Những người truyền cảm hứng
Các hãng hàng không trên thế giới đang thi nhau ra mắt những phi hành đoàn nữ.
Từ nhỏ, Hanadi Al-Hindi (40 tuổi) vẫn nuôi mộng ước làm một việc gì đó khác thường. Trong một lần đi máy bay cùng cha đến thành phố Jeddah (Saudi Arabia), cha cô đã xin mượn một bộ đồng phục của phi công cho con gái mình để hai bố con cùng chụp ảnh. Ông rất thích bức ảnh đó và thường khoe với bạn bè như thể bộ đồng phục đó có thể khiến Hindi trở thành một phi công thật sự.
Khi biết rằng cha mình từng muốn làm phi công nhưng vì hoàn cảnh khó khăn phải gác lại giấc mơ của mình, Al Hindi muốn thay cha thực hiện những điều mà cha cô chưa làm được. Cô đã nỗ lực học tiếng Anh thật giỏi, rồi ra nước ngoài học lái máy bay. Năm 2014, Hanadi al-Hindi trở về nước và trở thành người phụ nữ đầu tiên được Saudi Arabia cấp giấy phép hành nghề phi công. Tuy nhiên, do luật lệ còn khắt khe, cho đến nay vẫn chưa có phụ nữ nào được làm việc như một phi công ở Saudi Arabia. Không từ bỏ niềm đam mê của mình, cô đã trở thành huấn luyện viên dạy bay cho sinh viên tại một công ty đào tạo phi công.
Hanadi Al-Hindi đã vượt qua rất nhiều thử thách để trở thành người phụ nữ đầu tiên được Saudi Arabia cấp phép hành nghề phi công.
Ngay từ khi 18 tuổi, Niloofar Rahmani đã mơ ước được trở thành phi công thực thụ. Chính vì vậy, cô đã dành suốt 1 năm trời để học tập và thi vào trường huấn luyện phi công. Năm 2010, cô được nhận vào khóa huấn luyện phi công Afghanistan. Sau 2 năm miệt mài học tập, cô tốt nghiệp và tiếp tục theo học khóa huấn luyện bay nâng cao.
Sau đó, Niloofar Rahmani đã trở thành nữ phi công không quân đầu tiên của Afghanishtan. Rahmani cho biết: Niềm đam mê cho công việc của cô bắt nguồn từ tình yêu dành cho cha. Cha cô từng mong muốn trở thành phi công chiến đấu nhưng không thực hiện được. Nếu cô thay cha làm công việc đó, cha cô sẽ rất hạnh phúc. Tuy nhiên, công việc của Rahmani nhiều lần bị gián đoạn do Taliban liên tục đe dọa giết chết. Hiện nay, cô phải tạm ngưng công việc để đến Mỹ tị nạn.
Dù bị Taliban đe dọa nhưng Niloofar Rahmani (trái) vẫn quyết tâm trở thành một nữ phi công không quân đầu tiên của Afghanistan.
Không từ bỏ ước mơ
Theo ước tính của Hiệp hội Nữ Phi công Quốc tế, hiện chỉ có 3% trong tổng số 130.000 phi công trên thế giới là nữ. Bà Jane Basson – Giám đốc điều hành của Airbus, nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới – nói rằng: Airbus đang nghiên cứu và phân tích dữ liệu để tìm hiểu tại sao số lượng phụ nữ tham gia ngành hàng không còn rất khiêm tốn. Từ đó, tìm cách cải thiện môi trường làm việc của công ty để thu hút nhiều lao động nữ. Hiện tại, Airbus đang sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để khuyến khích phụ nữ tiếp cận với ngành hàng không.
Hiện chỉ có 3% trong tổng số 130.000 phi công trên thế giới là nữ.
Sự mất cân bằng về giới trong ngành hàng không khiến các công ty lo lắng về sự thiếu hụt đội ngũ phi công trong tương lai. Hiện các công ty hàng không đang tích cực tìm biện pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia ngành này.
Airbus cho biết: Phụ nữ hiện chiếm 17,5% trong số 140.000 người lao động của công ty, tăng 15% so với năm 2005. Tỷ lệ nữ phi công tại Austrian Airlines đã tăng từ 3% trong năm 2015 lên 5% trong năm 2018. Sắp tới, Austrian Airlines sẽ tuyển thêm 400 nhân viên mới, chủ yếu là phi công và tiếp viên hàng không. Mục tiêu của họ hướng đến là tăng cường lực lượng lao động nữ.
EasyJet, hãng hàng không Anh cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có thêm 20% nữ phi công. Bà Baroness Elizabeth Sugg – Bộ trưởng Hàng không Anh – cho biết: Hiện đã có hơn 50 công ty hàng không ở Anh đã ký hiệp ước thúc đẩy số lượng phụ nữ trong ngành này, cũng như tạo điều kiện cho phụ nữ đảm nhiệm những chức danh quan trọng hơn. Để những mục tiêu trên biến thành hiện thực, bà Sugg cho rằng: “Chúng ta còn một chặng đường dài để vượt qua những rào cản về giới trong lĩnh vực hàng không”.
Phi hành đoàn nữ của Brunei hạ cánh tại Saudi Arabia.
Yasmine al-Maynavi, người phụ nữ thứ hai được Saudi Arabia cấp giấy phép phi công nói rằng: “Lịch sử Saudi Arabia cho đến nay vẫn chưa có người phụ nữ nào đảm nhiệm vị trí của một phi công thương mại. Song, tôi vẫn hy vọng sẽ có những thay đổi về quyền và cơ hội dành cho phụ nữ ở đất nước tôi. Chính vì thế mà tôi không muốn bỏ cuộc”.
Yasmine al-Maynavi cho biết Hanadi al-Hindi chính là người truyền cảm hứng cho cô. Năm 2010, cô đến Jordan lấy giấy phép phi công tư nhân. Sau đó, đến Hoa Kỳ và nhận chứng chỉ phi công thương mại. Năm 2013, cô về nước và nhận được chứng chỉ lái máy bay do nhà nước Saudi Arabia cấp. Hiện nay, Yasmine al-Maynavi làm trong lĩnh vực an ninh hàng không nhưng cô vẫn đang chờ đợi một cơ hội được bay trên bầu trời ngay trên chính quê hương mình.
Ngày càng có nhiều cô gái đam mê "chinh phục bầu trời" gia nhập VNA và JPA .
Hiện nay, VNA có tổng 16 phi công nữ (trong đó có 5 người nước ngoài). Dự kiến, số lượng nữ phi công của VNA sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới khi ngày càng có nhiều cô gái đam mê "chinh phục bầu trời" gia nhập đội bay.
Theo PNVN