Ngược dòng thời gian vào ngày 29/5/1969, nhà sản xuất máy bay Airbus Industrie ra đời với sự tham gia của ngành công nghiệp hàng không Pháp và Đức. Trước thời điểm ấy, trong suốt hai thập niên thời hậu Thế chiến II, các công ty Mỹ bá chủ thị trường máy bay dân sự toàn thế giới nên Airbus Industrie xem như là một “chú nhóc” liều thách thức các gã khổng lồ Boeing, McDonnell-Douglas, Lockheed….
Thế nhưng Airbus Industrie đã nhanh chóng trình làng “chim sắt đầu đàn” – chiếc A300 được xem như là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực vận chuyển hàng không. Chiếc A300B được trình làng tại Pháp ngày 28/9/1972, thực hiện chuyến bay thử đầu tiên tháng 10/1972 và bắt đầu bay thương mại với Air France từ tháng 5/1974.
Chiếc Airbus A300.
A300 chính là máy bay thân rộng, hai lối đi đầu tiên tuy chỉ gắn 2 động cơ phản lực nhưng có sức chở được 270 hành khách bay xa 1.200km, rất thuận tiện cho những đường bay tầm ngắn và tầm trung. Với hai cánh lớn được thiết kế mới hoàn toàn bởi công ty Anh Hawker Siddeley, A300 có khả năng đạt cao độ nhanh hơn cũng như vận tốc bay hành trình sớm hơn nếu so với các máy bay chở khách khác thời ấy.
Không những thế nó còn là kiểu máy bay dân dụng đầu tiên có sàn cabin hành khách được nâng lên cao, tạo khoảng không gian lý tưởng chở hàng hóa ở phần bụng máy bay. Có nghĩa là nhà khai thác sẽ có thêm nguồn thu ngoài tiền vé bán cho hành khách. Nhờ chỉ có 2 động cơ thay vì 3 động cơ như các đối thủ Lockheed L-1011 TriStar và McDonnell Douglas DC-10 nên A300 có mức sinh lợi cao hơn nhờ nhẹ hơn, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.
A300 là trái ngọt sinh ra từ sự hợp tác xuyên quốc gia giữa các công ty công nghiệp hàng không Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ (động cơ của GE). Các thành phần được tập kết và ráp nối hoàn chỉnh thành máy bay giao cho khách hàng tại nhà máy lớn ở Toulouse, miền nam nước Pháp.
A300B, anh cả của nhà Airbus.
Ban đầu Airbus Industrie không bán được nhiều chiếc A300 như hy vọng vì các hãng hàng không còn ngờ vực về “khả năng bay xa an toàn” của dòng máy bay 2 động cơ phản lực. Nhưng cái phao cấp cứu xuất hiện năm 1997 khi hãng Eastern Airlines của Mỹ quyết định thuê 4 chiếc A300 khai thác trong 6 tháng. Không ngờ, thu lãi cao nên hãng này không chỉ mua 4 chiếc ấy mà còn đặt mua thêm 19 chiếc.
Một thập niên sau ngày trình làng, A300 có em nhỏ là kiểu A310 với phần thân ngắn hơn nhưng tầm hoạt động xa hơn, bay lần đầu năm 1982 và "em" to khỏe hơn là A300-600 (tối đa 345 hành khách, tầm hoạt động 5.300km) vào năm 1983. Dòng A300, chim đầu đàn của đại gia đình các dòng máy bay Airbus ngày nay còn sinh ra hai kiểu đặc biệt: gồm A300 Zero-G sử dụng trong việc đào tạo phi hành gia và A300-600ST Beluga trông như con cá, để vận chuyển cánh và các thành phần tạo nên các máy bay Airbus.
Dòng A300 ngưng sản xuất vào năm 2007 sau khi đã xuất xưởng tổng cộng 561 chiếc, trong đó còn khá nhiều chiếc vẫn bay tốt hiện nay, chủ yếu là vận chuyển hàng hóa cho các hãng phát chuyển nhanh toàn cầu UPS Airlines, FedEx Express.
Tại Đông Nam Á, cũng có nhiều hãng sử dụng dòng máy bay đầu tiên này của Airbus, chẳng hạn như Singapore Airlines bắt đầu sử dụng A300B4-200 từ năm 1980 đến năm 1985; A310-200 từ 1984 đến 2000 và A310-300 từ 1987 đến 2005. Hãng Thai Airways thì bay với A300B4 từ năm 1997 đến 1998 rồi kiểu A300-600R từ 1985 đến 2014, một thành tích đáng nể: 29 năm. Hành khách Việt rất quen với kiểu A300-600R vì được Thai Airways sử dụng nối Bangkok với Sài Gòn và Hà Nội suốt nhiều năm.
Tại Việt Nam hiện nay, tất cả chúng ta có nhiều cơ hội bay với các loại máy bay Airbus. Riêng trong đội máy bay của VNA hiện có các dòng máy bay A321, A321neo, đặc biệt là dòng máy bay thân rộng hiện đại A350-900.
Airbus tròn 50 năm, bay cùng phi đội tuần tra Pháp
Ngày 29/5/2019 qua, đánh dấu 50 năm phát triển hoàn hảo với rất nhiều sáng tạo độc đáo và trở thành nhà sản xuất máy bay lớn hàng đầu thế giới, Airbus đã có tiết mục độc nhất vô nhị.
Lần lượt lăn ra đường băng ở sân bay quốc tế Blagnac, Toulouse, Pháp, nối tiếp nhau cất cánh là 6 chiếc máy bay đại diện cho các dòng máy bay – từ nhỏ đến lớn và chuyên dụng vận tải – A220, A319neo, A330-900neo, A350-1000, A380 và Beluga XL.
Những con chim sắt này đã lập đội hình bay tuyệt đẹp trên bầu trời miền Nam nước Pháp khi có sự tham gia của Phi đội tuần tra Pháp (Patrouille de France) với các chiếc Fouga Magister.
Lễ kỷ niệm 50 năm của Airbus.
Theo thegioitiepthi.vn