Ở Việt Nam, năm 2017, Vietnam Airlines và một hãng hàng không khác công bố lợi nhuận tổng cộng gần 7.200 tỉ đồng, tăng 56% so với năm 2016. Hàng không đã và đang góp phần tạo nên những thay đổi ngoạn mục trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Hàng không làm thay đổi thế giới.
Từ những “giấc mơ bay”
Hàng nghìn năm sau những bức tranh mô tả cảnh bay lượn thời kỳ văn minh Ai Cập và trong thần thoại của người Hy Lạp, phải đến thời Leonardo da Vinci con người mới hoàn thành bản vẽ đầu tiên cho một thiết bị máy móc giúp con người có thể bay lượn như chim. Nhưng cũng phải hơn 5 thế kỷ sau những ý tưởng trong các bản vẽ đó mới được hai anh em Wilbur và Orville Wright biến thành sự thật. Cỗ máy kỳ diệu của họ đã chiến thắng sức hút của trái đất và bay lên trời cao. Chuyến bay đầu tiên năm 1903 của anh em nhà Wright chỉ kéo dài trong mấy giây, nhưng sự kiện này đã đánh dấu một sự thay đổi lớn lao của thế giới.
Dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ thế giới này là nhỏ bé là sự kiện ngày 25/7/1909. Đó là ngày một người Pháp có tên Louis Bleriot hạ cánh trên một sân golf gần thành phố Dover và trở thành người đầu tiên bay vượt eo biển Manche trên một chiếc máy bay.
Lấy ý tưởng từ chuyến bay của anh em nhà Wright 6 năm trước, Bleriot đã sáng chế ra loại máy bay một lớp cánh và nó đã trở thành khuôn mẫu cho những thiết kế sau này.
Wilbur Wright lái một chiếc tàu lượn cỡ lớn xuống sườn đồi Big Kill Devil Hill, ở Kitty Hawk, North Carolina năm 1902.
Gần 2 thập kỷ sau, năm 1927 Charles Lindbergh lại đưa lịch sử ngành hàng không lên một tầm cao mới. Một mình anh thực hiện chuyến bay liên tục vượt Đại Tây Dương theo hành trình từ New York tới Paris. Anh đã hoàn thành chuyến bay lịch sử chưa đầy 34 giờ vượt qua mây mù và mưa tuyết khắc nghiệt trên chiếc máy bay mang tên Spirit of St. Louis.
Vào năm 1939, chiếc máy bay trực thăng VS-300 của Igor Sikorsky bay lượn trên bầu trời Connecticut. Chiếc trực thăng sơ khai này đã lập được nhiều kỷ lục và giúp cho công ty của Sikorsky có được danh tiếng trong việc sản xuất hàng loạt loại máy bay trực thăng. Từ sự khởi đầu ấn tượng năm 1939, công trình sư hàng không gốc Đông Âu Sikorsky đã phát triển máy bay trực thăng cả về tốc độ, độ cao đến tầm hoạt động. Ngày nay, trực thăng đã trở thành một phương tiện quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của con người với sự cơ động đặc trưng. Igor Sikorsky cũng được ghi nhận như cha đẻ của loại hình giao thông hàng không tiện dụng này.
Mẫu máy bay trực thăng được thiết kế bởi Igor Sikorsky, được trang bị một động cơ 75 mã lực với 3 cánh quạt chính.
Ai làm chủ tầm cao, người đó sẽ chiến thắng
Ngay từ giai đoạn bình minh của máy bay, các nhà quân sự đã nhanh chóng nhận ra sự lợi hại của loại phương tiện này. Cuối cuộc đại chiến thế giới lần thứ I, nhà tiên phong trong lĩnh vực chế tạo máy bay Orville Wright tâm sự với một người bạn: "Máy bay đã đã khiến cuộc chiến trở lên khủng khiếp đến nỗi tôi không tin sẽ có một quốc gia nào lại quan tâm đến việc phát động chiến tranh".
Nhưng chỉ hơn 20 năm sau ngày Orville Wright nói ra điều đó, Anh và Đức lại lâm vào một trận chiến không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc Thế chiến II, mà còn là mốc lịch sử của việc sử dụng máy bay như một cỗ máy giết người.
Không quân Hoàng gia Anh đã thành công trong việc sử dụng loại máy bay Hawker Hurricane vững chắc có tốc độ bay nhanh để chặn đứng âm mưu xâm lược London của phát xít Đức. Tổng cộng có hơn 2.000 máy bay đã bị phá huỷ trong trận không chiến đúng nghĩa đầu tiên trong lịch sử quân sự thế giới này, kéo dài trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1940.
Lịch sử đã cho thấy, ngành hàng không thế giới phải chịu ơn Sir Frank Whittle rất nhiều vì ông có công sáng chế loại động cơ phản lực. Thiết bị này đã làm nên một cuộc cách mạng trong việc vận chuyển hành khách bằng đường không, mở đầu thời kỳ đưa máy bay đến gần với công chúng hơn.
Những chiếc máy bay dân dụng loại lớn dùng động cơ phản lực khoẻ và nhanh có thể chở được hàng trăm hành khách và khối lượng hàng hoá lớn trên mỗi chuyến bay. Khả năng này đã mở đường cho một ngành công nghiệp mới. Mẫu máy bay tiên phong của loại hình vận chuyển này là chiếc Boeing 707 nổi tiếng.
Chiếc Boeing 707 bắt đầu bay thử năm 1954 và 3 năm sau đã trở thành loại phản lực cơ đầu tiên cung cấp dịch vụ chở khách và nhanh chóng được coi như một biểu tượng của loại phương tiện giao thông vượt đại dương. Đến nay, ước tính đã có hơn 1.000 chiếc Boeing 707 được bán ra trên thế giới, trong đó có một chiếc đặc biệt đã từng phục vụ nhiều đời tổng thống Mỹ cho đến năm 1990.
Xoay sở ra sao nếu thiếu hàng không?
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hàng không đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Hàng không vận chuyển gần 2 tỷ hành khách mỗi năm và 40% kim ngạch xuất khẩu liên vùng hàng hóa (theo giá trị). Trên 40% khách du lịch quốc tế hiện nay đi du lịch bằng đường hàng không. Ngành công nghiệp vận tải hàng không tạo ra tổng cộng 29 triệu việc làm trên toàn cầu.Tác động của hàng không lên kinh tế toàn cầu được ước tính khoảng $ 2,960 tỷ đồng, tương đương với 8% của thế giới Tổng sản phẩm trong nước (GDP). 25% công ty bán hàng phụ thuộc vào vận tải hàng không. 70% doanh nghiệp báo cáo rằng, để phục vụ một thị trường lớn thì sử dụng dịch vụ hàng không là điều tất yếu.
Người ta chưa thể tưởng tượng được rằng, nếu không có hàng không dân dụng thì các quốc gia và các các nền kinh tế sẽ phải xoay sở ra sao.
Trong xu hướng toàn cầu hoá ngày nay, tiềm năng của thị trường hàng không ở Việt Nam ra sao, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
(Còn tiếp)
Theo báo Pháp luật