Phục hồi nhưng chưa đồng đều
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng vận chuyển hành khách của các hãng bay Việt Nam đạt 37 triệu khách. Với con số này thì dù tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên vẫn giảm 10,8% so với cùng kỳ 2019.
Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao cùng với các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sử dụng đường hàng không tiếp tục tăng mạnh là bước tạo đà cho ngành hàng không bắt nhịp tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngành hàng không vẫn còn bộn bề khó khăn nhất là mảng quốc tế. Theo đó, trong khi thị trường nội địa Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng những thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019 thì việc khôi phục đường bay quốc tế vẫn gặp khó do một số thị trường trọng điểm mở cửa còn hạn chế và điều kiện xuất nhập cảnh rất nghiêm ngặt.
Các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh, trong khi lượng khách du lịch còn rất hạn chế.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Anh Tuấn – Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cũng cho hay nửa đầu năm 2022, mặc dù hoạt động vận tải hành khách nội địa phục hồi mạnh thậm chí vượt sản lượng cùng kỳ 2019, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của hãng này vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo đó, thị trường quốc tế vốn chiếm 65% doanh thu của Vietnam Airlines trước khi dịch bệnh xảy ra) vẫn phục hồi chậm, mới đạt 11,7% so với cùng kỳ 2019; tình trạng thừa tải và giá vé bình quân thấp tại thị trường nội địa; chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu tăng cao đột biến trong khi giá vé chưa thể tăng tương ứng với mức tăng nhiên liệu, mức giá vé trần nội địa chưa được điều chỉnh, các hãng hàng không chưa được phụ thu nhiên liệu trên các chặng bay nội địa, việc thu phụ thu xăng dầu trên mạng đường bay quốc tế mới chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí nhiên liệu tăng cao.
Bên cạnh đó, hiện nay, các hãng hàng không và doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm khiến đóng băng các hoạt động.
Như mới đây phát biểu tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, đại diện Vietravel Airlines cũng thẳng thắn thừa nhận doanh nghiệp này đang chịu sức ép về tài chính rất lớn.
Trong bối cảnh đó, để giảm thiểu thiệt hại, các hãng hàng không Việt đã và đang nghiên cứu, triển khai các phương án khai thác linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế để vừa có thể tiết kiệm chi phí, mặt khác giảm thiểu rủi ro, bảo toàn nguồn vốn.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng vận chuyển hành khách của các hãng bay Việt Nam đạt 37 triệu khách. (Ảnh: VNA).
Những “điểm nghẽn” cần khơi thông
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá nhờ nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ của Chính phủ về cơ bản đã giúp ngành hàng không Việt Nam vượt qua được thời điểm khủng hoảng nhất. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn đến từ nguồn tài chính, dòng tiền cũng như sự chững lại của thị trường du lịch quốc tế.
Bàn về phương hướng tháo gỡ các khó khăn, ông Long cho rằng về lâu dài, Chính phủ cần ban hành các cơ chế chính sách đặc thù nhằm định hướng mở thêm các đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm.
Chính phủ cũng cần thiết lập những quy định về cạnh tranh giá dịch vụ khi mở thêm các đường bay quốc tế mới, từ đó tạo điều kiện giúp các hãng hàng không quảng bá, phát triển thương hiệu tại thị trường quốc tế một cách hiệu quả.
Trong khi đó, Giáo sư Trần Thọ Đạt – Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các hãng hàng không Việt Nam cần chủ động có giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.
Phương án tái cơ cấu của Vietnam Airlines đã được xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm các nhóm giải pháp như tái cơ cấu đội bay, tái cơ cấu nguồn vốn, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu; xây dựng các kịch bản khác nhau nhằm điều hành sản xuất kinh doanh.
Trước mắt, cần giải quyết những vướng mắc và “điểm mờ” giữa các luật, quy định để Vietnam Airlines có thể nhanh chóng thực hiện được đề án tái cơ cấu tổng thể của mình và bứt phá bởi sức mạnh nội lực, cơ hội thị trường ở phía trước là rất lớn nhưng chỉ được phát huy khi được “cởi trói”.
Ngoài ra, các giải pháp liên quan tới điều chỉnh khung giá vé, cũng như áp dụng các công nghệ mới vào công tác điều phối và vận hành bay cũng được các chuyên gia đề cập trong các diễn đàn gần đây.
Trong thời gian tới, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách cụ thể, đặc thù nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt về mặt tài chính của các hãng bay, cũng như cần có định hướng cho ngành hàng không Việt Nam phát triển ổn định, đồng bộ và bền vững.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề đưa ra 5 kiến nghị để tạo đà phát triển ngành hàng không thời gian tới.
Cụ thể, thứ nhất, việc phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn. Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.
Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Thứ tư, đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam. Mở rộng thêm những đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá, cải thiện hình ảnh quốc gia và thu hút khách đến Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất”.
Theo Người đưa tin Pháp luật