Chính phủ Nhật Bản là một trong những quốc gia thận trọng nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong việc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với những công dân không cư trú tại Nhật Bản. Nhiều quốc gia đã mở cửa rộng rãi cho du khách đã tiêm chủng trong quý 2/2022 nhưng du lịch đến Nhật Bản vẫn còn rất hạn chế.
Trong khi dịch vụ bay thẳng đến Nhật Bản phục hồi chậm, nhu cầu nối chuyến quốc tế qua Tokyo tăng mạnh đối với cả 2 hãng hàng không All Nippon Airways và Japan Airlines.
Các hạn chế về nhập cảnh có thể sẽ giảm bớt vào một thời điểm nào đó trong năm 2022 và nhu cầu vận chuyển tới Nhật Bản sẽ quay trở lại như bình thường. Trong thời gian chờ đợi, nhu cầu quá cảnh của khách quốc tế đang được chứng minh là phao cứu sinh cho các hãng hàng không lớn của Nhật Bản. Điều này cũng có nghĩa là có một số thay đổi trong hoạt động khai thác tại trung tâm trung chuyển mà cả hai hãng hàng không đều khai thác ở Tokyo.
Sự phục hồi du lịch của Nhật Bản tụt hậu so với các nước khác do một loạt các hạn chế nghiêm ngặt. Giới hạn số lượt đến quốc tế mỗi ngày là một trong những hạn chế lớn mà chính phủ Nhật Bản áp đặt vào thời điểm hiện tại. Việc tạm dừng các chương trình miễn thị thực và cấp thị thực khi đến cũng là một trở ngại đối với việc đi lại vì hầu như tất cả các đối tượng du khách phải xin thị thực trước.
Bất chấp những thách thức hiện tại, các hãng hàng không Nhật Bản vẫn dự báo nhu cầu vận chuyển quốc tế sẽ tăng trưởng vững chắc trong nửa cuối năm tài chính 2022.
Một phân tích gần đây của CAPA dự báo, trong quý IV năm tài chính (kết thúc vào 31/03/2023), nhu cầu vận chuyển khách quốc tế của JAL sẽ phục hồi bằng mức 65% của năm 2019, trong khi ANA dự kiến sẽ đạt 40% cùng thời điểm. Những dự báo này dựa trên điều kiện nếu những quy định nhập cảnh sẽ được nới lỏng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, hiện tại, tăng trưởng nhu cầu quốc tế của các hãng hàng không Nhật Bản chủ yếu được thúc đẩy nhờ nhu cầu vận chuyển giữa các quốc gia khác nối chuyến qua Tokyo. Điển hình là các chuyến bay một điểm dừng giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á.
Ông Junichiro Miyagawa, Phó Tổng giám đốc điều hành phụ trách liên minh và các vấn đề quốc tế của ANA, cho biết: việc phụ thuộc nhiều hơn vào các chuyến bay nối chuyến đã khiến ANA tạm thời chuyển nhiều chuyến bay quốc tế từ Sân bay Tokyo Haneda sang Sân bay Tokyo Narita. Điều này là do chiến lược lâu dài của cả JAL và ANA là sử dụng Haneda cho các chuyến bay có điểm dừng cuối tại Nhật Bản và sử dụng Narita cho các chuyến bay nối chuyến quốc tế với số lượng lớn hơn.
ANA sẽ chuyển một số chuyến bay khai thác qua Narita quay trở lại Haneda khi các hạn chế đi lại của Nhật Bản giảm bớt. ANA mong muốn khôi phục lại vai trò của Haneda và Narita như trước đại dịch trong chiến lược trung tâm kép của Hãng.
Trong thời gian chờ đợi, ANA đề nghị chính phủ tiếp tục gia hạn việc miễn trừ sử dụng suất đỗ tại Haneda, vì vậy quyền lợi quý giá này vẫn có thể được giữ lại, trong khi hãng tập trung khai thác nhiều hơn tại Narita.
Cũng giống như ANA, JAL đã dần chuyển sang khai thác dịch vụ nối chuyến quốc tế trong thời kỳ đại dịch. Hãng đã nâng tỷ lệ khai thác các chuyến bay quốc tế tại Narita, trong khi giảm tỷ lệ tại Haneda. Khi JAL khôi phục các đường bay quốc tế, Hãng thường chọn địa điểm tại Narita trước tiên, để giành được các luồng khách quá cảnh.
Ông Ross Leggett, Phó Tổng Giám đốc cấp cao của JAL về tiếp thị đường bay, quan hệ và liên minh quốc tế cho biết: JAL đã tăng thị phần vận chuyển các đường bay Bắc Mỹ-Châu Á trong thời kỳ đại dịch và hy vọng sẽ duy trì được thị phần này sau giai đoạn phục hồi.
JAL đã tăng thị phần vận chuyển các đường bay Bắc Mỹ-Châu Á trong thời kỳ đại dịch và hy vọng sẽ duy trì được thị phần này sau giai đoạn phục hồi. (Ảnh: Sưu tầm)
Sân bay Narita đã tăng trưởng mạnh hơn so với Haneda – mặc dù các chuyến bay từ sân bay Gimpo (Seoul, Hàn Quốc) đã góp một phần nhỏ cho sự tăng trưởng của Haneda.
Trong tuần từ ngày 27/06/2022, công suất khai thác cũng chỉ ở mức 31,8% của năm 2019, đây là mức cao nhất trong hơn hai năm qua.
Các chuyến bay quốc tế đã bị đóng cửa tại Gimpo trong đại dịch coronavirus, nhưng các cơ quan quản lý Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho phép bốn hãng hàng không nối lại tuyến bay Gimpo-Haneda từ ngày 29/06/2022. Korean Air, Asiana, ANA và JAL đã bắt đầu khai thác lại các chuyến bay giữa hai sân bay này nhưng với tần suất thấp.
Các mạng đường bay nối chuyến đã cung cấp lượng khách quý giá. Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh vẫn rất quan trọng
Trước đại dịch, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã tập trung vào việc tăng cường lượng khách quốc tế đến nước này. Đây cũng là mục tiêu chính của chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng nhận ra tầm quan trọng của việc thiết lập một mạng đường bay nối chuyến quốc tế mạnh mẽ nên cả JAL và ANA đều khai thác chính tại Narita.
Cách làm này chắc chắn đã chứng tỏ giá trị của nó trong thời kỳ đại dịch khi việc thắt chặt hạn chế nhập cảnh làm giảm lượng khách. Các hãng hàng không có thể dựa nhiều hơn vào các cơ hội nối chuyến mà họ đã “nuôi dưỡng” tại Narita. Với một ngành dễ gặp phải những cú sốc từ bên ngoài như ngành hàng không, sự linh hoạt trong khai thác là vô cùng quý giá.
Tuy nhiên, mặc dù được hưởng lợi từ cơ hội nối chuyến, nhưng các hãng hàng không chắc chắn cần lượng khách tới Nhật Bản tăng lên để hoàn thành việc phục hồi. Và để điều này xảy ra, chính phủ cần phải dỡ bỏ một số hạn chế liên quan đến đại dịch Covid. Các hãng hàng không vẫn đang mong chờ chính phủ Nhật Bản sẽ hành động nhanh hơn sau tháng 7-2022 (thời điểm diễn ra bầu cử thượng nghị viện tại Nhật Bản).
Quynh Hoa-DX