Tôi nhớ tối đầu tiên về khu cách ly sau một chuyến bay khá dài và căng thẳng, tôi đã thực sự ấn tượng về sự chu đáo của các y bác sĩ và nhân viên y tế tại đây, khi mỗi giường cách ly đều được đặt sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết cùng những phần ăn nhẹ.
Mỗi giường cách ly đều được đặt sẵn các nhu yếu phẩm cần thiết. (Ảnh: NVCC).
Tôi thực sự xúc động khi ngay sau đó là bữa tối nóng hổi được chính đội ngũ y bác sĩ đi cùng chuyến bay chuyển tới từng phòng, cùng những lời hỏi thăm về điều kiện sinh hoạt, và những nỗ lực khiến chúng tôi cảm thấy như được ở nhà trong những ngày sau đó.
Tôi nhớ cảm giác háo hức trước mỗi bữa ăn, cùng các đồng nghiệp của mình đoán xem hôm nay được bệnh viện “chiêu đãi” món gì, rồi lại loay hoay chụp ảnh thật đẹp để khoe trên facebook.
Những khay cơm được chế biến ngay tại Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện không chỉ đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà mỗi khay cơm đều như những bữa cơm nhà, những bữa cơm mẹ nấu.
Tôi nhớ những nụ cười sau chiếc khẩu trang của các chị điều dưỡng khi đi phát cơm, dù phục vụ hàng trăm người vẫn không quên “mời các anh ăn cơm, các anh cố ăn hết để không phụ lòng bệnh viện nhé”.
Tôi nhớ sự động viên của các y bác sĩ khi lấy mẫu xét nghiệm, tuy thao tác khó khăn trong những bộ bảo hộ vẫn luôn dặn “các anh chịu khó nhé, sẽ hơi đau một chút”. Tôi nhớ bịch trái cây của cô lao công cùng lời cảm ơn tới chúng tôi vì “các cháu đã làm những việc thật ý nghĩa”…
Tôi nhớ những lần vui mừng khi nghe tin có “thăm thân” và rối rít vẫy tay từ cửa sổ phòng mình ở tầng 8 xuống cổng sau của bệnh viện nơi người nhà đang đứng, nhớ những sự “tiếp tế” vô cùng hữu ích của các anh chị cán bộ liên đội, nhớ những lời hỏi thăm, động viên, khích lệ của lãnh đạo Đoàn Tiếp viên, của gia đình, người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Chúng tôi có thể tập trung làm những việc mà khá lâu rồi chưa có thời gian để thực hiện một cách đều đặn. (Ảnh: NVCC).
Tôi nhớ những lần phải dỗ dành, vì có rất nhiều người “dỗi” khi muốn vào thăm hoặc gửi đồ mà chúng tôi không đồng ý, vì nỗi lo sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ của họ khi phải tới một nơi có khá nhiều bệnh nhân dương tính với Covid-19.
Tôi nhớ những khoảng thời gian yên tĩnh khi cách ly, chúng tôi có thể tập trung làm những việc mà khá lâu rồi chưa có thời gian để thực hiện một cách đều đặn: luyện thi TOEIC, viết lại vài chương của giáo trình đào tạo, đọc tiểu thuyết, xem phim bộ dài tập, tập gym, chơi game, làm clip…, từ đơn giản như ăn ngủ điều độ cho đến phức tạp hơn như nghiên cứu về thị trường chứng khoán.
Tôi nhớ cả những lần hồi hộp và đau tim như đang xem một trận đá bóng của U23 Việt Nam, khi tưởng sắp kết thúc thời gian cách ly, nhưng lại được yêu cầu cách ly tập trung thêm từ 14 ngày lên 21 ngày, để làm thêm các xét nghiệm bổ sung, đảm bảo chính xác kết quả âm tính. Thậm chí ngày hôm qua, sau khi chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hành lý để về nhà, vẫn có một số trường hợp được Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương yêu cầu kiểm tra lại lần cuối trước khi “xả trại”.
21 ngày đáng nhớ với những lần hồi hộp chờ kết quả để ra về. (Ảnh: NVCC).
Sau tất cả, phi hành đoàn chúng tôi đã có một “happy ending” khi mọi người đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và được ra về sau 21 ngày “nhập môn” cách ly tập trung tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.