Tưởng tượng mà xem, sẽ tuyệt vời thế nào nếu chúng ta không phải ăn những chiếc bánh mì khô khốc trên chuyến bay dài, hay những hộp thức ăn nhanh mà ăn nhiều quá sẽ nhanh ngán? Việc phàn nàn về thức ăn trên máy bay là một vấn đề muôn thuở và nhiều người đã phải… chấp nhận số phận. Do giới hạn về nhiều yếu tố nên thức ăn trên máy bay chỉ có thể… đến mức này mà thôi. Bạn không thể yêu cầu hãng hàng không phục vụ thức ăn như nhà hàng Michelin được, có phải không?
Thực ra là không, bởi vì các hãng máy bay lớn trên thế giới đã bắt đầu cân nhắc phục vụ bữa ăn Michelin cho các hành khách của mình. Cụ thể là vào mùa xuân năm 2019, Japan Airline đã bắt đầu phục vụ các món ăn được làm bởi bếp trưởng 2 sao Michelin Shinobu Namae. Thực đơn thường xuyên bao gồm steak với sốt rượu, hải sản với sốt anchoïade, ratatouille… Thậm chí, còn có cả mì soba từ nhà hàng Tsusa có 1 sao Michelin. Những món ăn này được phục vụ cho các khách hàng hạng thương gia.
Tuy nhiên, nếu như Japan Airline chỉ phục vụ cho hạng thương gia thì theo như trang Eater, hãng hàng không Đức Lufthansa sẽ phục vụ cho cả khoang thường, với một điều kiện: bạn phải nhỏ hơn… 12 tuổi. Hãng hàng không này đã mời bếp trưởng Alexander Herrman thiết kế và chế tạo thực đơn cho các khách hàng trẻ em của hãng. Những món ăn này sẽ được phục vụ trên các chuyến bay dài kể từ ngày 1/7/2019. Tuy nhiên, để cho con cái của mình ăn được những món này, các bố mẹ sẽ phải đặt trước món 24 giờ trước khi khởi hành.
Cụ thể, trang Eater đã nói rằng: Nếu bạn muốn ăn những món ăn Michelin, tất cả những gì bạn phải làm là bay đến Đức bằng hãng Lufthansa, rồi “giả vờ” là mình dưới 12 tuổi là được. Còn nếu không, bạn vẫn sẽ dính với những món ăn được hâm nóng bằng lò vi sóng bình thường như mọi khi, trong khi con bạn thì có cơ hội thưởng thức mousse pudding gạo với trái cây dại và món “chân rồng” – một đặc sản xúc xích Đức với khoai tây nghiền và cải chua sauerkraut được tạo hình thành rồng. Đặc biệt, thực đơn này được phục vụ cho toàn bộ trẻ em trên chuyến bay dài chứ không giới hạn cho trẻ em hạng thương gia với mục đích giữ công bằng. Tuy nhiên, phần lớn người trưởng thành có lẽ đang cảm thấy không công bằng lắm đây.
Song, trang Eater cũng đã dí dỏm lý giải: người lớn không nên “bất bình” trước việc này, bởi vì chúng ta đang giao cho con em một trái đất dần mất đi mảng xanh và chúng có khả năng sẽ khổ hơn chúng ta khi lớn lên với trọng trách nghiên cứu, tìm tòi và phát triển nhân loại. Đó là lý do vì sao mà chúng ta nên ưu tiên trẻ em.
Video bếp trưởng Herrmann trong buổi phát triển thực đơn với các khách hàng nhí:
Được công khai cụ thể, 5 tiêu chí đánh giá sao Michelin hiện nay gồm chất lượng nguyên liệu thành phần, làm chủ được hương vị và kỹ thuật nấu ăn, cá tính của người đầu bếp. Bên cạnh đó, giá trị đồng tiền bỏ ra và tính nhất quán giữa các lần thưởng thức cũng là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá các nhà hàng của Michelin. Ngôi sao Michelin danh giá là niềm mơ ước của bất kỳ đầu bếp nào trên thế giới.
Một sao Michelin có ý nghĩa rằng cơ sở ăn uống có chất lượng tốt, đáng để bạn dừng chân ghé lại. Hai sao Michelin đánh giá cơ sở ăn uống có chất lượng xuất sắc, đáng để bạn đi một quãng đường xa đến. Việc nhận ba sao hình bông hoa chứng tỏ cơ sở ăn uống có chất lượng vượt trội, đáng để bạn dành một chuyến đi đặc biệt và thưởng thức món ăn.
Đội ngũ đánh giá của Michelin Guide hầu hết làm việc toàn thời gian tại tập đoàn Michelin. Họ là những người có chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực, du lịch. Để đảm bảo sự độc lập trong bày tỏ chính kiến, các chuyên gia dựa trên 5 tiêu chí đánh giá đã công bố, tự trả tiền cho các bữa ăn, và phải luôn ẩn đi danh tính.
Theo kenh14