Xin chào chị Trần Thị Diễm Trang. VNA Spirit rất vui khi được trò chuyện cùng chị – một giáo viên đào tạo An toàn bay nhân dịp tri ân các thầy, cô giáo – 20/11.
Chị đã gắn bó với công việc giáo viên đào tạo an toàn bay bao nhiêu năm rồi? Chị có nhớ mình đã đào tạo cho bao nhiêu tiếp viên về an toàn bay không?
Cảm ơn VNA Spirit đã giúp tôi cũng như các đồng nghiệp có thể chia sẻ về công việc đào tạo của mình.
Tôi vào ngành vào năm 2002 với vào trò tiếp viên hàng không. Từ năm 2010 tôi tham gia công tác huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện bay và giảng dạy các môn: CRM, Sơ cứu, An toàn bay, Quản lý mệt mỏi.
Thật khó để tính được số học viên tôi đã từng tham gia đào tạo trong hơn 10 năm qua. Tính trung bình một lớp 20 học viên, 1 tháng dạy 10 ngày, 1 năm đào tạo 10 tháng và huấn luyện trong hơn 10 năm thì con số có lẽ hơn 20 ngàn lượt học viên.
Đó thật sự không chỉ là con số mà là niềm tự hào. Vậy điều gì khiến chị lựa chọn công việc này sau khi đã gắn bó với công việc của một Tiếp viên?
Đến với mỗi một công việc tôi nghĩ do nhiều nhân duyên. Ví dụ như tôi rất quen thuộc với nghề giáo vì ba mẹ đều là làm nghề giáo, bạn bè và nhiều người thân khác của tôi cũng làm nghề giáo. Nhưng nhân duyên gần nhất đó chính là ấn tượng sâu sắc của tôi về các thầy giáo cô giáo, đàn anh đàn chị của tôi ở Trung tâm Huấn luyện bay.
Vậy cảm xúc của chị thế nào khi được các học viên của mình gọi với tên thân thương “cô giáo” và điều đó mang lại cho chị điều gì đặc biệt?
Tôi rất vui vì ít nhất mình cũng được nhớ chút chút sau các khóa huấn luyện kể cả đối với các anh, chị bạn tôi chưa có cơ hội bay cùng lúc cùng ở ĐTV.
Vui là thế, nhưng thực ra đối với tôi khi được gọi hai từ “cô giáo” cũng khá ngại ngùng dù vẫn biết là mọi người có thương yêu gần gũi mới gọi như vậy. Trong thâm tâm tôi không dám nhận danh xưng này, việc đứng lớp đối với tôi là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
Tuy nhiên, mỗi lần được ai gọi “cô giáo” là một lần tôi ý thức rằng, mình cần cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt hơn hơn nữa công việc huấn luyện mình đang được phân công.
Gắn bó với đào tạo An toàn bay 10 năm qua. Theo chị, một giáo viên An toàn bay cần những điều kiện gì và phải trau dồi như thế nào?
Theo tôi, không chỉ công việc của một giáo viên An toàn bay mà đối với bất cứ công việc hay ngành nghề nào điều quan trọng nhất đó là đam mê với công việc mình lựa chọn. Bên cạnh đó là cần không ngừng trau dồi học hỏi bằng nhiều phương tiện để làm mới mình, để năng lực chuyên môn ngày càng tốt hơn.
Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều cách để học, học từ các thầy cô đi trước, học từ đồng nghiệp cùng trang lứa và học từchính các học viên của mình. Việc tự học và nghiên cứu tài liệu cũng như các khóa học để trau dồi nâng cao những kỹ năng của cá nhân mình còn yếu sẽ bồi đắp thêm tri thức của chúng ta mỗi ngày.
Thách thức, khó khăn lớn nhất mà các giáo viên An toàn bay phải trải qua để đào tạo nên những kỹ năng thuần thục cho học viên là gì thưa chị?
Có lẽ khó khăn nhất đối với chúng tôi đó là làm sao để các học viên là đồng nghiệp của mình cũng yêu nghề và mong muốn tự rèn luyện cho bản thân. Đó là điều tôi mong mỏi nhất và cũng là điều khó khăn nhất mà tôi luôn trăn trở.
Khi có niềm yêu nghề, thì việc đào tạo thành thục sẽ dễ dàng đạt được bằng việc tự rèn luyện tự thực hành những gì đã được hướng dẫn.
Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạo thì việc thay đổi cách hướng dẫn sao cho có tính thực tế nhất cũng là một thách thức không nhỏ, vì những môn chúng tôi huấn luyện luôn được nhấn mạnh ở khía cạnh thực hành mà điều này giảng dạy qua hinh thức trực tuyến khá hạn chế.
Chắc hẳn trong suốt 10 năm làm công tác đào tạo, chị sẽ có những kỷ niệm khó quên?
Chắc chắn là như vậy, 10 năm là quãng thời gian có thể coi là dài và tôi có nhiều kỷ niệm với các lớp, các học viên mà mình đào tạo.
Tôi nhớ mãi kỷ niệm buổi đứng lớp định kỳ khai thác lần đầu tiên mà đối tượng học viên là các đàn anh, đàn chị phi công và tiếp viên. Cảm giác lo lắng, mất ngủ, không tự tin vì lần đầu đứng trước các đàn anh đàn chị của mình, cảm giác hưng phấn khi được tương tác với các anh, chị đồng nghiệp trong suốt buổi huấn luyện. Và rồi thở phào khi kết thúc lớp huấn luyện vì mình may mắn hoàn thành nhiệm vụ đăc biệt này.
Nhân dịp 20/11 – là một “giáo viên bay”, chị muốn chia sẻ điều gì đến các học viên?
Với cá nhân tôi và tôi nghĩ đó cũng là suy nghĩ của nhiều anh, chị em đồng nghiệp rằng: việc thực hiện một lớp học tôi luôn nghĩ đến đằng sau lớp học này đó sự an toàn của mỗi một cá nhân học viên nói riêng và của những ai đang làm nhiệm vụ hay làm hành khách trên chuyến bay.
Thành quả mà chúng tôi mong muốn nhất đó là các đồng nghiệp luôn tự tin đảm bảo an toàn dù trong điều kiện bình thường hay khi phải đối mặt với những sự cố khó khăn trong công việc. Và việc này chỉ làm được khi tất cả chúng ta cùng cố gắng rèn luyện.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị! Xin chúc chị sức khoẻ và tiếp tục gặt hái những thành quả trong công tác đào tạo cùng VNA.