[8/3] Nữ kỹ sư mạnh mẽ của VAECO

“Đến cả khi ngủ mình cũng mơ đang vật lộn với những đề bài hóc búa của kỳ thi chứng chỉ” – chị Trần Thị Thanh Hoa – Tổ trưởng chi nhánh Bảo dưỡng Nội thất VAECO nhớ về thử thách đầu tiên khi vào làm việc tại Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Đó là vào năm 2009, ba năm sau khi chị Hoa gia nhập Vietnam Airlines. Với chị chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng máy bay là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong nghề nghiệp. Nó cũng là sự khẳng định con đường chị đã chọn dù chông gai nhưng chị đã bước được vững vàng trên đó. Chính vì vậy chị dành rất nhiều tâm huyết để đạt được kết quả tốt nhất. 

Ai làm trong nghề cũng biết đạt được chứng chỉ này vô cùng khó khăn. Có cả nghìn câu hỏi chuyên môn được đưa ra. Giai đoạn tham gia kỳ thi, chị vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa phải hoàn thành công việc hàng ngày và cùng lúc cũng phải bỏ nhiều giờ đồng hồ nghiên cứu tài liệu. Tài liệu tiếng Việt còn đỡ, những tài liệu tiếng Anh quả là một thử thách không dễ dàng. Tài liệu chuyên ngành “khó nhằn” khiến chị Hoa mất rất nhiều thời gian tra cứu. Lâu dần, những thuật ngữ chuyên môn ấy ám ảnh chị cả những lúc ăn cơm cũng như lúc ngủ.

Nhiều phụ nữ khác sẽ lựa chọn lùi lại vài ba năm nữa khi con đủ lớn rồi lấy chứng chỉ cũng chưa muộn. Nhưng vốn tính cách mạnh mẽ và quyết đoán, chị Hoa vẫn quyết tâm thi bằng được. Trì hoãn cơ hội này sẽ tạo chướng ngại tâm lý cho những lần sau. Chị còn trẻ, còn sức, còn cố gắng được. Cũng chính tính cách mạnh mẽ ấy đã giúp chị trở thành một trong những nữ kỹ sư đầu tiên được tuyển vào làm tại A76, tiền thân của VAECO bây giờ.

alt text
Chị Trần Thị Thanh Hoa – Tổ trưởng chi nhánh Bảo dưỡng Nội thất VAECO. (Ảnh: NVCC).

Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, chị Hoa đã mong muốn được làm việc trong ngành Hàng không. Không như những cô gái khác mơ ước làm tiếp viên, chị Hoa lại chọn con đường trở thành một kỹ sư. Trước chị, bộ phận kỹ thuật của VNA chưa từng có nữ kỹ sư bởi công việc này vốn mặc định dành cho đàn ông. Ngoài sự vất vả nó còn đòi hỏi người đảm nhiệm phải dành toàn bộ thời gian và tinh lực của mình để không ngừng học hỏi, nâng cấp chuyên môn. Mà công nghệ hàng không thay đổi từng ngày, lượng kiến thức mới là không thể đong đếm.

Một người phụ nữ muốn “giỏi việc nước, đảm việc nhà” sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp kỹ sư hàng không thì khó khăn còn gấp bội. Chị Hoa nhận biết được điều đó. Làm sao để vẹn toàn đôi đường là điều chị luôn trăn trở. Thật may chị có người chồng cũng là dân kỹ thuật luôn ủng hộ chị chuyên tâm phát triển sự nghiệp. Anh nói chị hoàn toàn có thể dồn toàn tâm toàn ý cho công việc mà không cần phải lo lắng việc nhà. Nhưng thiên chức làm vợ, làm mẹ không cho phép chị làm vậy. Chị muốn cống hiến cho ngôi nhà chung VNA và chị cũng muốn vun đắp cho gia đình nhỏ của mình được ấm êm, hạnh phúc. Để làm được điều đó, chị lại càng phải nỗ lực thêm nữa. 

Con đường này là do chị lựa chọn, có khó khăn chị cũng không bỏ cuộc. Người khác cố gắng một thì chị cố gắng gấp hai, gấp ba. Chị nỗ lực vì đam mê của mình, để cho mọi người thấy rằng người phụ nữ có thể làm tốt những việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Chị nỗ lực còn để cho gia đình tự hào, để con chị sau này nhìn vào thấy được mẹ mình đã mạnh mẽ ra sao. Đó là cách chị dạy con thay cho ngàn lời nói.

alt text
alt text

Một người phụ nữ muốn “giỏi việc nước, đảm việc nhà” sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp kỹ sư hàng không thì khó khăn còn gấp bội. (Ảnh: NVCC).

Đến nay chị Hoa đã có 17 năm gắn bó với VNA. Đó là một chặng đường thật dài. Chi hiểu rằng mình đã vô cùng may mắn khi được là một phần của Hãng hàng không Quốc gia. Mọi sự nỗ lực của chị đều được ghi nhận. Những người đồng nghiệp đáng mến cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi chị gặp khó khăn. Chị thấy mình như đang ở trong một gia đình cùng những người anh em thân thiết. Và hơn thế nữa, chị đã thấy được ý nghĩa thực sự trong công việc của mình đó là đem lại sự an toàn, tiện lợi, thoải mái cho hành khách của VNA. 

Trước đây chị Hoa luôn muốn theo đuổi đỉnh cao trong nghề nghiệp. Chị muốn làm được những điều lớn lao, làm chủ được những kỹ thuật cao siêu. Nhưng giờ đây chị nhận ra rằng, chính nụ cười, sự hài lòng của khách hàng là sự ghi nhận lớn nhất cho công việc của mình. 

Đôi khi một cải tiến nhỏ hay việc khắc phục sự cố kịp thời của chị đã đem lại trải nghiệm khó quên cho khách hàng. Không cần phải trực tiếp phục vụ nhưng chị vẫn cảm nhận được sợi dây liên hệ với những hành khách trên bầu trời. Chị vui khi thấy khách hàng hài lòng, chị buồn với những phản hồi chưa tốt về nội thất chuyến bay. Những cảm xúc ấy chính là sợi bấc giúp chị duy trì ngọn lửa yêu nghề trong gần 20 năm nay.

“Hãy cùng nhau nỗ lực vì ước mơ của mình, vì sự phát triển của VNA các bạn nhé.” Đó là lời nhắn nhủ của chị Hoa gửi đến toàn thể chị em đồng nghiệp nhân ngày 8/3. Với chị, phụ nữ VNA ai cũng mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết. Đó là những người đồng nghiệp tuyệt vời. Chị trân trọng từng phút giây được làm việc tại nơi đây! 

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.