Nhật báo Les Echos dự báo rằng hai yếu tố, bao gồm một số quy định mới của châu Âu về thị thực bên ngoài khu vực Schengen sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2023 và việc thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp hạ tầng, có thể là nguyên nhân khiến các sân bay lớn của Pháp “trở nên hỗn loạn” do dòng người chờ đợi quá tải.
Theo báo này, lệnh cấm bay trên các tuyến đường có thể phục vụ bằng tàu hỏa trong vòng chưa đầy 2,5 giờ không phải là vấn đề duy nhất có khả năng gây ra “cơn ác mộng” cho các nhà quản lý sân bay Pháp. Trong lần gặp gỡ mới đây tại Đại hội thường niên của Liên minh các sân bay Pháp (UAF), các nhà quản lý sân bay nước này đã phàn nàn về những khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
Máy bay của Hãng Air France đậu tại sân bay Paris-Charles de Gaulle ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Trong năm 2023, các sân bay sẽ có thể phải chứng kiến nguy cơ hỗn loạn, sau khi một quy tắc mới của Liên minh châu Âu (EU) về kiểm soát biên giới sẽ có hiệu lực kể từ tháng 5/2023. Theo quy định mới này, khách du lịch quốc tế đến từ bên ngoài khu vực Schengen sẽ phải đăng ký trước khi qua biên giới để được miễn thị thực.
Quy định này, được cho là giống hệt chương trình Hệ thống Điện tử Ủy quyền Du lịch (ESTA) ở Mỹ, nhằm tăng cường an ninh trong khu vực EU. Nhưng việc triển khai quy định lại đang khiến các sân bay lo lắng về khả năng dòng người xếp hàng dài bất tận tại các nhà ga để đợi làm thủ tục do thiếu phương tiện làm thủ tục khai báo.
“Các quốc gia thành viên đã tập trung vào khía cạnh nâng cấp hệ thống tin học của dự án, nhưng lại không để ý đến việc triển khai lắp đặt thêm thiết bị tại các sân bay. Điều này có nguy cơ gây ra tình trạng hỗn loạn do hành khách phải chờ đợi hàng giờ để làm thủ tục ở biên giới”, Olivier Jankovec, Tổng giám đốc Hiệp hội các sân bay châu Âu (ACI) nhấn mạnh.
Theo đề xuất của ông, vì chưa kịp bổ sung các thiết bị tin học tại sân bay, việc triển khai dự án “nên được hoãn lại, hoặc ít nhất là nới lỏng trong các thời gian cao điểm”. Ông Olivier Jankovec cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đang đề nghị các cơ quan chức năng cho phép áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp…”.
Một lĩnh vực đáng lo ngại khác cho năm 2023 là dự thảo sửa đổi các quy định phân bổ mốc thời gian, mà Ủy ban châu Âu đã bắt đầu quá trình tham vấn. Lo lắng về việc tối ưu hóa cơ sở hạ tầng, các sân bay đề nghị tăng cường quy định sử dụng khoảng “thời gian vàng”, trong khi các hãng hàng không cũng yêu cầu sử dụng thời gian một cách linh hoạt hơn.
Giám đốc ACI đưa ra ví dụ về dự án hạn chế số lượng chuyến bay tại Amsterdam-Schiphol do quá tải và nhấn mạnh: “Việc các sân bay thiếu năng lực đòi hỏi chúng ta phải tận dụng tối đa các thời điểm trống”.
Ngoài các vấn đề chung của châu Âu, Pháp còn phải đối mặt với khó khăn của riêng mình. Chủ đề chính mà các sân bay Pháp quan tâm sau hai năm khủng hoảng vẫn là khung pháp lý chưa được cải tiến, dẫn đến những hạn chế về khả năng chủ động của họ trong các cuộc đàm phán với công ty đối tác cũng như trong việc quản lý các hoạt động của họ.
Theo các nhà quản lý sân bay Pháp, do chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ phía các cơ quan lập pháp nên cho đến nay, tiến trình cải cách các quy định quản lý việc định giá và cấp vốn cho các khoản đầu tư của họ vẫn chưa được xem xét.
Về giải pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị mạng lưới sân bay Lyon Tanguy Bertolus cho rằng “cần phải xem xét việc áp dụng các nguyên tắc chính. Đầu tiên là dòng vốn đầu tư phải mang lại hiệu quả thỏa đáng. Bấy lâu nay, điều này đã không còn được xem trọng trong trường hợp của các sân bay. Các khoản lệ phí hiện chỉ đáp ứng được 70% chi phí thực của dịch vụ sân bay và nguyên tắc điều tiết giá cước đang hạn chế việc tăng phí”.
Tuy nhiên, thông điệp này lại không được các hãng hàng không ủng hộ. Theo ông Laurent Timsit, Tổng đại diện của Liên đoàn Hàng không Quốc gia Pháp (FNAM), “chỉ trong vòng 2 năm qua, các hãng hàng không đã mất số tiền lãi tương đương 10 năm hoạt động. Trong khi đó, khoản lỗ từ hoạt động khai thác sân bay tuy lên tới 700 triệu euro trong năm 2020, nhưng lại lãi đến 1,1 tỷ euro vào năm 2019”. Do đó ông cho rằng “nếu có cần tìm kiếm nguồn tiền đầu tư cho các sân bay, thì chắc chắn không phải là từ các hãng hàng không”.
Còn đối với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Clément Beaune, mối quan tâm chính của ông hiện nay lại là việc vận hành suôn sẻ của Thế vận hội mùa Hè Olympic dự kiến sẽ diễn ra tại Pháp vào năm 2024.
Do đó, Bộ trưởng và Liên minh các sân bay Pháp đã ký “điều lệ cam kết ủng hộ chất lượng dịch vụ”. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý sân bay Pháp, bản cam kết này sẽ chỉ có hiệu lực trên giấy nếu không có các phương tiện bổ sung để cải thiện quá trình phục vụ hành khách tại các sân bay.
Theo Bnews