AirTag của Apple là một công cụ theo dõi bằng kết nối Bluetooth. Thiết bị này có thể được sử dụng để theo dõi các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như chìa khóa ô tô hoặc túi xách, thông qua ứng dụng “Find My” trên iPhone. Các du khách đã bắt đầu gắn các thiết bị theo dõi vào hành lý của mình để theo dõi hành lý của họ đang ở đâu trong trường hợp hãng hàng không làm thất lạc chúng.
Người phát ngôn của Lufthansa nói với hãng tin Watson của Đức rằng du khách sẽ cần tháo pin khỏi AirTag – do đó, khiến chúng không thể theo dõi được hành lý ký gửi nếu thiết bị được gắn vào đó.
Người phát ngôn cho biết: “AirTag thuộc loại thiết bị điện tử cầm tay và do đó phải tuân theo các quy định về hàng hóa nguy hiểm do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế ban hành khi vận chuyển trên tàu bay.”
Lufthansa đã giải thích trên trang Twitter rằng do chức năng kết nối Bluetooth của AirTag, các thiết bị theo dõi phải được tắt trong khi bay nếu chúng được đặt trong hành lý ký gửi.
Tuy nhiên, đối với hành khách ở Hoa Kỳ, Cục An ninh vận tải Hoa Kỳ đã xác nhận: các thiết bị theo dõi Bluetooth, chẳng hạn như AirTag, được cho phép đặt trên cả hành lý xách tay và hành lý ký gửi.
Mặc dù Ủy ban Truyền thông Liên bang vẫn cấm sử dụng điện thoại di động trên các chuyến bay để tránh nhiễu sóng vô tuyến đối với mạng điện thoại di động nối đất nhưng Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ vẫn cho phép hành khách sử dụng thiết bị kết nối Bluetooth tầm ngắn và các thiết bị điện tử cá nhân khác, miễn là chuyển các thiết bị này sang chế độ máy bay.
Ngoc Diep- DX