch vụ đi kèm… tất cả đều được thực hiện qua điện thoại. Thậm chí, ở các sân bay Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,… chị cũng có thể làm thủ tục lên máy bay bằng chính gương mặt và vân tay của mình.

“Nếu như cách đây vài năm, việc lên máy bay bằng sinh trắc học vẫn còn là điều không thể hình dung thì bây giờ, chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có đối với khách đi máy bay, theo một hướng rất tích cực”, chị Hương đánh giá.

Đầu năm nay, Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư 42/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam và Thông tư số 41/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2019, trong đó bổ sung quy định mới cho phép xác thực sinh trắc học hành khách trong việc kiểm soát giấy tờ/thông tin nhân thân. Quy định mới này đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không cũng như hành khách được thuận lợi hơn trong việc áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến mới vào hoạt động kiểm soát, làm thủ tục giấy tờ thuận tiện, chính xác, tiết kiệm thời gian và công sức. Đây cũng là một xu hướng chung mà các hãng hàng không trên thế giới đang tiến tới.

Theo dự kiến, vào năm 2025, sân bay Quốc tế Zayed ở Abu Dhabi sẽ triển khai áp dụng các cảm biến sinh trắc học hoàn toàn trong việc thực hiện thủ tục, trở thành hình mẫu cho các sân bay tiên tiến trên khắp thế giới. Việc tích hợp ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo điều kiện cho các cảng hàng không, các hãng hàng không chuyển đổi số và có cơ hội thực hiện khát vọng bay cao, bay xa.

Cùng với nhu cầu nội tại, để đáp ứng mạnh mẽ lời kêu gọi chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, các hãng hàng không Việt cũng đang có sự đầu tư mạnh mẽ vào ứng dụng kỹ thuật số, hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước để đem đến trải nghiệm tối ưu cho khách hàng. Nhiều thứ “không thể” trước kia giờ từng bước được hiện thực.

Tháng 3 năm nay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng đã phối hợp cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để nghiên cứu cung cấp dịch vụ Internet trên tàu bay, giúp các chuyến bay của hãng có thêm “điểm cộng” là trải nghiệm tiện ích và dịch vụ Internet trên từng chặng bay. Trước đó, hai bên cũng đã hợp tác trong việc cung cấp nhiều ứng dụng số trong hoạt động vận hành doanh nghiệp như: dự án Quản trị nhân lực – SkyHR, giải pháp Văn phòng điện tử – SkyOffice, dịch vụ an toàn, an ninh mạng, dịch vụ Quản trị và phân tích dữ liệu, kho dữ liệu dùng chung… để biến Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không số đi đầu tại Việt Nam.

Sự đồng bộ mang tính hệ thống không chỉ trong hoạt động vận hành nội bộ, quá trình chuyển đổi số của ngành hàng không cũng đang tạo ra hệ thống dịch vụ có thể truy cập thông qua nhiều thiết bị, giúp khách hàng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, tạo nên sự hài lòng hơn hẳn trước kia.

Các hãng hàng không cũng quan tâm đến việc cung cấp cho hành khách nhiều lựa chọn hơn cho các dịch vụ đi kèm trong quá trình đặt vé trực tuyến, bao gồm hành lý bổ sung, lựa chọn về thực đơn và tùy chọn giải trí trên chuyến bay.

Hành khách nhập cảnh bằng hệ thống Autogate tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng

Có thể nói, chuyển đổi số đang tạo nên sự thay đổi vượt bậc về chất lượng, dịch vụ của ngành hàng không, giúp không chỉ nối liền khoảng cách di chuyển của du khách mà còn góp phần thu hút các nguồn lực từ bên ngoài vào Việt Nam. Tháng 8/2023, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã hợp tác với Korean Air để giới thiệu hệ thống check-in tự động song ngữ cho hành khách bay quốc tế. Mười kiosk tự động đã được đặt trong nhà ga quốc tế, cho phép hành khách hoàn thành quy trình làm thủ tục check-in một cách hiệu quả. Đội ngũ trợ lý hành khách riêng biệt cũng đã được triển khai để hỗ trợ những khách du lịch trong quá trình này. Giao diện cảm ứng với hướng dẫn rõ ràng và dễ hiểu đã giúp tạo trải nghiệm mượt mà cho hành khách. Việc xóa nhòa ranh giới về ngôn ngữ giúp du khách quốc tế không còn e ngại trước mỗi cuộc hành trình, từ đó góp phần thúc đẩy ngành hàng không Việt phát triển bền vững.

Chưa hết, để nâng cao hơn nữa trải nghiệm của hành khách, từ tháng 8/2023, 5 sân bay quốc tế tại Việt Nam, bao gồm Đà Nẵng, Nội Bài, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất và Phú Quốc – đã khai trương hệ thống nhập cảnh tự động Autogate. Với việc đưa vào sử dụng Cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động này, hành khách chỉ mất khoảng 30 giây cho mỗi lần làm thủ tục xuất, nhập cảnh, bao gồm các bước quét hộ chiếu, quét thẻ lên tàu bay, chụp ảnh chân dung và quét vân tay. Hành khách sử dụng Autogate sẽ không phải đóng dấu kiểm chứng vào hộ chiếu.

Theo ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực hàng không là xu thế tất yếu để tạo thuận tiện hơn trong quá trình làm thủ tục hành chính và dân sự cho khách đi tàu bay. Thực tế thời gian qua, việc thí điểm xác thực sinh trắc học và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID) làm thủ tục chuyến bay phần nào cho thấy những dấu hiệu tích cực bước đầu trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số lĩnh vực hàng không.

Thách thức mang tính thời đại

Mặc dù tiềm năng và cơ hội phát triển rất lớn, quá trình chuyển đổi số của ngành hàng không Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức. Đầu tiên là những thách thức về yếu tố con người. Số lượng chuyên gia hàng không có hiểu biết về công nghệ số vẫn còn ở mức giới hạn. Trước đây, các hãng hàng không thường phải dựa vào các chuyên gia và tư vấn viên chuyển đổi số bên ngoài để thực hiện các sáng kiến kỹ thuật số. Tuy nhiên, để duy trì các sáng kiến kỹ thuật số, họ cần phải có các chuyên gia chuyển đổi số nội bộ bao gồm các nhà khoa học dữ liệu có kinh nghiệm, kiến trúc sư CNTT… để phục vụ quá trình vận hành.

Các công nghệ phức tạp như IoT, AI và phân tích dữ liệu, Big Data… đòi hỏi khá nhiều kiến thức chuyên môn, không chỉ bộ phận vận hành mà tất cả các bộ phận có liên quan đều phải am hiểu để có thể xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. Vì vậy, thử thách này đặt cho ngành hàng không bài toán thu hút nhân sự CNTT và tổ chức các các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng toàn diện, đảm bảo cho việc chuyển giao tri thức công nghệ được suôn sẻ và đúng với nhu cầu thực tế.

Việc hợp tác với các công ty, tập đoàn công nghệ số hàng đầu, uy tín và năng lực mạnh mẽ cũng sẽ giúp tháo gỡ một phần nút thắt quan trọng này trong việc chuyển đổi số của ngành, nhất là trong bối cảnh các vấn đề về an ninh, bảo mật, dữ liệu của khách hàng đang là chủ đề được quan tâm trên toàn thế giới.

Các công nghệ tiên tiến áp dụng vào công cuộc chuyển đổi số đang đặt ra những thách thức rất lớn về đội ngũ nhân sự CNTT đối với ngành hàng không

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số không chỉ đơn giản là áp dụng công nghệ, với ngành hàng không, vốn có sự thay đổi liên tục trong nhu cầu, thói quen, hành vi của khách hàng vì vậy các hãng phải có sự nắm bắt nhanh nhẹn và linh hoạt để có thể tạo ra sự thay đổi liên tục và những trải nghiệm cá nhân hóa nhiều hơn. Việc chuyển đổi số phải bắt đầu từ lợi ích của khách hàng, vì vậy các hãng cần có một phương pháp chủ động hơn trong quy trình số hóa, đảm bảo khả năng thích nghi nhanh chóng.

Bên cạnh đó, những hạn chế về ngân sách có thể gây trở ngại cho tiến trình chuyển đổi số. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ và biện pháp bảo mật mạng đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể. Việc phải cân đối khoản đầu tư lớn này với các chi phí hoạt động khác có thể là một thách thức tài chính mà các hãng hàng không phải đối mặt.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng quá trình chuyển đổi số ngành hàng không vẫn được xem là tất yếu và sẽ đến đích. Với cách tiếp cận đúng, các công cụ số và tài nguyên phù hợp, các hãng hàng không sẽ đạt được những thành công lớn, không chỉ thu hút khách hàng, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng góp mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

 

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.