Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam.
Bước khởi đầu cho một trung tâm mới
Theo kế hoạch, ngày 29/3 tới, Tập đoàn Universal Alloy Corporation (UAC – Mỹ) sẽ động thổ Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine. Với vốn đầu tư 170 triệu USD, Dự án dự kiến sản xuất các bộ phận thân máy bay cho các loại máy bay Boeing 787, 777, 737 và khoảng 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu.
UAC, nhà sản xuất linh liện máy bay hàng đầu thế giới cho Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier…, còn dự kiến sản xuất cả động cơ cho Rolls Royce tại Việt Nam. Tập đoàn đặt mục tiêu xuất khẩu 25 triệu USD vào năm 2021, 82 triệu USD vào năm 2022 và hơn 180 triệu USD vào năm 2026.
Như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, thì sớm nhất, phải 2 năm nữa, những linh kiện máy bay đầu tiên mới được UAC xuất xưởng ở Đà Nẵng. Dẫu vậy, động thái này đã góp phần thắp sáng một hy vọng mới, khi dường như ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất động cơ hàng không, vũ trụ tại Việt Nam và có những sản phẩm đầu tiên xuất xưởng vào đầu năm nay. Với vốn đầu tư 200 triệu USD, khi khánh thành, Dự án Hanwha Aero Engines được nhắc đến như là dự án đầu tiên tại Việt Nam chuyên sản xuất các linh kiện máy bay.
Tuy nhiên, trên thực tế, trước Hanwha, đã có những nhà sản xuất linh kiện máy bay khác có mặt tại Việt Nam. Điển hình trong số này là MHI (Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi – Nhật Bản), thông qua công ty con MHI Aerospace Vietnam (MHIVA), đã bắt đầu “cuộc chơi” sản xuất linh kiện máy bay tại Việt Nam từ năm 2008. Tháng 1/2008, MHI đã được cấp chứng nhận đầu tư cho dự án này, với tổng vốn đăng ký 7 triệu USD.
Ngoài MHI, Nikkiso (Nhật Bản) cũng đã bắt đầu sản xuất các loại cánh cửa máy bay bằng các hợp chất sợi các-bon cho máy bay chở khách Boeing 777 tại Hưng Yên và cũng đã từng công bố kế hoạch mở rộng đầu tư tại đây.
Những động thái trên liệu có phải là dấu hiệu cho thấy một bước khởi đầu mới cho một trung tâm sản xuất linh kiện máy bay ở Việt Nam?
“Cuộc chơi” linh kiện máy bay sẽ bắt đầu?
Cuối năm 2018, ông Gaël Méheust, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành CFM International, một công ty hàng đầu thế giới về sản xuất linh kiện máy bay, bất ngờ có chuyến thăm Việt Nam. Sự xuất hiện của ông Gaël Méheust làm dấy lên kỳ vọng rằng, CFM sẽ sớm đưa Việt Nam vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này.
MHI đã mở rộng sang nhà máy thứ hai
Chỉ một năm sau khi được cấp chứng nhận đầu tư (tháng 1/2018), những sản phẩm cánh tà máy bay đầu tiên đã được MHI sản xuất tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) và sau đó là các sản phẩm cửa hành khách cho máy bay phản lực Boeing 777, cùng các loại linh kiện khác. Từ một nhà máy đầu tiên, MHI đã mở rộng sang nhà máy thứ hai và liên tục xuất xưởng các loại linh kiện máy bay “made in Vietnam”.
Mặc dù khi trao đổi với báo giới, ông Gaël Méheust cho biết, CFM vẫn đang làm việc với các đối tác lâu năm và có quan hệ chặt chẽ, song cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Không có lý do gì để không nghĩ đến việc sẽ thiết lập một nhà máy sản xuất chuỗi động cơ máy bay tại Việt Nam trong tương lai”.
Ông Gaël Méheust khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành điểm đến đầu tư của ngành công nghiệp hàng không, cụ thể là sản xuất linh kiện máy bay.
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất linh kiện máy bay là không đơn giản. Lý do là, một chiếc máy bay có hàng triệu chi tiết, trong khi các nhà máy ở Việt Nam mới sản xuất được một số ít các linh kiện này. Và cũng rất khó có trường hợp, các linh kiện quan trọng, ví dụ động cơ máy bay, sẽ được sản xuất tại đây.
“Nhưng dù vậy, đó cũng là một tín hiệu tốt cho Việt Nam. Bây giờ có thể chưa phải là lúc, nhưng chúng ta có thể phát triển dần dần ngành công nghiệp này”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Trên thực tế, ngoài các nhà máy sản xuất linh kiện máy bay đã và đang hoạt động tại Việt Nam, từng có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này. IHI, tập đoàn hàng đầu trong sản xuất động cơ máy bay ở Nhật Bản đã từng chia sẻ với các cơ quan chức năng Việt Nam kỳ vọng mở rộng việc kinh doanh động cơ máy bay và các sản phẩm liên quan đến hàng không vũ trụ tại Việt Nam. Hiện IHI mới chỉ thực hiện dịch vụ bảo trì động cơ cho các hãng hàng không hàng đầu Việt Nam
Trong khi đó, năm 2013, Công ty Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korean Aerospace Industries) đã tới Đà Nẵng, Quảng Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay Airbus.
Và năm 2015, Tập đoàn Airbus từng có thư gửi Chính phủ và Bộ Giao thông – Vận tải về kế hoạch cùng Việt Nam phát triển ngành công nghiệp hàng không. Theo Airbus, Tập đoàn sẵn sàng thiết lập một trung tâm sản xuất tại Việt Nam cùng với một đối tác công nghiệp lớn của Tập đoàn.
Cho đến nay, chưa nhiều kế hoạch trở thành hiện thực. Tuy vậy, khi các nhà máy sản xuất linh kiện máy bay ngày càng được xây dựng nhiều hơn, thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất các loại linh kiện máy bay trên toàn cầu.
Theo: Báo Đầu tư