Đồng hành cùng chiến dịch hạn chế rác thải nhựa “Green Planet“, các VNA-er cũng đang hưởng ứng tích cực lối sống không rác thải bằng những hành động thiết thực mỗi ngày. VNA Spirit xin giới thiệu đến các bạn những bí quyết “zero waste” của chị Trần Minh Trang – Ban ATCL.
Chị Trần Minh Trang – Ban ATCL. (Ảnh: NVCC).
Tôi rất vui mừng vì VNA đã thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề môi trường thông qua các hành động cụ thể của chiến dịch “Zero waste”, trong đó đặc biệt là hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. VNA là hãng hàng không lớn nhất Việt Nam và là hãng hàng không hàng đầu trong khu vực, vì vậy việc đi đầu xu hướng giảm thiểu rác thải để bảo vệ môi trường là một việc vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, chiến dịch này của VNA vẫn chưa được truyền thông rộng rãi tới chính những thành viên trong nội bộ VNA dẫn đến việc người lao động không hiểu về chính sách bảo vệ môi trường của VNA và chưa có ý thức thay đổi hành động của bản thân để sống xanh và thân thiện với môi trường hơn. Có thể thấy, ngay trong quá trình làm việc hàng ngày, nhiều CBNV vẫn chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Nhiều người vẫn sử dụng giấy, mực in một cách lãng phí hay để điều hòa, đèn, quạt, máy tính hoạt động khi không có nhu cầu. Việc sử dụng chai nước nhựa dùng 1 lần còn rất phổ biến tại văn phòng cũng như trong các cuộc họp.
Chương trình “Zero Waste” muốn đạt được hiệu quả thì cần phải truyền thông mạnh từ trong nội bộ. VNA nên xây dựng các chương trình để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong chính nhân viên VNA, ví dụ như:
• Tiến hành đặt cây nước trong toàn bộ phòng họp, không sử dụng chai nước nhựa dùng một lần.
• Thiết kế bình nước thương hiệu VNA và phát cho nhân viên dùng khi đi làm, đi chơi cũng như khi họp. Việc này vừa giảm thiểu một lượng rác thải nhựa rất lớn vừa góp phần quảng bá hình ảnh của VNA.
• Xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao ý thức của người lao động trong việc sử dụng điện, quạt, điều hòa, giấy in tại TCT.
• Phát động các phong trào thi đua giảm thiểu đồ nhựa như hạn chế sử dụng túi nilon.
• Phát động các cuộc thi về bảo vệ môi trường giữa các đơn vị như thi ảnh, vẽ tranh, thi kiến thức.
Mỗi thành viên trong VNA đều có thể trở thành 1 kênh truyền thông vô cùng hiệu quả vì vậy nếu CBNV biết và hiểu về chính sách bảo vệ môi trường của VNA cụ thể hơn đồng nghĩa với việc hình ảnh về một hãng hàng không quan tâm và thân thiện với môi trường sẽ đến với khách hàng nhiều hơn.
Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc quan trọng nhất trong hoạt động bảo vệ môi trường là “giảm thiểu”. Hiện nay, xu hướng tìm kiếm các sản phẩm thay thế đồ nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đang rất phổ biến. Tuy nhiên, tất cả mọi hoạt động sản xuất đều tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và phát sinh khí thải, rác thải ra môi trường. Việc thay thế túi nilon bằng túi giấy, ống hút nhựa bằng ống hút tre hay thìa dĩa nhựa bằng thìa dĩa gỗ cũng không đóng góp nhiều cho môi trường nếu như những món đồ đó chỉ được sử dụng một lần rồi vứt đi.
Thường xuyên mang túi cá nhân khi đi mua đồ và mang hộp để đựng mỗi khi ra ngoài mua dồ ăn để giảm thiểu túi nilon và hộp xốp. (Ảnh: NVCC).
Đối với tôi, thứ tự ưu tiên trong các hoạt động để bảo vệ môi trường sẽ là:
– Refuse: Từ chối các sản phẩm không thực sự cần thiết trong cuộc sống đặc biệt là các sản phẩm có nhựa dùng một lần như trà sữa, ống hút, hộp xốp đựng đồ ăn, túi nilon… Mỗi người đều có thể góp phần bảo vệ môi trường qua những hành động rất nhỏ hằng ngày như không lấy ống hút khi đi uống nước ngoài hàng, không lấy túi nilon khi đi mua sắm. Bản thân tôi luôn để sẵn những chiếc túi vải trong cốp xe để sử dụng mỗi khi đi mua đồ và không phải lấy thêm túi của cửa hàng.
Luôn mang theo bình nước cá nhân để không dùng chai nước nhựa 1 lần. (Ảnh: NVCC).
– Rethink and Reduce: Trước khi mua một sản phẩm gì đó hãy suy nghĩ thật kỹ xem mình có thực sự cần hay không. Tiêu dùng tiết kiệm, vừa đủ với nhu cầu và cố gắng giảm thiểu việc mua sắm những đồ dùng không cần thiết.
– Phân loại rác thải: Trong hoạt động sinh thoạt thông thường của gia đình hay văn phòng làm việc, chủ yếu phát sinh rác thải thông thường, tuy nhiên vẫn có một vài loại rác thải nguy hại cần được phân loại và xử lý riêng nếu không sẽ rất độc hại cho môi trường. Gia đình tôi vẫn có riêng hộp để chứa pin thải, rác điện tử và sau đó chuyển tới các nhóm chuyên thu gom chất thải nguy hại và xử lý như Việt Nam tái chế, Green life… Ngoài ra, với một số loại rác thải có thể tái chế hay tái sử dụng thì gia đình tôi cũng sẽ phân loại riêng.
Phân loại riêng pin thải để chuyển đến các đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại/ Rửa và gom vỏ hộp sữa sau khi uống để chuyển đến các đơn vị có khả năng tái chế. (Ảnh: NVCC).
– Ưu tiên sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, bao bì thân thiện với môi trường để giảm thiểu hóa chất và rác thải khó phân hủy ra môi trường.
Ngoài ra, tranh thủ các kỳ nghỉ và cuối tuần, tôi có sở thích dành thời gian cho các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu thiên nhiên hoặc bảo tồn động vật hoang dã. Đó cũng là cách tang cường kiến thức, hiểu biết về công tác bảo vệ môi trường và tang them tình yêu với thiên nhiên.
Gia đình tôi ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên. (Ảnh: NVCC).
Chia sẻ và lan tỏa
Bảo vệ môi trường có thể đến từ hành động nhỏ nhất của từng cá nhân nhưng môi trường không thể được bảo vệ nếu không có sự chung tay của cộng đồng. Vì vậy, bản thân tôi luôn cố gắng lan tỏa tình yêu thiên nhiên, những kiến thức về môi trường và những hành động mà mình vẫn làm để có thể truyền đạt thông điệp về bảo vệ môi trường tới người thân, bạn bè xung quanh từ đó mọi người có thể cùng nhau thay đổi.
Hi vọng rằng, những đồng nghiệp tại VNA của tôi có thể tìm thấy một điều gì đó trong bài viết này truyền cảm hứng cho sự thay đổi của mỗi người trong hành động cũng như suy nghĩ để cùng hướng tới một môi trường xanh và sạch hơn.