Chẳng hạn, dự luật mới bắt buộc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải quy định kích thước ghế ngồi hành khách tối thiểu bao gồm chỗ để chân và chiều rộng ghế; cấm các hãng hàng không ép buộc hành khách phải xuống khỏi máy bay sau khi họ đã hoàn thành thủ tục lên máy bay…
Quy định thứ hai được đưa ra sau vụ lùm xùm tốn giấy mực báo chí hồi tháng 4/2017 liên quan đến vụ một hành khách tên David Dao bị nhân viên Hãng hàng không United Airlines lôi xềnh xệch khỏi máy bay vì ông không chấp nhận nhường ghế cho thành viên phi hành đoàn theo yêu cầu của hãng. Sau sự việc, United đã phải xin lỗi, cam kết không để sự việc tương tự tiếp diễn.
Quốc hội Mỹ dự kiến bỏ phiếu cho dự luật trên vào tuần này. Trước đó, các nhà làm luật định đưa vào dự luật này những quy định hạn chế các mức phí hành lý và phí hoàn đổi vé máy bay… Song, kế hoạch đó đã bị các hãng hàng không cực lực vận động hành lang để phản đối.
Hiện nay, các hãng hàng không Mỹ đang hưởng khá nhiều lợi nhuận từ phí thay đổi đặt chỗ và hành lý (lợi nhuận đã tăng từ 5,7 tỉ USD trong năm 2010 lên 7,5 tỉ USD trong năm 2017).
Cuối tuần qua, Hãng hàng không American Airlines “nối gót” các hãng hàng không: Delta Airlines, United Airlines và Jet Blue tăng giá hành lý xách tay lên 5 USD cho túi đầu tiên đến tối đa là 30 USD.
Ngoài quy định trên, dự luật còn yêu cầu Bộ Giao thông Mỹ ra quy định mới quản lý về hoạt động giao hàng bằng máy bay không người lái và cấp quyền cho Bộ Tư pháp, Bộ An ninh Nội địa Mỹ để vô hiệu hóa hoặc phá hủy drone nếu những phương tiện này đe dọa các cơ sở của Chính phủ.
Theo báo Giao thông