Chuyến bay OV8204 DIN-HAN ngày 14/10 vừa qua là lần thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên từ thành phố Điện Biên Phủ về Hà Nội. Trong lần tiếp cận cuối cùng, kết thúc bằng một pha hạ cánh hoàn hảo, máy bay lăn vào sân đỗ, ông đã được Tổng giám đốc, các lãnh đạo TCT, Đoàn bay, đồng nghiệp và gia đình chào đón, chúc mừng ngay tại chân cầu thang máy bay.
Đây là một sự tri ân của VNA dành cho người cựu Sĩ quan không quân đã dành gần 46 năm của cuộc đời gắn bó với những cánh bay. Suốt những năm công tác, Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần không nhỏ bằng hàng chục nghìn chuyến bay an toàn tuyệt đối; tâm huyết, đồng hành, gắn bó trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Hãng Hàng không Quốc gia.
Người Cơ trưởng lớn tuổi cởi mở chia sẻ về cơ duyên đến với bầu trời và những cống hiến cả cuộc đời cho ngành hàng không dân dụng của ông. Năm 1973, từ một chàng học trò cấp III ở phố thị Tuyên Quang, trong một dịp chiêu sinh của Quân chủng Không quân về ngay tại trường, ông đã qua hết các vòng khám tuyển, trúng tuyển vào khóa 10 của Dự khóa Không quân. Điều đặc biệt, ghi dấu ấn với ông và các đồng đội vì đây chính là khóa I – khóa đầu tiên Trường Sỹ quan Không quân hoàn toàn tự chủ, độc lập, đào tạo sỹ quan lái máy bay trong nước bằng chính những người thầy là Sỹ quan Không quân Việt Nam. Hoàn thành khóa đào tạo, năm 1977, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của quân đội và sự phân công của tổ chức, ông tiếp tục chương trình huấn luyện lái máy bay vận tải tại Trường Hàng không Việt Nam để bắt đầu cho sự nghiệp phát triển hàng không dân dụng nước nhà.
Những hình ảnh cách đây hơn 40 của Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên khi ấy ông là là học viên dự khóa bay Trường Sỹ quan Không quân (Ảnh: NVCC).
Ông cười, cho rằng, mình có một phần may mắn vì đã được “nghề chọn người”, vì trước đó, cậu học trò Tuyên Quang 18 tuổi – là ông khi chạm ngõ bầu trời – không hề có một chút tơ tưởng gì đến những cánh bay, đến sự bôn ba đây đó vượt ra khỏi tỉnh nhà, cũng có thể vì khi ấy, máy bay và ngành hàng không quá xa vời đối với phần đông người Việt. Ông tâm đắc cả cuộc đời với “mối lương duyên” đó vì cho đến ngày hôm nay, ông vẫn yêu nghề tha thiết và thật sự tự hào với sự nghiệp người lái máy bay của mình: Đã từng cầm lái 5 loại máy bay, tích lũy 23.500 giờ bay với hơn 20 nghìn chuyến bay an toàn tuyệt đối.
Vị cơ trưởng không dấu được niềm tự hào, không thể không hãnh diện, đó là suốt quá trình công tác của mình, ông chưa để chậm giờ bất cứ chuyến bay nào trong hơn 20 nghìn chuyến bay đã thực hiện dù chỉ là 1 phút. Đặc biệt, luôn nêu cao tinh thần của một cựu Sĩ quan Không quân, ông luôn xung phong nhận nhiệm vụ, không bao giờ từ chối các nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt và có tính chất khó khăn nào.
Gần 50 năm cống hiến bằng các chuyến bay như thoi đưa trên khắp mọi vùng trời của đất nước, sau lần thực hiện nhiệm vụ lần cuối của người phi công, Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các đồng nghiệp ở mọi vị trí đã hỗ trợ, hiệp đồng với ông rất tốt, để ông và những phi công có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
“Tôi xin gửi lời cảm ơn và sự yêu quý tất cả các bạn, những đồng nghiệp trong ngành trên không và phục vụ mặt đất. Cảm ơn quân đội và VNA đã trao cho tôi nghề nghiệp và cơ hội làm công việc mà tôi yêu thích trong đời. Cảm ơn các đồng nghiệp phi công ATR-72 nơi tôi gắn bó 23 năm qua, các bạn đã thực sự là gia đình thứ hai của tôi”.
Trong hàng loạt những bình luận tràn ngập trên trang nội bộ, facebook… các đồng nghiệp Đoàn bay, VNA cũng dành những lời chúc ấm áp, tốt đẹp nhất để chúc mừng, ca ngợi ông như một phi công điển hình, mẫn cán, tận tụy, phục vụ với sự chuyên nghiệp cao nhất.
Ông rất xúc động trước tình cảm mọi người dành cho mình, ông chia sẻ, đối với một người phi công hàng không dân dụng, bay không chỉ là cách đơn thuần thực hiện nhiệm vụ, không chỉ là thỏa niềm yêu thích và tận hưởng cảm giác có một không hai đến từ việc ngắm nhìn thế giới chìm dần dưới cánh của bạn. Đó là mỗi chuyến bay người phi công phải tập trung cao độ nhất cho an toàn, tất cả tình yêu và nhiệt huyết và đam mê đều là mục đích để phục vụ một chuyến bay an toàn. Thương hiệu quốc gia và sự hài lòng, tin tưởng của hành khách là niềm cảm hứng bất tận của người phi công. Ông luôn cảm thấy nhất định phải chia sẻ, truyền lại nguồn cảm hứng bất tận ấy với bất kỳ ai lắng nghe, đó là con cháu trong nhà, là bạn bè, là những đồng nghiệp trẻ của ông. Là người viết bài này, tôi đã thật may mắn khi được lắng nghe những điều ấy.
…Nơi đó, ông ghi dấu ấn với các đồng nghiệp trẻ của mình là một phi công cần mẫn, tận tụy, yêu nghề, được mọi người yêu quý (Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đức Atr72).
Vị cơ trưởng cầm lái những chiếc ATR-72 gần ¼ thế kỷ, ông có một tình cảm đặc biệt với những chiếc máy bay này. Trước những năm 1990, ông đã từng lái máy bay phản lực, ông cho biết, hiện nay, các máy bay phản lực đều được tự động hóa rất cao. Nhưng với những chiếc máy bay cánh quạt ATR-72, trong một số tình huống, người phi công có thể có cách điều khiển trực tiếp hơn, linh hoạt hơn, trực quan hơn, không máy móc. Nó có nghĩa là người phi công sẽ thực sự làm việc với những điều cơ bản với tư cách là một người lái máy bay.
23 năm cầm lái những chiếc máy bay ATR-72, Đội bay như một ngôi nhà thứ hai của ông. Nơi đó, ông ghi dấu ấn với các đồng nghiệp trẻ của mình là một phi công cần mẫn, tận tụy, yêu nghề, được mọi người yêu quý. Ông tâm sự: “Tôi luôn nghĩ mình chỉ là một phi công trân trọng nghề, yêu nghề, cống hiến hết mình cho nghề, cho Hãng hàng không Quốc gia và điều ấy khiến tôi hạnh phúc. Bởi vì tôi biết rằng, nếu ta đã yêu và đối xử tốt, trân trọng với ai, hoặc điều gì đó, thì đó là di sản, là nhân quả của chúng ta. Tôi muốn đó là di sản, là điều mà mọi người sẽ nhớ về tôi. Điều đó vô cùng ý nghĩa với tôi lúc này, khi xách cặp bay, rời sân bay về ngôi nhà ấm cúng của mình, bước sang tuổi 66”.
Chia sẻ về việc giữ sức khỏe để có thể theo được với nghề cho đến 65 tuổi, ông cho rằng, đã theo nghề lái máy bay, ai cũng hiểu rằng sức khỏe là một trong những điều kiện tiên quyết, ở lứa tuổi sau 60 của ông lại càng quan trọng. Bản thân ông đã xác định sẽ rèn luyện, tập thể dục cả đời, ngay kể từ khi bắt đầu vào không quân. Ông hào hứng kể lại các kỷ niệm khi còn trẻ đã tham gia các giải đấu bóng rổ của đội tuyển Trường Sỹ quan Không quân và các sở thích thể thao mà ông vẫn tập luyện hàng ngày.
Để luôn giữ sức khỏe tốt, thể lực đảm bảo để có thể vượt qua các kỳ kiểm tra y tế 6 tháng một lần lấy chứng chỉ sức khỏe đủ điều kiện bay khai thác, ngoài thói quen của ông là bơi và chạy bộ mỗi ngày, ông luôn duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, có lựa chọn bổ sung thực phẩm chức năng và các vitamin cần thiết cho cơ thể, phù hợp độ tuổi… Ông tự tin khoe rằng, ở những lần kiểm tra y tế định kỳ gần đây nhất, các chỉ số sức khỏe của ông đều tốt, phù hợp với nghề.
Giám đốc Cảng HK Điện Biên và các nhân viên sân bay mặc lễ phục dân tộc Thái chúc mừng Cơ trưởng trước khi thực hiện nhiệm vụ chuyến bay OV8204 DIN HAN ngày 14/10 (ảnh trái). Cán bộ an ninh cửa khẩu sân bay Nội Bài tặng hoa Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên sau chuyến bay hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng của người phi công (ảnh phải). (Ảnh: Duy Anh).
Ông cười cho rằng, ông bắt buộc phải nghỉ bay do đến tuổi nghỉ hưu theo luật định đối với người phi công, chứ về sức khỏe ông vẫn đảm bảo các điều kiện của nghề lái máy bay. Sắp tới, ông sẽ vẫn duy trì thực hiện các thói quen luyện tập thể thao, giữ gìn sức khỏe; sẽ dành thời gian cho gia đình, cùng bà xã đi ngao du sơn thủy và ông chắc chắn là với những dự định đó, sau khi nghỉ bay, chắc chắn ông sẽ vẫn luôn bận rộn không ngừng nghỉ.
Ông chia sẻ bức ảnh chụp chuyến bay cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu và ông có vinh dự được Hãng bố trí người thân ra tận chân cầu thang chào đón. Ông tự hào khi rất nhiều các con, cháu trong nhà, sau khi có chủ trương xã hội hóa đào tạo phi công và tiếp viên của VNA đã tự tin, tự lực, học tập, phấn đấu nối bước chân ông với tư cách là những phi công, tiếp viên và thành viên của VNA.
Ông tự hào khi rất nhiều các con, cháu trong nhà, sau khi có chủ trương xã hội hóa đào tạo phi công và tiếp viên của VNA đã tự tin, tự lực, học tập, phấn đấu nối bước chân ông với tư cách là những phi công, tiếp viên và thành viên của VNA. (Nguyễn Bá Duy Anh A321).
Có mặt trong buổi chào đón, chúc mừng chuyến bay cuối cùng của Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên, con trai ông, Cơ phó Đội bay A350 Nguyễn Tuấn Lâm xúc động chia sẻ: Tôi rất biết ơn VNA và tổ bay OV8204 DIN HAN ngày 14/10 vì đã khiến chuyến bay cuối cùng của bố tôi trở nên đáng nhớ đối với cả ông và gia đình tôi. Và, cuối cùng, tôi rất biết ơn bố tôi, vì tình yêu bay mà ông đã chia sẻ với tôi từ rất lâu và tiếp tục chia sẻ với tôi ngày hôm nay. Con chúc mừng sinh nhật bố”.
Tạm biệt cựu Sĩ quan Không quân, Cơ trưởng Nguyễn Đình Tuyên – Người phi công đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho VNA, xin chúc ông luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục thực hiện những dự định sau tuổi 65 của mình!