Bỏ thủy lợi để thỏa ước mơ bay
Năm 1975, ông Đức đỗ Đại học Thủy lợi. Bố mẹ vốn không muốn ông theo binh nghiệp vì em trai ông khi đó đang là bộ đội.
Học được 1 năm, biết có đợt tuyển PC, ông đăng ký và trúng tuyển, khoác ba lô lên đường nhập học Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trangở tuổi 19. Ông nói với bố mẹ: “Nếu không cho con học PC, con sẽ không học đại học tiếp nữa”.
Năm 1979, ông tốt nghiệp đúng lúc ngành HK tuyển PC tốt nghiệp Sĩ quan không quân. Ông thuộc lớp PC đầu tiên tốt nghiệp trường không quân sang phục vụ HK dân dụng.
Ban đầu, ông là lái phụ máy bay DC-3, dòng máy bay chiến lợi phẩm thu được của Mỹ. Sau đó, ông lên lái chính dòng DC-3. Năm 1980, ông chuyển sang lái máy bay IL-18, dòng máy bay chủ lực của HK Việt Nam thời bấy giờ.
Ông Phan Xuân Đức, nguyên PTGĐ VNA có duyên với các dòng máy bay do nước Mỹ chế tạo.
Năm 1990 là thời điểm đánh dấu cuộc chuyển đổi về dòng máy bay của VNA, mà theo đánh giá của ông Đức là “một quyết định đúng đắn và dũng cảm”. Khi đó, VNA thuê 2 chiếc máy bay Boeing 737 của Thụy Sĩ, ông thuộc nhóm 8 phi công sang Thụy Sĩ học chuyển loại đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ lái B737 có hơn 1năm thì dòng máy bay này lại được thay thế bằng các máy bay Airbus do quá trình hợp tác với Air France. Ông Đức lại quay lại lái IL-18, cho đến chuyến bay cuối cùng của dòng máy bay này năm 1994, mà ông vẫn nhớ là chuyến bay từ Hải Phòng về Hà Nội.
Sau chuyến bay đó, ông sang Úc học chuyển loại lái B767 và trở về lái máy bay này trong 9 năm. Năm 2003, khi VNA đặt loại máy bay B777, ông lại sang Mỹ học chuyển loại và đến năm 2015, khi VNA tiếp nhận dòng máy bay hiện đại nhất là B787, ông lại quay sang Mỹ để học chuyển loại tiếp.
Ông Đức là một trong số ít PC “có duyên” với 4 dòng máy bay của Boeing, từ 737, 767, 777 đến 787. Về hưu từ năm 2017 ở cương vị PTGĐ VNA, nhưng ông Đức vẫn được hãng ký hợp đồng bay vì vẫn chưa tới tuổi giới hạn bay là 65.
Đồng hành với đổi thay
“Việc chuyển dòng máy bay ngoài đem lại sự thoải mái cho hành khách, tạo lợi ích to lớn cho VNA, đó là an toàn. Liên tục 22 năm qua, VNA khai thác an toàn tuyệt đối”, ông Đức khẳng định.
Là cơ trưởng của những dòng máy bay hiện đại, lại là lãnh đạo VNA, ông có nhiều kỷ niệm qua những chuyến bay chuyên cơ chở lãnh đạo Đảng, nhà nước đi công tác nước ngoài, hoặc những chuyến bay giải cứu lao động Việt Nam về nước khi ở Lybia xảy ra xung đột vũ trang năm 2011.
Ông kể: “Cuối tháng 11/2016, khi cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời, tôi là người lái máy bay B787 đưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó bà là Bộ trưởng LĐ-TB&XH) và đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ta sang viếng trong chuyến bay thẳng. Khi đổi tổ bay, tôi được Chủ tịch mời xuống khoang khách nói chuyện. Chủ tịch nhắc lại kỷ niệm lúc VNA lập cầu không vận đưa toàn bộ lao động Việt Nam từ Lybia về nước an toàn. Tôi cười nói: “Chính em là người lên kế hoạch và chỉ huy chiến dịch vận chuyển đó của VNA đây. Em cũng là người lái chuyến B777 đầu tiên sang đưa lao động về nước”. Chủ tịch nghe vậy cười rất vui, câu chuyện cứ thể kéo dài mãi”.
Nhân dịp Đoàn Bay 919 thuộc VNA bước kỷ niệm 60 năm thành lập, người PC lão thành bày tỏ mong muốn Đoàn Bay tiếp tục giữ được thành tích an toàn tuyệt đối đã đạt được trong 22 năm qua.
“
Chúc toàn thể anh chị em PC nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và luôn giữ gìn bản sắc và cái tên Đoàn Bay 919 anh hùng”, ông vui vẻ nói".