Xem xét bổ sung sân bay Măng Đen và Vân Phong vào quy hoạch, China Eastern Airlines khai thác C919 trên đường bay Thượng Hải – Hongkong… là những tin chính trong bản tin hôm nay.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Xem xét bổ sung sân bay Măng Đen và Vân Phong vào quy hoạch
Sân bay Măng Đen và Vân Phong sẽ được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu để trình Thủ tướng bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Đó là nội dung công văn số 9663/VPCP – CN ban hành ngày 30/12 gửi Bộ Giao thông vận tải, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc bổ sung quy hoạch sân bay Măng Đen và Vân Phong.
Cụ thể, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Giao thông vận tải tiến hành lập điều chỉnh, bổ sung và trình Thủ tướng theo quy định của pháp luật về quy hoạch đối với quy hoạch 2 cảng hàng không Măng Đen và Vân Phong. Khi triển khai thực hiện phải nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố kinh tế – kỹ thuật.
Trước đó, tháng 11/2024 Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình Chính phủ về các đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Măng Đen và Vân Phong. Theo đó, vị trí sân bay Măng Đen dự kiến tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách TP Kon Tum khoảng 60km và cách trung tâm thị trấn Măng Đen 4km. Khu vực này nằm ở vùng đồi núi với diện tích khoảng 350ha.
Sân bay Măng Đen được nghiên cứu sơ bộ có cấp sân bay 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu khách/năm và định hướng đầu tư, khai thác với công suất cao hơn sau năm 2030.
Sơ bộ tổng mức đầu tư sân bay Măng Đen giai đoạn đầu hơn 4.900 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng 327 tỉ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).
Còn sân bay Vân Phong có vị trí dự kiến được nghiên cứu tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; cách thành phố Nha Trang khoảng 65km về phía nam, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 108km về phía nam, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 49km về phía bắc.
Khu vực dự kiến quy hoạch sân bay Vân Phong hơn 497ha, nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, không có dân cư, rừng ngập mặn, không có quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền…
Công suất quy hoạch của sân bay Vân Phong dự kiến đến năm 2030 khoảng 1,5 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 2,5 triệu hành khách/năm. Đây là sân bay cấp 4E .
Tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư sân bay Vân Phong theo phương thức PPP là hơn 9.200 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 2.150 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.
China Eastern Airlines khai thác C919 trên đường bay Thượng Hải – Hongkong
Từ ngày 01/01/2025, China Eastern Airlines bắt đầu khai thác đường bay thường lệ Thượng Hải – Hồng Kông đầu tiên sử dụng máy bay COMAC C919 do Trung Quốc sản xuất, thay thế máy bay A321 và A330. China Eastern sẽ tiếp nhận 105 chiếc C919 từ COMAC trong đó có 10 chiếc đã được giao cho đến nay.
Máy bay C919 của China Eastern có hai hạng ghế, với 8 ghế ngả hạng Thương gia và 156 ghế hạng Phổ thông.
Các hãng hàng không khác của Trung Quốc là Air China và China Southern Airlines cũng khai thác máy bay C919 sản xuất trong nước.
COMAC tuyên bố đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng C919 từ cả khách hàng trong và ngoài nước.
Hãng này gần đây đã khai trương các chuyến bay mới giữa Vũ Hán và Hà Nội, đồng thời tăng tần suất các chuyến bay giữa Trung Quốc đi Châu Âu, Canada, Úc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Tính đến ngày 30/11/2024, tải quốc tế của China Eastern chỉ phục hồi được 92,5% so với mức trước đại dịch.