Sau khi nhận được thông báo chuyến bay do cô phụ trách kiểm soát tải đã hạ cánh an toàn tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nguyễn Thu Hằng mới thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cô biết, vẫn còn những chuyến bay khác đang chờ mình. Khẽ hít vào lồng ngực một hơi, cô hiểu rằng bên cạnh sự căng thẳng kéo dài khi dõi theo tác động trực tiếp từ kết quả công việc của bản thân lên sự an toàn của các chuyến bay cũng là niềm hạnh phúc khi chuyến bay đó đi tới nơi, về tới chốn. Và cô cũng biết mình yêu cái nghề này biết bao nhiêu.
Nghề chọn người…
Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ Nguyễn Thu Hằng lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải. Thực tế, ở vào thời điểm đó, Hằng vẫn còn khá mơ hồ về khái niệm “cân bằng tải cho máy bay”. Thế nhưng, “nghề chọn người chứ người không chọn nghề”, có một điều gì đó cứ thôi thúc cô mong muốn được tìm hiểu về công việc “cân máy bay” này.
Thời gian đầu, liên tục phải làm việc ca kíp, tính chất công việc cũng thay đổi thường xuyên, khiến cô có phần choáng ngợp. Cô sẽ chịu trách nhiệm lập bảng hướng dẫn chất xếp hàng hoá, hành lý, vị trí hành khách để đảm bảo tải trọng của chuyến bay được tối ưu nhất; tiết kiệm được nhiên liệu và tối ưu hóa công tác phục vụ ngoài sân đỗ.
Có những khi chuyến bay chuẩn bị kết thúc quá trình boarding để cất cánh, bộ phận checkin báo sang sẽ có thêm 10 hành khách đi “goshow”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc máy bay tăng trọng tải và có thể không đảm bảo trọng tâm máy bay, uy hiếp an toàn bay. Vậy là cô buộc giải quyết ngay tình huống, hoặc là sắp xếp lại toàn bộ hàng hoá hoặc báo checkin thay đổi vị trí ngồi của hành khách một cách hợp lý nhất để đảm bảo chuyến bay được khởi hành đúng giờ.
Nghề cân bằng tải đòi hỏi sự tính toán vô cùng cẩn trọng, sự cẩn thận, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao để cung cấp số liệu chính xác tuyệt đối cho tổ bay. Bên cạnh đó, bảng hướng dẫn chất xếp cần phải tiết kiệm được tối đa thời gian cũng như nguồn nhân lực phục vụ. Người làm nghề kiểm soát tải cũng phải có khả năng làm việc độc lập và tập trung cao độ. Hằng và đồng nghiệp của mình luôn phải theo dõi chặt chẽ công đoạn của các bên liên quan để phân tích tình hình và giải quyết các sự việc phát sinh một cách nhanh chóng, hợp lý.
Làm công việc này, nhân viên phải chịu áp lực cao về thời gian để đem lại sự đúng giờ và an toàn trong khai thác, góp phần đạt hiệu quả tốt nhất cho toàn hệ thống. Quả thực không hề dễ dàng đối với một cô gái trải sinh năm 1993 như Hằng.
Thế nhưng, hiểu được ý nghĩa công việc mà bản thân cùng các đồng nghiệp đã và đang gắn bó sẽ đem tới cho hành khách trải nghiệm an toàn nhất trên mỗi chuyến bay, dần dần, cô cũng đã hoà mình với công việc và nỗ lực nắm bắt nguyên lý vận hành của từng bộ phận trong đơn vị nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho mỗi hành trình bay.
Hơn cả một công việc, đó là nơi trưởng thành
1/1/2020 là một mốc thời gian đặc biệt với Thu Hằng và đồng nghiệp, ngày Trung tâm kiểm soát tải VIAGS ra đời và chính thức đi vào hoạt động, với trọng trách làm tải cho toàn bộ các chuyến bay của VNA, từ nội địa tới quốc tế. Điều đó càng thôi thúc cô phải tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức để nâng cao kỹ năng chuyên môn.
“Tôi luôn lấy những tấm gương từ các đồng nghiệp của mình để làm động lực cho bản thân. Như anh Hoàng Trung Kiên – Đội phó đội Điều hành và quản trị cơ sở dữ liệu Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS, người đã tham gia nhiều chuyến bay lịch sử của VNA như chuyến bay vào tâm dịch Vũ Hán đón người Việt về nước, chuyến bay đưa 219 người Việt tại Guinea Xích đạo hồi hương và nhiều chuyến bay khác từ Mỹ, Canada trở về. Anh thực sự rất xứng đáng nhận được danh hiệu Chiến binh sao vàng sau những cống hiến dũng cảm, quên đi bản thân mình để đảm nhận công việc khó khăn nhất. Sự dũng cảm và tình yêu nghề của anh là nguồn cảm hứng cho tôi nỗ lực phấn đấu” – Hằng chia sẻ.
1/1/2020 là một mốc thời gian đặc biệt với Thu Hằng và đồng nghiệp, ngày Trung tâm kiểm soát tải VIAGS ra đời. (Ảnh: NVCC).
Sau 4 năm gia nhập VNA, Thu Hằng như được “nâng cấp” lên thành một “phiên bản mới”, năng động và nhạy bén hơn. Khả năng phân tích, giải quyết vấn đề của cô được nâng cao. Hằng cũng trưởng thành, điềm đạm, bình tĩnh hơn và cũng chịu được áp lực tốt hơn. Mặc dù cô vẫn luôn hồi hộp trước mỗi chuyến bay và chỉ thực sự yên lòng khi nhận được tin báo chuyến bay đã an toàn hạ cánh.
Chia sẻ về tương lai, Hằng nói rằng, mình sẽ trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để có thể phục vụ các chuyến bay đặc biệt như chuyên cơ, đó là mong muốn và cũng là mục đích của cô gái trẻ gắn bó với nghề “cân máy bay”.