Chào anh! Anh có thể chia sẻ cảm xúc sau khi hoàn thành chuyến bay đầu tiên mở đầu chiến dịch giải cứu công dân Ukranie về nước không?
Có rất nhiều cảm xúc đan xen bên trong mình. Đầu tiên là mình thấy vinh dự và tự hào, vì được lãnh đạo TCT cũng như Đoàn bay 919 tín nhiệm cử đi. Chứng kiến sự vui mừng, nhẹ nhõm của bà con mình khi nhìn thấy máy bay của VNA ở nơi đất khách, tôi cũng vui lây. Và tới lúc hạ cánh ở Nội Bài, chứng kiến cảnh đồng bào vui mừng đoàn tụ với gia đình, tôi thực sự xúc động.
Bay giải cứu công dân khỏi vùng chiến sự không phải là một chuyến bay thương mại thông thường. Gia đình anh có lo lắng khi hay tin anh tham gia chuyến bay?
Vợ tôi cũng là tiếp viên của Hãng nên rất hiểu và thông cảm cho chồng. Hơn nữa, tôi cũng thường xuyên tham gia các chuyến bay hồi hương công dân trong vùng dịch về nước rồi nên mọi người trong nhà đã quen, chỉ xem đây như là một nhiệm vụ ý nghĩa nữa trong số những nhiệm vụ mình từng làm.
Chắc hẳn anh và các đồng nghiệp chuẩn bị rất nhiều cho chuyến bay này?
Từ khi nhận được thông tin về chuyến bay, anh em gồm có 5 phi công tham gia chuyến này đều đã gặp mặt nhau bàn bạc 2-3 lần. Chiều 6/3, chúng tôi tiếp tục họp với OCC nhằm giải đáp những thắc mắc cuối cùng, thống nhất các thông tin về đường bay mới Rumani, với chủ trương bay tránh Nga để đảm bảo an toàn cho cả hành trình.
Chúng tôi đã cập nhật các thông tin về kế hoạch bay, tài liệu bay, các thông tin kỹ thuật, các sân bay dọc đường bay cũng như nhận những thông tin từ OCC cung cấp cho tổ bay về điều kiện an toàn an ninh ảnh hưởng tới chuyến bay.
Ban đầu mình được thông báo chuyến bay này sẽ có 283 hành khách, nhưng thực tế là có 287 hành khách, trong đó có 71″ hành khách nhí”. Hành khách đều không thực hiện xét nghiệm Covid-19 nên chuyến bay được thực hiện theo cấp độ phòng dịch số 3 để đảm bảo an toàn cho hành khách và đội ngũ phi hành đoàn.
Được biết, kế hoạch ban đầu là chuyến bay này sẽ đến Ba Lan nhưng sau đó đã đổi sang Bucharest (Rumani). Điều này có gây khó khăn gì cho các anh trong công tác chuẩn bị không?
Không, với phi công như chúng tôi, không có sân bay nào là lạ cả. Hơn nữa, sân bay Henri Coanda của Bucharest cũng là một trong những sân bay dự bị dọc đường bay châu Âu nên chúng tôi đã quen rồi. Đây là sân bay quốc tế lớn, lại không gần vùng chiến sự nên các công tác an ninh đều sẽ được đảm bảo.
Trước chuyến bay, chúng tôi đều đã chuẩn bị kỹ về vấn đề sức khoẻ, cũng đã tiêm phòng vắcxin đầy đủ, liên tục test Covid vì sau 72h lại phải test lại. Dọc đường bay, 5 anh em trong đoàn phi công chia nhau nghỉ ngơi, luân phiên lái, đảm bảo đủ sức khoẻ cho 1 chuyến bay an toàn.
Thời tiết tại Rumania trong ngày thực hiện chuyến bay khá lạnh, còn có mưa nên tầm nhìn giảm, có đôi chút khó khăn nhưng chúng tôi đều đã được huấn luyện kỹ rồi. Hơn nữa, trước đó, lãnh đạo VNA, lãnh đạo Đoàn bay cũng liên tục cập nhật những thông tin mới nhất cho tổ bay để mọi người sẵn sàng ứng phó.
Đây không phải là chiến dịch đầu tiên VNA từng thực hiện. Đã từng có nhiều chiến dịch lớn như: Đưa hàng trăm nghìn công dân Việt Nam từ hơn 30 quốc gia, vùng, lãnh thổ về nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Libya năm 2011 và 2014… Là một phi công giàu kinh nghiệm, với anh chuyến bay này có điều gì đặc biệt?
Đúng vậy, VNA đã liên tục tham gia giải cứu, bảo hộ công dân về nước rất nhiều lần trên khắp các châu lục từ nhiều năm trước. Để thực hiện thành công những chuyến bay giải cứu này cần sự chuẩn bị hết sức chu đáo. Chúng tôi thấu hiểu rằng, ở những nơi xa quê hương, nguy hiểm và bất ổn, nghĩa đồng bào càng lớn lao hơn.
Được lãnh đạo TCT và Đoàn bay tin tưởng giao nhiệm vụ vừa là trách nhiệm và cũng là vinh dự, tự hào đối với tôi và các anh chị em phi hành đoàn. Được chứng kiến đồng bào lên máy bay và về nhà an toàn, đoàn tụ gia đình người thân trong niềm vui khiến tôi rất xúc động. Trong những ngày tới, nếu Ban lãnh đạo tin tưởng giao phó tôi sẽ luôn sẵn sàng.
Cảm ơn anh!