Hãy vững tâm, tất cả chúng ta sẽ vượt qua

“Hãy vững tâm, tất cả chúng ta sẽ vượt qua” đó là lời khích lệ tinh thần mỗi buổi sáng tôi được nghe từ các y bác sĩ trong khu điều trị F0.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đây là lần đầu tiên tôi phải nhập viện điều trị nội trú vì một căn bệnh. Từ ngày nhập viện tới tận lúc bước chân ra khỏi cổng bệnh viện, tôi đã đi hết từ bất ngờ này, sang bất ngờ khác. Chuyến hành trình điều trị covid dài ngày thật sự là một trải nghiệm không thể nào quên đối với bản thân tôi. Và, tôi sẽ kể cho các bạn:

Tôi được phát hiện nhiễm covid trong đợt tầm soát cộng đồng lần thứ 3 của tổ dân phố. Việc tự lấy mẫu, dùng que chọc sâu vào mũi mang đến cảm giác đau nghiến, buốt toàn đầu hệt như lời mọi người kháo nhau trên mạng xã hội. Tôi hồi hộp nhỏ từng giọt mẫu vào que thử: một vạch… rồi hai vạch. Tôi sững người lại, không dám tin vào hình ảnh trước mắt. Bởi trong suốt thời gian gần đây, tôi không tiếp xúc trực tiếp bất kỳ ai. Sau vài phút bất thần, tôi liên hệ sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, sử dụng Zalo Connect – ứng dụng giúp tôi để tìm kiếm sự hỗ trợ về thuốc, thực phẩm cho những ngày sắp tới.

Đêm đầu nhập viện, tôi nhịn đói

Đúng vậy. Thời gian bắt đầu xác định được mình là F0 đến lúc vào được viện chứa đựng đầy sự lo sợ, lúng túng và bất ổn trong lòng. 6 giờ 30 tối, tôi cùng chiếc ba lô quần áo, có mặt tại bệnh viện. Quá bận rộn với thủ tục, cuộc gọi, tin nhắn từ cả người quen lẫn người không quen, tôi thực sự đã quên cả việc ăn tối. Chỉ khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm, tôi mới chợt nhận ra điều đó, mà lại không kịp mang theo đồ ăn gì.

 Người đã mỏi nhừ trên giường, kèm theo các đợt ho liên hoàn, tôi quyết định uống nước và ngủ lấy sức dậy ăn sáng sớm. Những ngày sau đó, tôi đã quen hơn với nhịp sống ở khu điều trị, cùng những bệnh nhân F0 khác và hình ảnh các bác sĩ áo trắng, áo xanh chạy qua chạy lại liên tục. Đặc biệt, tôi không bỏ bất kỳ bữa ăn nào, bởi tôi biết: có thực mới vực được sức chiến đấu chống con covid.  

Bạn cùng phòng: Những đứa trẻ mạnh mẽ 

Trải qua một tuần, phòng tôi có thêm một gia đình gồm hai vợ chồng, hai em nhỏ đều là F0. Tôi không thể tưởng được con virus covid bé tí mà quái ác này khiến cơ thể người suy kiệt nhanh tới thế: chỉ hai ngày sau khi nhập viện, người mẹ và người bố đều bị suy hô hấp, phải thở oxy liều cao và được chuyển thẳng tới phòng điều trị tích cực; còn anh con trai lớn lớp 5 và bé gái mẫu giáo của gia đình đó thi nhau sốt đến 39-40oC. 

Trong những ngày cả bố mẹ đều nằm tại khu điều trị tích cực, hai em chưa từng cãi nhau hay có một tiếng chành chọe, chứ chưa nói tới khóc. Chúng rất ngoan: tự chơi, tự ăn, tự bảo nhau phải lên hỏi han bố mẹ, nhắc bác sĩ để ý tới bố mẹ chúng thêm. Đứa anh rất ra dáng con trưởng khi phải vừa chăm em, vừa chăm cả bố mẹ. Là người chứng kiến điều này hằng ngày, tôi thấy có thêm thật nhiều động lực để sống tích cực hơn.  

alt text
Hai đứa trẻ (trong gia đình F0) tự chăm nhau trong khi bố mẹ điều trị tích cực (Ảnh: Hoàng Sơn).

Cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam 

Chuỗi ngày ở viện, chúng tôi cũng rất hứng khởi khi được theo dõi và cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong vòng loại World Cup 2022. Đây được xem như món ăn tinh thần thú vị hiếm hoi, dậy lên khí thế của tất cả mọi người. Bởi vì với thời gian 24/7 không ra ngoài, chúng tôi hằng ngày chỉ có lướt báo, đọc sách, trò chuyện online với người thân, bạn bè, thi thoảng hỏi thăm sức khoẻ của những bệnh nhân F0 khác. 

alt text
Mọi người rất hào hứng cổ vũ đội tuyển tại World Cup 2022 (Ảnh: Hoàng Sơn).

Khoảng sân đón bình minh

“Bạn hãy biết ơn cuộc sống vì được thấy ánh bình minh của ngày hôm sau”. Đó là một câu nói tôi cực kỳ tâm đắc. Nó càng ý nghĩa hơn đối với mỗi bệnh nhân Covid. Bởi liều thuốc hữu hiệu nhất là liều thuốc tinh thần. Bạn cần có niềm tin, nghị lực và mong ước sống để trở về với gia đình. 

Ở đây, tôi đã chứng kiến nhiều người trẻ nằm kiệt sức thở oxy trên giường. Tiếng vỗ lưng bồm bộp, tiếng thúc giục người bệnh cố tự thở, cai oxy của các điều dưỡng vang vọng mỗi sáng chiều. Tôi thấy mình thật may mắn vì được ra ngoài khoảng sân phơi đón ánh bình minh; tắm nắng; hít thở trọn vẹn bầu không khí trong lành và tĩnh lặng ít ỏi. 

alt text
Khoảng sân phơi-nơi tôi đón những tia nắng sớm và cũng là nơi tôi được tiếp thêm hy vọng mỗi ngày (Ảnh: Hoàng Sơn).

Những đêm khó ngủ làm bạn với ánh trăng rằm

alt text
Đêm trắng và ánh trăng rằm (Ảnh: Hoàng Sơn).

Với căn bệnh Covid này, bệnh nhận có khả năng chuyển biến nặng nhanh nên họ cần được theo dõi thường xuyên. Bên cạnh, đối diện tôi đều có các bệnh nhân thở oxi. Nhìn chiếc mặt nạ to đùng, những chiếc ốn loằng ngoằng đem oxi tới níu giữ sự sống cho họ, tôi sợ, tôi run vì tôi không biết mình có bị như thế không.

Ngày cũng như đêm, những chiếc đèn tuýp làm căn phòng sáng chưng. Dù có che nệm hay lấy miếng bịt mắt để che bớt đi ánh sáng cho dễ ngủ nhưng nhiều đêm, tôi không tài nào chợp mắt.

Những đêm không ngủ được, tôi lại ra khoảng sân tập thân thuộc, đi bộ loanh quanh cho thoải mái; hay chỉ đơn giản là ngắm trăng. Ánh trăng rằm đã trở thành người bạn thân tự bao giờ: lắng nghe mọi âu sầu, lo lắng của tôi.

Ngày trở về

Cuối cùng, mọi sự cố gắng của tôi trong quãng thời gian dài đằng đẵng tại khu điều trị đã kết thúc. Tôi được xuất viện và về nhà tự cách ly y tế. Tôi không giấu nổi niềm vui mừng, hạnh phúc này. Tôi cảm giác như mình được sinh ra thêm một lần nữa. 

Trải qua gần một tháng điều trị covid, tôi mới thấu được nỗi khổ của những bệnh nhân phải đi điều trị nội trú dài ngày: những thiếu thốn trong sinh hoạt, những lúc tủi thân do không được người nhà thăm nom, những ngày mòn mỏi chờ khỏi bệnh…Tôi càng trân quý cuộc sống này hơn. Tôi dặn mọi người trong phòng hãy cố lên, hẹn gặp lại mọi người ở bên ngoài. 

alt text
Ngày trở về, tôi mừng rõ như được sinh ra thêm lần nữa (Ảnh: Hoàng Sơn).

Cuối cùng, tôi chúc các anh/chị/em đồng nghiệp VNA luôn vững tâm, tích cực để một ngày không xa chúng ta trở lại bầu trời thật mạnh mẽ.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.