Tiếp nhận đội tàu bay A321neo, B787-10: Sẵn sàng cho cao điểm hè
Tháng 11/2018,VNA chính thức chào đón máy bay thế hệ mới Airbus A321neo gia nhập đội bay trong “trạng thái hoàn hảo nhất”, như cách nói của các anh em Phòng Kỹ thuật máy bay.
Airbus A321neo là thế hệ máy bay hiện đại, được đánh giá cao với tiện nghi vượt trội và khả năng tiết kiệm nhiên liệu lên đến 15%. Hệ thống giải trí không dây (wireless streaming) được trang bị cho đội bay A321neo cung cấp các chương trình phim ảnh và âm nhạc, hứa hẹn đem đến cho hành khách những trải nghiệm mới mẻ.
Nhưng để có được sự hoàn hảo này ít ai biết đằng sau đó là cả một quá trình làm việc vất vả và kỹ lưỡng của các kỹ sư kỹ thuật. Chia sẻ về “hậu trường” câu chuyện, anh Nguyễn Văn Tứ, Trưởng phòng Kỹ thuật máy bay cho biết: “Ngay từ giai đoạn đầu của dự án, anh em phòng Kỹ thuật máy bay đã phải trực tiếp sang làm việc với nhà sản xuất của Airbus tại Đức, xem xét từ vấn đề thiết kế, lắp ráp hoàn thiện. Điều chỉnh những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo phù hợp với quá trình vận hành của VNAcũng như môi trường khai thác tại Việt Nam. Do đó, khi tàu bay mới A321neo về đến Việt Nam mới có được sự hoàn hảo như vậy”.
Sau khi tiếp nhận thành công đội tàu bay A321neo, các thành viên Phòng Kỹ thuật máy bay lại bắt tay vào nhiệm vụ mới. “Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi hiện nay là tiếp tục tìm biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, sau đó là thực hiện các cải tiến kỹ thuật (SB/ Modifications) cho toàn bộ đội tàu bay mới A321neo nhằm nâng cao độ tin cậy để sẵn sàng khai thác”, anh Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm.
Chạy đua với nhiệt độ của mùa hè, với số lượng hành khách tăng cao, các thành viên Phòng Kỹ thuật máy bay cũng đang nỗ lực hết mình để nâng chỉ số máy bay sẵn sàng khai thác (ARL), để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách hàng.
Nói về kế hoạch công việc 6 tháng cuối năm, anh Tứ cho biết: “Phòng sẽ nỗ lực để đảm bảo cho toàn bộ đội tàu bay của hãng khai thác thành công đợt cao điểm phục vụ hè. Hiện tại, anh em trong phòng cũng đang tham gia việc tiếp nhận tàu bay B787-10 để đưa vào khai thác trong tháng 8 tới. Sau đó là tiếp nhận 11 tàu A321neo, tiến hành kiểm tra, xử lý các vấn đề kỹ thuật đáp ứng các điều kiện hợp đồng để bán và trả các tàu A330, A321ceo”.
Công tác rà soát các chương trình kỹ thuật chuẩn bị mùa cao điểm. (Ảnh: Phòng KTMB).
Trực chiến mọi lúc, mọi nơi
Người ta vẫn thường nói về nghề “kỹ sư máy bay” bằng một câu rất ngắn gọn nhưng thấm vô cùng: “Đó là nghề mà những ngày lễ Tết cả nhà sum vầy chỉ thiếu mình bố”. Bởi, Tết với mọi người là dịp nghỉ ngơi, đoàn tụ thì với những người làm hàng không nói chung và với kỹ sư kỹ thuật máy bay đó lại là lúc công việc “căng” nhất. Bởi đơn giản “ngay cả Tết thì máy bay cũng đâu có ngừng bay”.
Trò chuyện với các thành viên Phòng Kỹ thuật máy bay mới biết phòng Kỹ thuật máy bay tuy ở HDQ nhưng hoạt động như một đơn vị tuyến trước, nên có bất kỳ vấn đề phức tạp nào liên quan đến trình trạng kỹ thuật máy bay, các anh đều trực tiếp tham gia xử lý.
Theo chia sẻ của anh Tứ, “Trong cao điểm Tết, mỗi ngày trung bình có khoảng 500 chuyến bay, nhưng lực lượng kỹ thuật luôn đảm bảo phối hợp với các bộ phận liên quan hoàn thành đúng tất cả các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh mà TCT đề ra. Trong suốt thời gian cao điểm Tết, các kỹ sư của phòng luôn căng mình ra làm việc như tất cả lực lượng tuyến trước”.
Ngay với tàu bay A321neo, các kỹ sư của phòng Kỹ thuật máy bay cũng từng có một kỷ niệm đáng nhớ trong việc xử lý sự cố dừng tàu ở Pakistan vào tháng 2/2019. Khi nhận được thông tin sự cố, Phòng Kỹ thuật máy bay đã cử một đoàn công tác sang tận nơi để sửa chữa tàu bay cùng các chuyên gia của nhà sản xuất Airbus và Pratt &Whitney. Đó cũng là thời điểm mà Ấn Độ và Pakistan đang trong tình trạng leo thang xung đột biên giới vô cùng căng thẳng.
Công việc của các kỹ sư kỹ thuật máy nhiều vất vả và cả những hiểm nguy nhưng cũng có không ít niềm vui và đáng để tự hào. “Tôi vẫn nhớ, trong một lần sửa chữa máy bay, có một nội dung thay thế động cơ GTF lần đầu tiên của tàu bay A321neo tại Việt Nam, đối tác nước ngoài dự kiến thời gian xử lý phải mất 2 tuần. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ mất có 7 ngày để hoàn tất, đến các kỹ sư của nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney cũng bày tỏ sự thán phục”, anh Nguyễn Chiến Thắng – Trưởng Ban KT kể lại.
Đoàn công tác giải cứu tàu bay A321 NEO ở Pakistan. (Ảnh: Phòng KTMB).
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó (đảm bảo kỹ thuật, đảm bảo khả phicủa toàn bộ các đội tàu bay khai thác hàng ngày cũng như trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, cao điểm hè…), Phòng Kỹ thuật Máy bay vừa được TCT tuyên dương và khen thưởng 100 triệu đồng trong chương trình sơ kết 6 tháng đầu năm.
Một thành công mà phòng Kỹ thuật máy bay được ban lãnh đạo TCT đánh giá rất cao đó là góp phần hỗ trợ giảm được chỉ số OCR (chỉ số quá hạn định kỳ tàu bay) một cách rõ rệt và bền vững. “Trước đây, OCR của VNA có những thời điểm cao trên 10%, đến nay, nhờ nỗ lực của tập thể CBNV khối kỹ thuật, sự phối hợp đồng bộ giữa Ban Kỹ thuật và Ban Vật tư cùng VAECO, chỉ số này đã giảm trong 3 năm liên tiếp và hiện nay đã xuống chỉ còn 0,3%, mức giảm rất đáng tự hào”, anh Tứ chia sẻ.
Phòng Kỹ thuật máy bay và khối Kỹ thuật nói chung cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm chi phí khai thác cho hãng thông qua các biện pháp tiết kiệm lượng dầu khi vận hành máy bay. Phòng cũng đưa ra các phương án giúp tối ưu hóa quá trình khai thác, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các hỏng hóc, bảo dưỡng tăng cường, nâng cấp cải tiến thiết bị… nhằm nâng cao độ tin cậy cất cánh của đội tàu bay. Theo đánh giá của anh Tứ thì “độ tin cậy của VNA fleet hiện đang ở top cao trên thế giới”.
Phòng KTMB