Nếu định nghĩa về nền tảng cho sự thành công của một doanh nghiệp, tổ chức thì đó chính là sự nỗ lực mỗi ngày của tất cả thành viên vì mục tiêu chung. Trong công tác giám sát phục vụ chuyến bay tại sân bay Busan (PUS), anh Trần Tứ Cường – Đại diện VNA tại sân bay Busan – Chi nhánh Hàn Quốc đã chủ động thực hiện giải pháp giám sát, tiết kiệm chi phí khai thác cho TCT.
Theo đó, máy bay khai thác tại PUS thường có thời gian groundtime khoảng 3h – 4h. Trước đây, đơn vị đều cung cấp GPU (xe điện mặt đất) trong suốt khoảng thời gian từ khi máy bay đến cho tới lúc khởi hành, trong đó có thời điểm không có nhu cầu phải sử dụng GPU. Sau khi được điều chuyển làm nhiệm vụ tại PUS, anh Trần Tứ Cường đã rà soát nhu cầu sử dụng GPU. Đồng thời, anh Cường đã xây dựng quy trình và checklist giám sát quá trình sử dụng GPU, ASU với đối tác KAS, phối hợp tổ bay/thợ kỹ thuật ngắt GPU khi không có nhu cầu sử dụng. Quy trình chặt chẽ này đã giúp tiết kiệm cho TCT ước tính khoảng 4.000.000.000 VND/năm.
Bên cạnh đó, anh Trần Tứ Cường nhận thấy tình trạng các chuyến bay đến PUS thường xuyên khai thác tại bãi đỗ ngoài. Việc này khiến phát sinh chi phí thuê xe theo chuyến để phục vụ công tác giám sát và đưa đón tổ bay với đơn giá cao. Sau khi đánh giá, anh Cường đã đề xuất Trưởng chi nhánh ký hợp đồng thuê xe theo chuyến bay với đối tác cảng hàng không. Sau khi triển khai vào thực tế, TCT ước tính tiết kiệm thêm khoảng 800.000.000 VNĐ/năm.
Với những thành tích trên, anh Trần Tứ Cường đã được TCT phê duyệt khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác giám sát, tiết kiệm chi phí. TTNB đã có cuộc trò chuyện với anh về những cảm xúc khi được TCT khen thưởng và mục tiêu trong thời gian tới.
Anh Trần Tứ Cường đã được TCT phê duyệt khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác giám sát, tiết kiệm chi phí. (Ảnh: NVCC).
Đầu tiên, xin chúc mừng anh đã được nhận khen thưởng từ TCT, anh có thể chia sẻ một chút về cá nhân mình được không?
Tôi gắn bó với công việc tại phòng Tài Liệu – NIAGS (VIAGS bây giờ) bắt đầu từ năm 2002. Đến tháng 12/2006, tôi được TCT cử sang công tác tại Chi nhánh Campuchia – Sân bay Siemreap với chức danh Sation manager. Tháng 11/2011, tôi tiếp tục chuyển sang làm việc tại Chi nhánh Nhật Bản – Sân bay Kansai với chức danh SM. Từ tháng 4/2018 đến hiện tại, tôi vinh dự được giữ vị trí SM tại Chi nhánh Hàn quốc – Sân bay PUS.
Anh có thể diễn tả cảm xúc của bản thân khi những nỗ lực trong công việc của bản thân đã được TCT ghi nhận?
Khi nhận được quyết định khen thưởng, mong muốn của tôi là dành niềm vinh dự này cho tất cả cán bộ và nhân viên sân bay cũng như lãnh đạo Chi nhánh, các phòng Ban như Ban DVHK, Ban Kỹ thuật, OCC. Họ là những người đã giúp đỡ tôi xây dựng sáng kiến và triển khai được công việc này. Tôi không dám nhận phần thưởng này vì đó vốn là nhiệm vụ, trách nhiệm của một SM với sân bay mình phụ trách, quản lý. Tôi sẽ dành phần thưởng này cho tập thể Sân bay PUS, những người mà đã giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Những sáng kiến của anh đều gắn chặt với thực tế công việc. Các ý tưởng ấy bắt nguồn từ thời điểm nào?
Từ ngày công tác tài Phòng Tài liệu, tôi đã đọc được nhiều hướng dẫn, quy định của TCT như GOM, COM… Ngoài ra, khi làm việc tại sân bay KIX, tôi cũng đã phát hiện ra một số chi phí phát sinh như ACU, GPU,… không hợp lý. Khi ấy, tôi cũng đã kiến nghị với đối tác điều chỉnh lại hợp đồng để tiết kiệm chi phí cho VNA.
Khi chuyển công tác sang sân bay PUS, các đề nghị của tôi với các ban ngành của TCT thường được phản hồi rất thuận lợi. Tuy nhiên, việc triển khai tại đây đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn từ nhân viên địa phương vì công ty phục vụ mặt đất KAS thuộc KE. Thời điểm đầu, họ không muốn phối hợp vì những đề xuất của tôi sẽ tốn nhiều thời gian nhân lực cũng như cũng như làm giảm thu nhập của họ. May mắn là với sự quyết tâm của tập thể sân bay PUS thì cuối cùng họ cũng chịu hợp tác.
Ngoài ra, việc thuê xe phục vụ đi lại trong sân đỗ xuất phát từ việc tôi quan sát các nhân viên hàng ngày đi lại giữa nhà ga và máy bay đều phải gọi xe BUS của KAS. Mỗi lần như vậy, họ đều tính thành chi phí. Tôi đã đề xuất ý tưởng với Ban DVHK và Lãnh đạo Chi nhánh để hạn chế sự lãng phí này và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ cho phương án.
VNA đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện chất lượng dịch vụ. Là đại diện tại sân bay PUS, anh đánh giá thế nào về công tác phục vụ của VNA tại sân bay?
Tại sân bay PUS là một sân bay địa phương nhỏ của Hàn quốc với công xuất thiết kế có 6.3 triệu hành khách. Tuy nhiên, năm 2018 đã khai thác đến 9,8 triệu hành khách, vượt công xuất thiết kế 35 %. Trang thiết bị cũng như công ty mặt đất cũng chưa được chuyên nghiệp. Tất cả cán bộ và nhân viên tại sân bay PUS đều phải lỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ ngày một tốt hơn. Nhân viên địa phương phải làm thay công ty phục vụ mặt đất nhiều công việc vì năng lực và nhân lực họ có hạn.
Trong thời gian tới cá nhân anh cũng như CBNV tại sân bay PUS tiếp tục có những kế hoạch gì để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách?
Để nâng cao chất lượng dịch vụ tại sân bay PUS, tôi đang phối hợp với Ban DVHK cố gắng chuyển đổi công tác check in sang đối tác mới là Air Korea hoặc MPK (công ty con của KE). Nguyên nhân là bởi hiện nay nhân viên check-in cho VNA là thành viên của Korean Air chứ không phải công ty phục vụ mặt đất chuyên nghiệp như VIAGS của VNA. Bên cạnh đó, chúng tôi hiện đang phối hợp với các đơn vị hoàn thành triển khai Kiosk check in tại PUS.
Cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn!