“Công việc đặt chỗ lấy vé chuyển sân trước đây được giao cho CNMN, từ cuối năm 2018 mới được chuyển giao sang CNMB”, chị Thoa – Trưởng phòng Đặt chỗ Bán vé CNMB, cho biết.
Theo chị, quy trình xuất vé cũng không có gì phức tạp. Trước đây Đoàn Bay và Đoàn tiếp viên thống kê danh sách phi công, tiếp viên bay hằng ngày, rồi chuyển sang cho chi nhánh đặt chỗ và xuất vé. Sau khi nhiệm vụ phân bay được tập trung về Trung tâm Điều hành Khai thác (OCC) thì trung tâm là đơn vị gửi yêu cầu. “Tuy nhiên vấn đề là số lượng rất lớn. Mỗi tháng có đến hàng nghìn lượt booking như vậy, khiến chi nhánh chúng tôi luôn phải dành tới 2 nhân sự để phục vụ”.
Chị Thoa tâm sự, lúc mới tiếp nhận công việc này, chị cùng toàn thể phòng Đặt chỗ Bán vé khá lo lắng, vì khối lượng công việc được giao thêm khá nhiều, trong khi theo chủ trương của TCT, sẽ không đơn vị nào được tăng thêm người.
Từ thực tế này, chị Thoa đã nghĩ đến việc xây dựng một phần mềm tự động đặt chỗ cho phi công và tiếp viên. “Đây là trăn trở lớn nhất của tôi, nhằm nâng cao năng suất lao động trong điều khiện không phát sinh thêm nhân sự”.
Chị Nguyễn Bích Thoa đã giúp đơn vị tiết kiệm đến 1/3 nguồn nhân lực bằng ý tưởng xây dựng phần mềm đặt chỗ cho phi công tiếp viên VNA bay chuyển sân. (Ảnh: CTV).
Theo đề xuất của chị, thì quy trình đặt vé sẽ là OCC gửi danh sách theo mẫu, khi phòng vé nhận được sẽ chuyển danh sách vào chương trình. Chương trình sẽ sử dụng Booking Engine để quét danh sách và tạo booking, chuyển vào Q312 để xác nhận chỗ. Các booking đã được xác nhận sẽ được chuyển vào một Queue, các trường hợp không được xác nhận sẽ được chuyển sang một Queue khác để xử lý tiếp.
“Với phần mềm này thì sẽ giúp nhân viên phòng vé bớt đượt khâu đặt chỗ”, chị Thoa giải thích. Từ ý tưởng này, chị Thoa đã liên hệ với bộ phận tin học thuộc phòng Kế hoạch – Hành chính của CNMB, cũng như Ban CNTT của TCT. “Các bên liên quan đều ủng hộ ý kiến này”, chị tươi cười, nói.
Sau khi thống nhất với OCC, nhóm cán bộ của CNMB chỉ mất vài buổi làm việc để xây dựng yêu cầu, sau đó chuyển cho Ban CNTT triển khai. “Phía CNMB, người trực tiếp xây dựng yêu cầu kỹ thuật giúp chúng tôi là bạn Trần Hoàng Thiên, chuyên viên Tin học. Còn trên Ban CNTT, bạn Dương Việt Cường là người phụ trách xây dựng phần mềm”, chị chia sẻ.
Do phần mềm không quá phức tạp, chỉ sau 2 tuần xây dựng, sản phẩm đã hoàn thành cuối tháng 8/2019. Chị Thoa cho biết, trong 2 tuần kiểm thử, cũng phát hiện một số lỗi nhỏ, nhưng tất cả đều đã được xử lý triệt để.
Chị Vũ Thúy Liên, Đội trưởng Vé thành phố, phòng Đặt chỗ Bán vé, CNMB, người trực tiếp phụ trách chạy thử phần mềm, kể lại: “Khi chạy thử, chúng tôi phát hiện một số vấn đề như không tạo ra booking, hay không xác nhận được chỗ, hoặc khi chuyển booking bị sai Queue, tất cả đều được các bạn lập trình xử lý rất nhanh chóng”.
Ngoài ra, theo chị Liên, trong quá trình chạy thử, CNMB cũng phát hiện lỗi chương trình không cập nhật đủ số điện thoại và email của từng phi công, tiếp viên, nên đã yêu cầu bổ sung đầy đủ. “Nhờ đó, hệ thống có thể nhắn tin cho từng phi công, tiếp viên lịch trình mỗi chuyến bay chuyển sân”, chị nói.
Sau khi các vấn đề được xử lý triệt để, đến giữa tháng 9, phần mềm đã chính thức được CNMB đưa vào sử dụng. “Phần mềm đã giúp tiết kiệm hẳn được khâu đặt và giữ chỗ, nhờ đó, lúc đầu phòng luôn cần 2 người để đặt chỗ và xuất vé riêng cho phi công và tiếp viên, thì hiện nay chỉ cần một chuyên viên chuyên trách và một người hỗ trợ khi cần thiết, giảm được từ 30-40% nhân sự”, chị nói.
Gắn bó với Phòng vé, CNMB từ khi gia nhập màu áo VNA năm 1993, chị Thoa tâm sự, chị luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua sáng kiến do đơn vị phát động. (Ảnh: CTV).
“Hoạt động sáng kiến cải tiến luôn được CNMB chú trọng. Trước kia là Tổ khuyến nghị và nay là Ban chỉ đạo sáng tạo năm nào cũng phát động phong trào thi đua phát huy sức sáng tạo của CBNV. Các sáng kiến hữu ích đều được đề xuất lên Ban lãnh đạo chi nhánh khen thưởng kịp thời, nên tôi cũng như các đồng nghiệp đều cảm thấy rất hào hứng, luôn sẵn sàng tham gia”, chị cười tươi chia sẻ.