Tốt nghiệp bác sỹ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đã gắn bó cùng các CBNV, tiếp viên VNA tại phía Nam 8 năm qua. Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam, bác sỹ Thanh Thuỷ đã có những chia sẻ chân thành và thú vị về công việc của một “Bác sỹ hàng không”.
Chào bác sỹ Thanh Thuỷ. Thay mặt các anh, chị em VNA, xin chúc mừng chị nhân dịp 65 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam. Nhân dịp này chị có thể chia sẻ một chút mối duyên đến với VNA?
Xin chào các anh, chị em VNA. Tôi rất vui khi được cùng các đồng nghiệp của mình là các y, bác sĩ VNA “lên sóng” trong dịp này.
Tôi tốt nghiệp bác sỹ đa khoa trường Đại học Y Hà Nội. Từ khi ra trường đến năm 2010, tôi làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế. Năm 2012, tôi có nguyện vọng chuyển vào TP.HCM và đúng dịp ĐTV phía Nam thiếu bác sỹ. Vì vậy, từ tháng 7/2012 tôi đã có cơ hội được sát cánh, đồng hành cùng các tiếp viên, CBNV tại phía Nam.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, đã gắn bó cùng các CBNV, tiếp viên VNA tại phía Nam 8 năm qua. (Ảnh: NVCC).
Nhiều năm gắn bó với Viện Công nghệ Thông tin và đến nay là một “Bác sỹ hàng không”. Vậy có sự khác biệt nào trong công việc của chị?
Tại ĐTV, đối tượng phục vụ của tôi và các đồng nghiệp là người khỏe và đẹp bị ốm nên đa phần là bệnh không nặng, chủ yếu là các bệnh thông thường (cười). Vì vậy, công việc tư vấn sức khỏe, sắc đẹp, sinh sản lại nhiều hơn. Ở đây cần bác sỹ đa khoa, biết và chữa được hết các chuyên khoa ở mức độ nhẹ. Nếu bệnh nặng hơn thì tư vấn hoặc trực tiếp chuyển đi bệnh viện. Còn đối tượng phục vụ của bác sỹ ở bệnh viện là bệnh nhân bị các bệnh nặng hơn, cần bác sỹ chuyên khoa sâu hơn.
Thời gian làm việc của bác sỹ trong ngành hàng không cũng khác, không kể ngày đêm giờ giấc vì tiếp viên bay 24/24h nên bác sỹ cũng vậy, gọi điện bất kỳ giờ nào chúng tôi đều có thể giải đáp. Đặc biệt trong các mùa cao điểm như hè, lễ tết do bay nhiều nên tiếp viên ốm nhiều hơn, và bác sỹ cũng cần chăm sóc sức khỏe cho tiếp viên nhiều hơn.
Với chúng tôi ngoài việc chăm sóc sức khỏe còn phải đảm bảo việc “Chứng chỉ sức khỏe” của tiếp viên còn hiệu lực đi bay, nên việc căn cho tiếp viên đến hạn đi khám để được gia hạn chứng chỉ sức khỏe cũng là một công việc tỉ mỉ, mất nhiều thời gian đối với một đơn vị có hơn 3.000 tiếp viên. Đó cũng là một công việc khá thú vị đối với những bác sỹ như chúng tôi.
ĐTV có tới hơn 3.000 CBNV, TV vậy những khó khăn, thách thức khi thực hiện công việc đảm bảo sức khỏe cho mọi người thế nào thưa bác sỹ?
Do số lượng CBNV, tiếp viên hơn 3.000 người nên đôi khi nhiều việc xảy ra cùng thời điểm, nên chúng tôi hơi áp lực một chút. Ví dụ như đợt khám định kỳ thực hiện tại địa điểm khác, trong khi vẫn thực hiện những công việc thường quy như đo nồng độ cồn, xác nhận thai sản… chưa kể các buổi họp định kỳ, đột xuất.
Bên cạnh đó, đối tượng phục vụ phần lớn là tiếp viên trẻ, mới ra trường, nên việc tư vấn sức khỏe, sức khỏe sinh sản, khám định kỳ, tư vấn khi nghỉ ốm phải giải thích nhiều, mất nhiều thời gian bất kể ngày đêm, thứ 7, chủ nhật, lễ tết. Đặc biệt công việc của tiếp viên là 24/24h nên cứ tiện giờ nào là tiếp viên gọi điện giờ đó và chúng tôi sẵn sàng phục vụ.
Gắn bó với ĐTV gần 8 năm qua, chắc hẳn đối với chị có những câu chuyện kỷ niệm đặc biệt?
Đối với tôi cũng như các đồng nghiệp là y, bác sỹ, việc chẩn đoán và chữa được bệnh là niềm vui lớn nhất. Tôi còn nhớ cách đây vài năm, vào thời điểm TCT cổ phần hóa, khoảng 7h tối có chị Phó phòng TCKT gọi điện lên phòng y tế xin thuốc đau đầu vì làm việc nhiều. Tôi không cho thuốc đau đầu, mà mang máy đo huyết áp xuống đo, kết quả chị bị tăng huyết áp. Kể từ đó tới nay chị kế toán uống thuốc hạ huyết áp hằng ngày.
Hay câu chuyện có một bạn làm phòng điều độ Đoàn bay mở cửa phòng y tế ra là không đi nổi nữa, tôi phải dìu vào giường, bạn bị đau thắt ngực. Thật sự tôi rất do dự có nên cho thuốc hay không, hay đưa đi cấp cứu vì đó là thời điểm nhạy cảm… Nhưng thấy bệnh nhân nằm co người như con tôm đau đớn, tôi quyết định lấy thuốc cho bạn ngậm. Sau 30 phút thì bạn hết đau ngực và đi bệnh viện khám.
Những kỷ niệm ấy dù nhỏ đều mang lại cho tôi niềm hạnh phúc và nguồn động viên rất lớn.
Gia đình nhỏ là nguồn động viên rất lớn đối với chị Thuỷ. (Ảnh: NVCC).
Điều mà chị cảm thấy tự hào nhất trong những năm gắn bó với ĐTV là gì?
Điều làm tôi tự hào, tâm đắc nhất trong những năm công tác đó là góp phần đảm bảo sức khỏe CBNV, tiếp viên. Bản thân tôi cũng rất vui khi được cấp trên ghi nhận những cố gắng, cống hiến của mình.
Nhân dịp 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, năm nay lại đúng trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tôi nhận thấy mình cần có trách nhiệm hơn, làm việc nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, với mong muốn không có ai trong đơn vị bị nhiễm bệnh.
Kể từ khi TCT triển khai phòng chống dịch, tôi đã đi làm liên tục gần như không nghỉ (tết nghỉ 1 ngày mồng 2), thứ 7, chủ nhật cũng đi làm. Tôi rất vui vì đã đóng góp một phần trong việc mua đúng, mua đủ khẩu trang, găng tay cho tiếp viên, CBNV mặt đất. Hàng ngày, bác sỹ hai đầu Nam – Bắc cần đo thân nhiệt cho tiếp viên trước một số chuyến bay theo chỉ đạo của TCT.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ vừa rồi, và xin chúc chị cùng toàn thể các y, bác sĩ VNA sức khoẻ