Hơn cả công việc của một tiếp viên

Suốt cả chuyến bay, mỗi khi xong việc, cô tiếp viên trẻ lại có mặt bên chiếc nôi, khi thì đùa với em bé, lúc nói chuyện với người mẹ trẻ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chuyến bay VN36 từ Frankfurt (Đức) về Hà Nội vừa cất cánh, trong khoang khách, tiếng trẻ em khóc đã vang lên. Tiếng khóc ngày càng to, có lẽ do bị đau tai vì thay đổi áp suất đột ngột trên máy bay. Người mẹ trẻ cứ loay hoay nâng nựng em bé nhưng tiếng khóc vẫn không ngớt.

“Chị chịu khó nút tai em bé lại, con sẽ bớt đau tai hơn. Cố gắng cho con bú bình hoặc bú sữa mẹ trong lúc này chị nhé. Khi máy bay đạt được độ cao, bay bằng, em sẽ mang nôi ra để chị đặt bé lên, em bé sẽ thoải mái hơn”, một giọng nữ nhẹ nhàng vang lên.

Lúc này, trước mặt tôi là một nữ tiếp viên trong bộ áo dài màu xanh đang mỉm cười, nựng nựng em bé.

Đúng là sau khi làm theo hướng dẫn, tiếng khóc cũng bớt dần, thay vào đó là lời cảm ơn rối rít của người mẹ trẻ.

Bẵng đi một khoảng thời gian, sau khi bữa ăn trưa được phục vụ, đứa bé lại khóc không ngớt. Trước mặt tôi lúc này là hình ảnh nữ tiếp viên đang bế em bé trong tay, cưng nựng em bé trong khi người mẹ trẻ đang pha sữa. Tiếng khóc bớt dần, thay vào đó là tiếng cười giòn tan. Cứ như thế, suốt cả chuyến bay, mỗi khi xong việc, cô tiếp viên trẻ lại có mặt bên chiếc nôi, khi thì đùa với em bé, lúc nói chuyện với người mẹ trẻ, thời gian như ngắn lại. Rất tiếc là tôi đã không chụp một kiểu ảnh để lưu lại hình ảnh thật đẹp lúc đó.

Sau những thông tin được đăng tải trên báo Giao thông, TTNB đã tìm hiểu và được biết, tiếp viên hỗ trợ khách trên chuyến bay là Dương Thu Cúc 1. Chia sẻ về việc làm ấm áp trên chuyến bay VN36, tiếp viên Thu Cúc nói rằng: “Vì mình cũng là một người mẹ nên mình thấu hiểu được nỗi vất vả của các mẹ khi con còn nhỏ mà đã phải di chuyển xa đến 1/4 vòng trái đất như vậy. Thế nên, việc mình bế hộ em bé cho mẹ là một hành động hết sức bình thường. Mình luôn làm việc trên máy bay bằng tất cả sự tận tâm và tận lực đối với cái tâm làm nghề, và luôn xuất phát từ lợi ích cũng như sự thoải mái cho hành khách. Mình cũng không nghĩ tới hành động của mình đã để lại một ấn tượng tốt như vậy trong lòng hành khách, góp phần làm tốt lên cho hình ảnh chung của hãng. Trong chuyến bay, em bé rất ngoan và đáng yêu. Thỉnh thoảng mình vẫn kiểm tra xem gia đình em bé có nhu cầu gì thêm để có thể trợ giúp một các nhanh nhất. Chuyến bay kết thúc tốt đẹp và mình cũng như toàn thể các bạn tiếp viên đều vui vẻ vì các hành khách đã hài lòng về chuyến bay”.

Cũng theo chia sẻ của tiếp viên Thu Cúc, trước đó gia đình em bé được sắp xếp ngồi ở hàng ghế 15A, tuy nhiên đây là vị trí không lắp được nôi cho em bé sau khi cất cánh. “Xuất phát từ suy nghĩ hành khách sẽ phải bế em bé trong suốt chuyến bay dài gần 11 tiếng đồng hồ là một việc hết sức khó khăn và vất vả. Trong quá trình đợi các hành khách ổn định chỗ ngồi, mẹ của em bé cũng liên hệ với mình và trình bày về việc đổi chỗ. Mình đã hết sức hỗ trợ để gia đình đổi được chỗ, và rất may với sự hợp tác của các hành khách khác em bé đã có một chỗ nằm thoải mái trong suốt chuyến bay dài, và mẹ bé cũng đỡ vất vả hơn trong quá trình chăm sóc bé”.  

Tiếp viên Dương Thu Cúc 1 (bên phải) cùng đồng nghiệp trên một chuyến bay. (Ảnh: Fb nhân vật).

Các tiếp viên hàng không ngoài việc học và thực hành quy trình phục vụ ăn, uống, xử lý trong những tình huống khẩn cấp, cả với những công việc không được huấn luyện, không được yêu cầu như bế con giúp hành khách, họ vẫn đang làm rất tốt, vì tình yêu với nghề, vì tình người.

Hãy hiểu tiếp viên, hiểu công việc của họ, hiểu những áp lực mà họ phải đối diện để thấy những nụ cười mà họ luôn nở trên môi trước hành khách mới đáng quý biết bao.

Theo báo Giao thông

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.