[20/11] “Người thầy” tâm huyết của Phòng Khai thác

Anh Đỗ Duy Hưng bắt đầu làm việc cho bộ phận vận chuyển thuộc phòng Khai thác công ty từ năm 1994. Trải qua 25 năm gắn bó với nghề, anh vẫn tràn đầy nhiệt huyết trong công việc, tích cực truyền lại kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ của công ty.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

alt text
Anh Đỗ Duy Hưng – Phòng khai thác VACS. (Ảnh: Mai Hương).

Anh Hưng sinh năm 1966, quê gốc ở Hải Phòng, theo gia đình vào Nam sinh sống từ năm 1976. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai gốc Bắc năm đó theo học khoa Kế hoạch của trường Cao đẳng kỹ thuật nghiệp vụ. Tuy nhiên, lúc ra trường, anh chuyển hướng học lái xe rồi chạy xe cơ giới cho Sở công nghiệp thành phố HCM ở Hầm Đá. Cũng đúng thời điểm này, VNA đăng tuyển lái xe, anh nộp đơn và trở thành nhân viên của công ty từ năm 1994 đến nay.

Hiện tại anh Hưng đang là một trong ba giám sát của bộ phận vận chuyển thuộc phòng Khai thác. Công việc chính của anh là quản lý các vấn đề về kỹ thuật của xe suất ăn, làm việc với các nhà thầu để bảo trì, bảo dưỡng xe thật tốt trước khi ra sân.

Vinh dự khi được gọi là “thầy”

Anh cho biết hàng năm, sau mỗi đợt công ty tuyển nhân viên lái xe, anh sẽ đứng lớp dạy môn lái và vận hành xe suất ăn và xe ô tô thông thường trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay. Khác với các hoạt động lưu thông bình thường, việc điều khiển và vận hành xe ở ngoài sân đậu ảnh hưởng đến an toàn bay, học viên cần nhiều kỹ năng. Do đó, bài giảng của anh Hưng sẽ rất chi tiết và nhiều nội dung hơn so với bài dạy lái xe thông thường.

alt text
Đội xe VACS. (Ảnh: Thu Thảo).

Anh chia sẻ: “Với trường hợp xe gặp sự cố trong lúc đang phục vụ tàu bay, tôi sẽ hướng dẫn học viên cách xử lý sự cố khẩn cấp để giải phóng xe nhanh chóng và an toàn nhất”.

Ôn lại những buổi đứng lớp, người đàn ông 53 tuổi vẫn còn nhớ câu chuyện cách đây 3, 4 năm. Trong buổi học hôm ấy, khi anh đang thực hiện thao tác nâng thùng xe lên cao nhất để dạy, các học viên cũng đã ở trên đó, thì có một bạn đến trễ. Người này đứng dưới nói với lên: “Chú ơi cho con lên học với!”. Ban đầu, anh Hưng hơi bực mình nhưng vẫn trả lời: “Thôi chú không dạy con, con đi trễ chú dạy sau”. Học viên đấy lại trêu đùa: “Chú không cho con học thì con không cho chú dạy đấy nhé” và tắt luôn máy cabin. Tới đây, cả lớp học đều cười ồ lên, anh Hưng nhắc học viên mở lại máy và cho bạn đó lên học.

Chỉ là một câu chuyện nhỏ lúc đứng lớp nhưng với anh Hưng là một kỷ niệm vui ghi dấu cho nghề “tay trái” của mình. Anh không nhận mình là giáo viên mà tự gọi là “người đi dạy”, nhấn mạnh rằng: “Tâm huyết trong việc truyền đạt, dạy dỗ tới nơi tới chốn để mọi người có được kiến thức vững vàng là yếu tố quan trọng nhất khi đứng lớp”.

Theo anh Hưng, khó khăn trong quá trình giảng dạy cho đội ngũ nhân viên lái xe, là những học viên có nhiều thành phần, lứa tuổi, trình độ… không đồng bộ như khi học đại học hay trung học phổ thông. Do đó, người đứng lớp cần phải có kỹ năng tốt, linh hoạt để có thể truyền đạt kiến thức cho từng người. Chia sẻ về nghề thứ hai này, anh nói: “Tôi rất vinh dự khi được phân công công tác giảng dạy, đào tạo các bạn trẻ, và cũng thật sự vinh dự khi được gọi là “thầy”.

25 năm gắn bó với bộ phận vận chuyển phòng Khai thác công ty

Trong những buổi dạy cho học viên, anh Hưng thường truyền lại kinh nghiệm thực tiễn trong suốt 25 năm làm việc. Theo anh, vấn đề an toàn trong hoạt động tại khu vực sân đậu rất cần tuân thủ theo luật giao thông, nhưng không giống việc lưu thông hằng ngày ở chỗ: không gian sân đậu chật hẹp, phải canh vị trí máy bay đáp… Nếu học viên chưa được huấn luyện kỹ, dễ xảy ra các va chạm đáng tiếc, ảnh hưởng đến an toàn bay.

alt text
Với hơn 25 năm gắn bó với nghề, anh Hưng giờ đóng vai trò giáo viên, người truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ trẻ. (Ảnh: Thu Thảo).

Lĩnh vực của anh liên quan trực tiếp đến công tác vận chuyển suất ăn lên máy bay. Mà mỗi suất ăn đưa lên đều có kế hoạch theo từng giờ, phụ thuộc mỗi chuyến đi và đến. Do vậy, bộ phận của anh Hưng cần phải bám sát lịch trình, cập nhật thông tin lịch bay của các hãng hàng không, cập nhật kịp thời vào bảng kế hoạch làm việc. Có như vậy các hoạt động trong bộ phận mới thông suốt.

Về kỹ thuật xe, anh tiết lộ: “Thời kỳ đầu công ty nhập về quá nhiều chủng loại xe, khiến chúng tôi bị áp lực khi phải xử lý rất nhiều vấn đề kỹ thuật khác nhau. Mười năm trở lại đây, công ty đã có những chính sách để đồng bộ, chỉ đặt hàng sau khi cân nhắc và chọn lọc đối tác kỹ lưỡng. Vì vậy mà các công tác liên quan đến kỹ thuật xe cũng đã được xử lý dễ dàng hơn”.

Nói về đồng nghiệp, người đàn ông gốc Bắc cho biết bộ phận vận chuyển hộn có trên 80 người, cách biệt tuổi tác khá lớn, có thể chia ra 3 thế hệ: anh – em, con – cháu. Tuy vậy, mọi người làm việc rất vui vẻ và hòa đồng với nhau. Thế hệ đàn anh sẽ truyền những kinh nghiệm làm việc cho các em, các cháu nhỏ tuổi, giúp nhau hoàn thành tốt công việc được giao.

alt text
Là người thuộc thế hệ “chú”, anh Hưng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ, động viên mọi người cố gắng làm việc. (Ảnh: Thu Thảo).

Là người thuộc thế hệ “chú”, anh Hưng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn trẻ, động viên mọi người cố gắng làm việc. Đối với anh Hưng, VNA nói chung và VACS nói riêng có môi trường làm việc rất tốt: “Chỉ cần đến làm việc, tất cả từ phục vụ, sinh hoạt, từ quần áo đến ăn uống đều được công ty chu cấp. Các xe vận chuyển đều có cabin trang bị máy lạnh, làm việc rất thoải mái…”, anh tiết lộ.

Giờ giấc làm việc của bộ phận vận chuyển không theo giờ hành chính mà chia nhiều ca. Ca sớm nhất bắt đầu từ 3-4h sáng, cứ 8 tiếng một ca gối đầu nhau sao cho đảm bảo hoạt động 24/7. Những ai làm ca từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau thì sẽ được nghỉ nguyên ngày sau đó. Dù làm việc theo ca kíp, quãng đường từ nhà tới công ty khá xa, hơn 25 km, nhưng anh Hưng không ngại: “tôi vẫn trụ được từ 1994 đến nay, sức khoẻ tốt và vẫn rất yêu nghề”.

Ngoài giờ làm việc, “thầy giáo” của bộ phận vận chuyển dành hết thời gian để chăm sóc gia đình.  Mẹ anh đã 90 tuổi, hay đau ốm nên vợ chồng anh luôn phải thay phiên nhau túc trực ở nhà.

Khi được hỏi về định hướng nghề nghiệp, anh trầm ngâm: “Bây giờ tôi đã lớn tuổi rồi, lớp trẻ vào rất nhiều, tôi chỉ muốn chia sẻ tất cả những kinh nghiệm, kiến thức đã học hỏi được ở đây cho các bạn – con cháu mình, để đến khi mình rời đi thì sẽ có một lớp thanh niên kế thừa đủ kiến thứ, kỹ năng và tràn đầy nhiệt huyết để gắn bó với công ty”.

alt text
“Tôi muốn chia sẻ tất cả những kinh nghiệm, kiến thức đã học hỏi được ở đây cho các bạn – con cháu mình.” (Ảnh: Mai Hương).

Thu Thảo – Mai Hương

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.