Hàng không châu Âu khủng hoảng trầm trọng

Ngành hàng không châu Âu đang khủng hoảng trầm trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài và nghiêm trọng. Cơ quan quản lý các sân bay châu Âu (ACI EUROPE) vừa cảnh báo gần 200 sân bay sẽ phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ, trong khi liên tiếp các hãng hàng không lớn thông báo thua lỗ và sa thải nhân viên hàng loạt.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trong thông báo vừa công bố, ACI EUROPE cho biết hiện có khoảng 193 sân bay ở châu Âu nằm trong mức đánh giá “có nguy cơ” vỡ nợ trong những tháng tới, nếu lưu lượng hành khách không thể phục hồi ngay từ cuối năm nay. Một phát ngôn viên của ACI EUROPE hôm 27-10 cho biết phần lớn trong số những sân bay bên bờ vực vỡ nợ nêu trên là các sân bay quy mô nhỏ. Mặc dù vậy, việc những sân bay này phải đóng cửa sẽ gây tác động lớn đến thị trường việc làm tại địa phương và khiến bức tranh kinh tế các nước châu Âu thêm ảm đạm, bởi số sân bay này đã tạo ra 277.000 việc làm và đóng góp 12,4 tỷ ơ-rô cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Âu. Trong khi hàng trăm sân bay nhỏ đối mặt nguy cơ vỡ nợ, tình cảnh của các sân bay lớn tại châu Âu cũng hết sức bi đát. ACI EUROPE cho biết, các sân bay quy mô lớn hơn của châu Âu cũng đang ngập trong nợ nần do hoạt động hàng không gần như tê liệt thời gian qua. Thống kê cho thấy, riêng 20 sân bay hàng đầu của châu Âu đã gánh thêm khoản nợ 16 tỷ ơ-rô, tức là gần 60% doanh thu của những sân bay này trước khi “bão Covid-19” tràn qua châu lục này.

alt text
Lufthansa – một “đại gia” hàng không của Ðức vừa thông báo mức lỗ trong quý III năm nay là 1,26 tỷ ơ-rô. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, những con số nêu trên chưa phải là toàn bộ bức tranh ảm đạm. Thua lỗ và sa thải nhân viên hiện là tình trạng chung của hầu hết các hãng hàng không ở châu Âu. Lufthansa – một “đại gia” hàng không của Ðức vừa thông báo mức lỗ trong quý III năm nay là 1,26 tỷ ơ-rô. Nguyên nhân thua lỗ là vào lúc cao điểm của dịch Covid-19, có thời điểm 700 trong số 763 máy bay của hãng phải “đắp chiếu”, trong khi 87.000 nhân viên phải xin cứu trợ theo chương trình làm việc ngắn hạn của chính phủ. Hãng cho biết sẽ ngừng hoạt động thêm nhiều máy bay hơn so với kế hoạch vào cuối tháng 10 này, đồng thời cắt giảm giờ làm việc trong mùa đông và có thể chỉ vận hành ở mức 25% công suất trong những tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, truyền thông Anh cho biết, Hãng hàng không EasyJet có thể sẽ báo cáo khoản lỗ cả năm lần đầu tiên lên tới 845 triệu bảng Anh (khoảng 1,09 tỷ USD). EasyJet cho biết, hãng đang phải đánh giá tình hình tài chính trong bối cảnh dịch bệnh khiến số chuyến bay của hãng chỉ còn 25% so với công suất dự kiến của năm 2020. Cùng với kinh doanh khó khăn và thua lỗ nặng, EasyJet đã phải huy động vốn từ nguồn vốn vay 600 triệu bảng Anh của chính phủ; cắt giảm 4.500 việc làm.

alt text
Truyền thông Anh cho biết, Hãng hàng không EasyJet có thể sẽ báo cáo khoản lỗ cả năm lần đầu tiên lên tới 845 triệu bảng Anh (Ảnh: VNA)

Ngành hàng không của châu Âu đang “gãy cánh” và khó gượng dậy nổi trong bối cảnh tình hình kinh doanh đen tối trong mấy quý vừa qua và phía trước vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”. Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, số lượng khách hàng di chuyển bằng máy bay tại Liên hiệp châu Âu (EU) đã sụt giảm mạnh trong quý II khi giảm sâu từ 96% – 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo thống kê của ACI EUROPE, lưu lượng hành khách tại các sân bay châu Âu trong tháng 9 vừa qua đã giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái, hụt tới 172,5 triệu lượt hành khách. Tính từ tháng 1-2020 đến nay, tổng số hành khách đã giảm đi so với cùng kỳ năm ngoái là 1,29 tỷ lượt người.

Vấn đề đáng lo ngại với ngành hàng không của châu Âu hiện nay là triển vọng phục hồi vô cùng u ám trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ hai đang bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Theo đó, tình cảnh nhiều sân bay nằm “đắp chiếu” chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) A.Giu-ni-ác đã kêu gọi thực hiện ngay một chương trình quốc tế xét nghiệm Covid-19 trước khi mỗi chuyến bay cất cánh. Qua đó, tạo niềm tin cho chính phủ các nước mở cửa biên giới, cũng như niềm tin để hành khách đi máy bay, cứu các hãng hàng không khỏi “bão thua lỗ”. Cùng với việc nhanh chóng “phủ sóng” vắc-xin phòng Covid-19, lời kêu gọi của người đứng đầu IATA có thể xem là một gợi ý quan trọng để châu Âu giúp các sân bay và các hãng hàng không của mình thoát khỏi bờ vực phá sản.

Theo Nhandan.com.vn

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.