Quy trình chuẩn bị nghiêm ngặt của VAECO
Để phục vụ chuyến bay đặc biệt này, VAECO đã vô cùng cẩn thận và kỹ lưỡng trong công tác chuẩn bị, rất nhiều cuộc họp, bàn bạc và chỉ đạo tới từng cá nhân được diễn ra.
Trước ngày bay dự kiến khoảng 1 tuần, toàn bộ nhân viên kỹ thuật liên quan được yêu cầu tập trung cao độ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa và kiểm tra chiếc Boeing 787. Cũng giống như các chuyến bay giải cứu, hồi hương khác, Boeing 787 được ưu tiên lựa chọn bởi đây là dòng máy bay thân rộng đời mới có thể thực hiện được những chuyến bay thẳng tới Châu Âu, với sức chứa hơn 300 hành khách bao gồm cả hạng C và hạng Y mà không cần tiếp nhiên liệu. Đặc biệt “chú chim sắt khổng lồ” này cũng đã vô cùng dạn dày kinh nghiệm trong các chuyến bay đưa công dân hồi hương tương tự.
Quy trình bảo dưỡng được thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt, một số quy trình còn được Lãnh đạo Công ty yêu cầu thực hiện tương đương như quy trình chuẩn bị chuyến bay VIP. Với kinh nghiệm đã chuẩn bị cho rất nhiều chuyến bay chuyên cơ, bay giải cứu, hồi hương trước đó, danh mục vật tư, phụ tùng và thiết bị chuyên dụng cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa đều được VAECO lên phương án và chuẩn bị kỹ càng, để có thể dễ dàng xử lý sự cố phát sinh nếu có.
Anh Đinh Thanh Mạnh, nhân viên Phòng Kiểm soát chất lượng VAECO tham gia chuyến bay dí dỏm nói: “Chúng tôi mang theo một kho vật tư để đảm bảo không thiếu sót bất kỳ thứ gì. Các trang thiết bị điện tử, lốp máy bay, phanh, điều khiển động cơ, hệ thống khởi động… đều được dự phòng đầy đủ. Tinh thần của các anh em VAECO là không để xảy ra sự cố kỹ thuật nào dù là nhỏ nhất làm ảnh hưởng đến hành trình bay. Phải đảm bảo sao cho máy bay có thể đưa bà con về đúng theo lộ trình dự kiến, không chậm trễ một phút nào!”.
Đêm 6/3, trước ngày khởi hành, các anh em kỹ thuật phụ trách chuyến bay cũng đã có một “đêm trắng” để vận hành thử chiếc Boeing 787 đồng thời rà soát thật tỉ mỉ một lần nữa các quy trình của máy bay để đảm bảo nó thật hoàn hảo khi cất cánh tới sân bay Bucharest (Romania).
Tham gia chuyến bay, 2 nhân viên kỹ thuật của VAECO cũng chịu những áp lực không nhỏ. “Trên cương vị một nhân viên kĩ thuật, áp lực dành cho chúng tôi khá nhiều vì, trong suốt quá trình bay chúng tôi phải phối hợp với tổ phi công liên tục theo dõi tình trạng sức khỏe của máy bay để có thể chủ động đưa ra phương án xử lý nếu cần thiết. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi được giao phó trong chuyến bay này” – Anh Nguyễn Sơn Tùng, nhân viên Đội Bảo dưỡng số 2 VAECO tham gia chuyến bay cho biết.
Anh Mạnh cũng chia sẻ thêm: “Nhờ có sự chu đáo, tỉ mỉ và cẩn trọng của VAECO mà suốt hành trình hơn 20h đồng hồ, máy bay vận hành trơn tru đúng như những gì vốn có của nó. Áp lực trong suốt chuyến bay nhờ đó mà cũng được giảm dần. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể ngừng lo lắng bởi chỉ khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, chúng tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”.
Những cảm xúc “đặc biệt” trên chuyến bay “đặc biệt”
“Khi nghe tin chiến sự nổ ra tại Ukraine, tôi nghĩ ngay tới những người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây. Dù không quen biết song trong người chảy chung một dòng máu của dân tộc, tôi sự thực hi vọng cộng đồng người Việt tại đây được an toàn. Và may mắn hơn nữa khi tôi biết tin VNA sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên giải cứu bà con ở Ukaine về nước” – Anh Tùng chia sẻ.
Và với anh Tùng – người đã tham gia hàng chục chuyến bay giải cứu công dân từ vùng dịch thì được tham gia chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam từ vùng chiến sự là một niềm tự hào to lớn. “Bản thân tôi cảm thấy rất tự hào khi được tham gia và đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc thực hiện sứ mệnh của VNA cũng như những chuyến bay đưa công dân Việt Nam đang ở vùng chiến sự về nước. Tôi luôn sẵn sàng tham gia các chuyến bay giải cứu tiếp theo theo phân công của Hãng”.
Lần đầu tiên được tham gia chuyến bay đưa công dân Việt từ vùng chiến sự, anh Đinh Thanh Mạnh không giấu được cảm xúc: “Khi nghe tin chiến sự thì bản thân tôi chưa cảm thấy gì nhiều nhưng nghe anh em bạn bè nói chuyện thì cũng bắt đầu thấy căng thẳng. Thế nên khi biết mình được tham gia chuyến bay đầu tiên đưa cộng đồng người Việt về nước thì tôi thực sự háo hức xen lẫn chút hồi hộp. Đó là sự háo hức khi biết bà con mình sắp được đưa ra khỏi chiến tranh, bom đạn, sự hồi hộp khi biết mình cũng sẽ được góp mặt trên chuyến bay chở bà con về với quê hương của mình”.
Với tâm thế và tình cảm như vậy, cả hai nhân viên kỹ thuật của VAECO đã đóng góp hết khả năng của mình để đảm bảo mọi điều kiện kỹ thuật tốt nhất cho chuyến bay đón công dân trở về an toàn.
Anh Tùng và anh Mạnh đã đóng góp hết khả năng của mình để đảm bảo mọi điều kiện kỹ thuật tốt nhất cho chuyến bay đón công dân trở về an toàn. (Ảnh: NVCC).
Giây phút máy bay đón được hành khách Việt Nam đầu tiên, anh Đinh Thanh Mạnh không giấu được sự bồi hồi: “Hành khách lên máy bay cũng giống như đã được trở về nhà. Nhìn thấy những nụ cười bừng sáng, rạng rỡ, sự hạnh phúc không che giấu của họ mà tôi xúc động vô cùng. Lúc này tôi lại càng thêm tự hào vì mình được làm việc tại VNA, được đóng góp vào trách nhiệm to lớn của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam”.
“Sau khi máy bay hạ cánh tại nước sở tại và đón được những hành khách đầu tiên lên máy bay, tôi cảm thấy xúc động xen lẫn niềm tự hào, cả cảm giác thân thương nữa! Cảm giác như đón người thân xa nhà lâu năm trở về vậy! Có lẽ rất nhiều người đã mỏi mệt vì bôn ba di chuyển nhiều nơi mới lên được chuyến bay ngày hôm nay. Chúng tôi nhất định sẽ cố gắng mang lại một hành trình thoải mái và an toàn nhất, như một sự chào đón nồng nhiệt nhất!” – Anh Tùng xúc động chia sẻ.
Thời gian tới, những chuyến bay đưa công dân về nước của VNA sẽ tiếp tục cất cánh, hành trình đưa những người con xa xứ trở về với quê hương vẫn sẽ được nối dài và VAECO cũng vẫn sẽ tiếp tục đóng góp hết khả năng của mình để những chú chim sắt mang “màu xanh hy vọng” luôn ở trạng thái hoàn hảo nhất, sẵn sàng cho những chuyến bay an toàn.