Chưa kịp mừng đã lo
Năm 2022, dù cố gắng hết sức để phục hồi hoạt động nhưng các hãng hàng không vẫn gặp không ít khó khăn bởi thị trường quốc tế – thị trường đem lại doanh thu chính – vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Mãi đến tháng 10/2022, một số nước mới mở cửa bình thường trở lại, dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện cho hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước, phục hồi và thúc đẩy phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Đến ngày 8/3/2023 vừa qua, thị trường quốc tế lớn nhất là Trung Quốc mới thông báo đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3/2023.
Mặc dù các hãng hàng không đều đã chuẩn bị kế hoạch khai thác thị trường Trung Quốc nhưng các hãng bay phải phụ thuộc vào tình hình thị trường, phụ thuộc vào nguồn khách du lịch, trong khi các công ty lữ hành cần ít nhất từ 2-3 tháng để giải quyết các vấn đề về thị trường, sản phẩm, giá cả, triển khai bán… Chính vì vậy, các hãng hàng không dự kiến phải đến tháng 6/2023 mới có thể khai thác các đường bay đi/đến Trung Quốc.
Ngoài ra, để khai thác trở lại thị trường Trung Quốc, các hãng bay sẽ phải sắp xếp lại toàn bộ lịch bay nên chắc chắn sẽ dẫn tới sự xáo trộn không hề nhỏ. Đã vậy, trong thời gian chưa khai thác từ nay đến tháng 6, các hãng sẽ không thể sử dụng slot đã cấp cho các đường bay đi/đến Trung Quốc. Trong khi đó, theo Thông tư 29 Quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, các hãng hàng không phải sử dụng đúng ít nhất 80% slot đã được xác nhận của mùa lịch bay năm trước mới được xem xét cấp lại chuỗi slot cho mùa lịch bay tương ứng của năm tiếp theo.
Đây chính là điểm mà các hãng hàng không lo lắng bởi không thể đảm bảo được việc sử dụng đúng 80% slot khi không bay và cần phải được áp dụng nguyên tắc “miễn trừ” nhằm tạo thuận lợi nhất cho các hãng hồi phục sau giai đoạn dịch.
Kiến nghị giảm tỉ lệ sử dụng slot
Những vấn đề mà các hãng hàng không Việt Nam đang gặp phải thực tế đã được ngành hàng không nhiều nước giải quyết rất có tình, có lí, tạo điều kiện rất tốt cho các hãng hàng không trên thế giới hồi phục.
Cụ thể, tháng 10/2022, nhằm giúp ngành hàng không ứng phó với tình hình hậu Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang, Ủy ban châu Âu đã quyết định áp dụng tỉ lệ sử dụng đúng các slot là 75% cho lịch bay mùa đông 2022 và mùa hè 2023, thay vì mức 80% như quy định.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã 3 lần điều chỉnh tỉ lệ sử dụng slot, trong đó lần đầu tiên trong năm 2020 áp dụng ngưng hoàn toàn việc tính slot. Sau đó, tỉ lệ sử dụng đúng slot được nâng lên mốc 50% cho lịch bay mùa hè và mùa đông năm 2021, rồi nâng lên tiếp 64% áp dụng cho mùa hè năm 2022.
Tại Mỹ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt đề xuất gia hạn việc miễn tính slot cho các đường bay tới Trung Quốc và Nhật Bản trong mùa hè năm 2023 nhằm giúp các hãng bay khôi phục đường bay quốc tế mà không phải lo về việc sẽ mất slot trong năm sau.
Với trường hợp Việt Nam, các hãng bay cho rằng Cục Hàng không Việt Nam cần trao đổi với nhà chức trách Trung Quốc để có cơ chế tính toán tỉ lệ sử dụng thấp hoặc không áp dụng tỉ lệ sử dụng khi tính slot lịch sử theo nguyên tắc có đi có lại.
Đồng thời, trong giai đoạn từ cuối tháng 3/2023 cho đến khi có thể khôi phục được các đường bay đi/đến Trung Quốc (dự kiến đầu tháng 6/2023), các hãng hàng không được sử dụng linh hoạt slot của đường bay quốc tế cho các đường bay nội địa. Sau này, khi khai thác các đường bay Trung Quốc, các hãng được phép chuyển đổi slot đó cho các đường bay nội địa khác đi đến các cảng hàng không – nơi xuất phát các chuyến bay đi Trung Quốc (Nha Trang, Đà Nẵng,…) và được ghi nhận slot lịch sử theo lịch bay kể từ thời điểm khai thác các đường bay Trung Quốc cho dù chưa đạt tỉ lệ sử dụng yêu cầu.
Việc xem xét cho phép áp dụng ngay việc sử dụng slot linh hoạt và tỉ lệ sử dụng hợp lý ở mức thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không khai thác tốt hơn thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có Trung Quốc, góp phần cho cả hàng không và du lịch phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Theo VOV