Kể từ quý II/2022, một số hãng hàng không đã nhanh chóng tăng tải cung ứng quốc tế khi chính phủ của họ nới lỏng những hạn chế biên giới. Nhưng vẫn chỉ có một số ít hãng hàng không vượt qua được SIA.
SIA dự đoán mức tăng ổn định về tải cung ứng sẽ tiếp tục duy cho đến hết năm 2022; tất nhiên là hãng vẫn sẽ cần một số thị trường đang duy trì hạn chế – đặc biệt là Trung Quốc – mở cửa trở lại nhằm phục hồi hoàn toàn mức tải cung ứng như trước đại dịch.
Ngày 29/07/2022, SIA báo cáo: tải cung ứng hành khách của tập đoàn đạt 61% so với mức trước đại dịch trong quý tài chính đầu tiên của năm 2022 (từ ngày 01/3/2022 đến ngày 30/06/2022).
Con số này đã tăng đáng kể so với mức 47% đạt trong quý trước (quý IV năm tài chính 2021). SIA dự kiến: tải cung ứng của cả tập đoàn sẽ tăng lên 68% trong quý II và lên 76% trong quý III năm tài chính 2022- tức là đến hết ngày 31/12/2022.
Các chỉ số hiện nay của tập đoàn bao gồm cả hãng hàng không mẹ SIA và Scoot, hãng hàng không giá rẻ (LCC) của tập đoàn. Trước đại dịch, các chỉ số của tập đoàn có thêm cả nhà khai thác tàu bay thân hẹp SilkAir ngoài 2 hãng hàng không chính là SIA và Scoot.
Theo dữ liệu từ CAPA và OAG, trong tuần bắt đầu từ ngày 01/8/2022, tải cung ứng của riêng SIA đạt 76,9% so với mức của năm 2019. Tuy nhiên, việc sử dụng số liệu thống kê như vậy sẽ không đưa ra được sự so sánh thích hợp bởi vì SilkAir đã đóng cửa từ năm 2021 và hầu hết các hoạt động khai thác của hãng đã được SIA tiếp quản. Điều này sẽ làm sai lệch đáng kể số liệu so sánh trước và sau đại dịch. Do đó, khi so sánh sẽ sử dụng dữ liệu của cả tập đoàn sẽ chính xác hơn. Trong tuần bắt đầu từ ngày 01/8/2022, ghế cung ứng của tập đoàn đạt 62,9% so với cùng tuần của năm 2019.
Chắc chắn, Singapore Airlines vẫn dẫn đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong tuần từ ngày 01/8/2022, tải cung ứng quốc tế của tất cả các hãng hàng không khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chỉ đạt 42,1%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ đạt được của tập đoàn Singapore Airlines.
Như đã đề cập ở trên, một số tập đoàn hàng không kế thừa hoặc các hãng vận chuyển dịch vụ đầy đủ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện đã gần bằng hoặc thậm chí vượt qua tải cung ứng quốc tế của SIA.
Chẳng hạn, theo dữ liệu của CAPA và OAG, trong tuần từ ngày 01/8/2022, ghế cung ứng quốc tế của Air New Zealand đạt 61,1% so với cùng tuần năm 2019, thấp hơn tập đoàn SIA một chút.
Tải cung ứng quốc tế của tập đoàn Qantas đạt 64,5% so với mức của năm 2019 nhờ sự tăng tải mạnh mẽ trong vài tháng qua. Bởi vì tính đến ngày 16/5/2022, tải cung ứng quốc tế của hãng vẫn ở mức 38,8% so với cùng kỳ năm 2019- thấp hơn nhiều so tỷ lệ 58,7% mà SIA đạt được ở cùng thời điểm.
Mặc dù một số hãng đang tăng trưởng nhanh chóng nhưng hầu hết tải cung ứng quốc tế tại các hãng hàng không khác vẫn phục hồi chậm.
Không phải tất cả các đường bay của tập đoàn SIA đều phục hồi nhanh chóng bởi vì một số thị trường lớn của tập đoàn này vẫn đang duy trì hạn chế đi lại quốc tế.
Các thị trường hàng đầu của Singapore Airlines (chỉ tính riêng hãng hàng không mẹ) trong tuần từ ngày 05/8/2019 tính theo tải cung ứng như sau: Nhật Bản đứng thứ ba, Trung Quốc đứng thứ tư và Hong Kong thứ bảy. Nhưng, SIA có rất nhiều thị trường khác để phân bổ tải cung ứng trong giai đoạn hồi phục của hãng.
Về lâu dài, việc mở cửa biên giới hoàn toàn tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông sẽ rất quan trọng đối với Singapore Airlines. Nhưng nếu xét về tổng thể, SIA vẫn là một trong những hãng hàng không hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về khả năng phục hồi tải cung ứng. Tất nhiên, không có cái gọi là so sánh đồng nhất hoàn toàn. Mỗi hãng hàng không đều có các thông số và thách thức khác nhau trong hoạt động khai thác.
Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng giúp các hãng phục hồi nhanh hơn chính là sự hỗ trợ từ chính phủ, về tài chính hoặc về chính sách du lịch. Chính phủ Singapore đã cung cấp cho hãng cả hai sự hỗ trợ này. Chính sách này rất quan trọng đối với SIA vì thực tế, SIA không có mạng đường bay nội địa, điều này khiến hãng gặp bất lợi nghiêm trọng so với nhiều đối thủ trong thời kỳ đại dịch. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, bất lợi này đã mang đến một động lực lớn hơn nhiều để hãng xây dựng lại mạng đường bay nối chuyến và quốc tế của mình.
Tập đoàn hiện đang khai thác 178 tàu bay, chỉ có 29 chiếc đang tạm dừng khai thác. Quan trọng nhất, tập đoàn báo cáo lợi nhuận khai thác là 556 triệu đô la Singapore (tương đương 402 triệu đô la Mỹ) trong quý I năm tài chính 2022 – lợi nhuận khai thác hàng quý cao thứ hai từ trước đến nay.
Ngoc Diep-DX