[20/11] Gặp gỡ người thầy với 19 năm làm nghề bảo dưỡng và 12 năm giảng dạy

Gắn bó với VAECO từ năm 2003 sau thời gian trau dồi tại Học Viện Phòng Không-Không quân, 7 năm sau anh Hoàng Ngọc Thưởng chính thức trở thành giáo viên bảo dưỡng ngoại trường giảng dạy các môn Cơ bản và chuyển loại máy bay Airbus A320F, A330, A350  (Lý thuyết + thực hành). 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

“Nhà giáo làm hết chức phận của mình, hoàn thành công việc khó của sự dạy học, đó đã là quý, song song với đó, các thầy cô giáo tại VAECO còn hoàn thành nhiệm vụ công việc chuyên môn của mình một cách xuất sắc, điều đó càng quý hơn, vì nhà giáo hoàn thành xuất sắc công việc thì sẽ tạo nên sự xuất sắc cho nhiều người, nhiều học sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn, nhiều thử thách, vẫn làm tốt, làm xuất sắc công việc, đó là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ca ngợi”.

Đó là lời tri ân của TGĐ VAECO – Trần Quốc Hoài trong buổi gặp mặt các giáo viên tại Công ty. Và đó cũng chính là điều mà VNA Spirit đã có dịp chia sẻ, trò chuyện cùng “bác sĩ máy bay” – Hoàng Ngọc Thưởng trong dịp 20/11. 

alt text
Anh Hoàng Ngọc Thưởng giáo viên bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội. (Ảnh: NVCC).

“Nghề giáo nhắc nhở tôi phải luôn trau dồi, cập nhật, nâng cao kiến thức”

Gắn bó với VAECO từ năm 2003 sau thời gian trau dồi tại Học Viện Phòng Không-Không quân, 7 năm sau anh Hoàng Ngọc Thưởng chính thức trở thành giáo viên bảo dưỡng ngoại trường giảng dạy các môn Cơ bản và chuyển loại máy bay Airbus A320F, A330, A350  (Lý thuyết + thực hành). 

Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác đào tạo, anh Thưởng nói rằng mình là người yêu thích công việc kỹ thuật, nhưng cũng rất đam mê dạy học khi có cơ hội để thực hiện cả hai anh đã không ngần ngại nắm bắt. 

“Có thể nói mình đến với công việc giáo viên bảo dưỡng máy bay như là một cơ duyên. Tôi vui và tự hào khi công việc giáo viên của mình đã góp một phần công sức nhỏ bé vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân viên kỹ thuật có trình độ cao của công ty” – anh Thưởng bày tỏ.

Anh dù không nhớ chính xác mình đã đào tạo bao nhiêu học viên nhưng chắc con số trên 1.000 lượt, trong đó có cả những đồng nghiệp đàn anh những người từng chỉ bảo, hướng dẫn cho anh trong những ngày đầu mới chập chững bước vào nghề.

Khi được các kỹ sư, thợ máy là những đồng nghiệp với mình gọi là thầy, người thợ máy VAECO  cảm thấy có một sự tôn trọng. Đó không chỉ là sự tôn trọng trong cách xưng hô mà đó còn là sự tôn trọng công công việc, kinh nghiệm… và điều đó lại như một lời nhắc nhở anh phải luôn trau dồi, cập nhật kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.

Với vai trò của một giáo viên, cũng là một nhân viên kỹ thuật lâu năm, anh Thưởng cho rằng, giáo viên kỹ thuật bảo dưỡng ngoại trường là công việc đào tạo đặc biệt trong ngành hàng không.

“Với mình một giáo viên ngoại trường ngoài kiến thức chuyên môn vững vàng về lĩnh vực mình giảng dạy thì cần phải thường xuyên tham gia công việc sửa chữa, bảo dưỡng để duy trì, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật các thay đổi, cải tiến của nhà sản xuất. Thường ngày chúng ta hay nghe câu “học phải đi đôi với hành…” thì riêng trong ngành đào tạo kỹ thuật máy bay thì đó là điều bắt buộc” – anh chia sẻ. 

Bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, anh Thưởng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng không thể thiếu đối với giáo viên bảo dưỡng ngoại trường là niềm đam mê. Bởi trong quá trình đào tạo thực hành để tạo nên những kỹ năng thuần thục cho một nhân viên kỹ thuật cần phải có một quãng thời gian dài. 

Đặc biệt, đặc thù công việc bảo dưỡng cũng như các ngành dịch vụ khác, khi khách hàng nghỉ ngơi thì là lúc các kỹ sư, thợ máy VAECO bắt đầu làm việc. 

alt text
12 năm gắn bó với công tác đào tạo bảo dưỡng ngoại trường, anh Thưởng vẫn giữ lửa nhiệt huyết để mỗi ngày góp phần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay. (Ảnh: NVCC).

Hơn 1.000 lượt học viên và trải nghiệm thú vị

12 năm gắn bó với công tác đào tạo, anh Thưởng chia sẻ khó khăn đối với đào tạo thực hành với các nhân viên kỹ thuật máy bay đó là với đặc thù công việc bảo dưỡng ngoại trường gắn liền với hoạt động khai thác, có những công việc hoặc dạng hỏng hóc rất ít khi xuất hiện và không thể thực hiện thao tác tháo lắp trên máy bay đang tốt hoặc hệ thống đang tốt.

Vì vậy, để thực hành, trau rồi, anh và các đồng nghiệp luôn tận dụng giai đoạn thấp điểm khai thác các công việc bảo dưỡng theo kế hoạch, khắc phục các hỏng hóc tồn đọng sẽ được đưa vào thực hiện nhiều hơn vừa đảm bảo máy bay có tình trạng kỹ thuật tốt nhất vừa nâng cao kiến thức trong công tác đào tạo.

“Để vừa đảm bảo công tác bảo dưỡng vừa đảm bảo khai thác, ngay khi nhận được các yêu cầu thực hiện công việc sửa chữa bảo dưỡng bộ phận đánh giá của chúng tôi sẽ căn cứ vào nhân lực hiện có cùng các điều kiện để thực hiện như dụng cụ, khí tài, trang thiết bị mặt đất… để lên kế hoạch chi tiết thực hiện. Các công việc sẽ được đánh giá và phân theo mức độ ưu tiên theo đó những công việc có ảnh hưởng đến khai thác sẽ được thực hiện trước” – Người thợ máy với 20 năm kinh nghiệm chia sẻ. 

Nhiều năm đứng lớp, giảng dạy hơn 1.000 lượt học viên, làm bạn với “chú chim sắt” mỗi ngày, anh Thưởng không thể quên được lần đầu tiên đi dạy cho các nhân viên kỹ thuật của một hãng hàng không ở nước ngoài. Chuyến công tác kéo dài một tuần đã cho anh nhiều trải nghiệm thú vị.  

“Đó là lần đi dạy nhắc lại đối với máy bay A320F cho các nhân viên kỹ thuật của hãng Sky Angkor Airlines (Campuchia) năm 2017. Các nhân viên kỹ thuật của hãng này đến từ nhiều nước Đông Nam Á như Cambodia, Indonesia, Malaysia, Philipine và có cả từ châu Âu. Các nhân viên này đều đã có chứng chỉ và có kinh nghiệm trong bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. 

Điều ấn tượng đối với tôi đó là các học viên rất tích cực đặt ra câu hỏi cho giáo viên. Do có sự chuẩn bị kỹ kết hợp với kinh nghiệm trong những năm làm bảo dưỡng và giảng dạy ở VAECO nên tôi cũng không gặp mấy khó khăn”.

Trải nghiệm về giảng dạy đào tạo ấy càng làm anh thấm thía và mong muốn chia sẻ với các đồng nghiệp, các học viên rằng, đối với một nhân viên kỹ thuật nói chung cũng như nhân viên kỹ thuật hàng không nói riêng, yêu cầu phải có tính trung thực và tính kỷ luật cao, tuân thủ tuyệt đối các quy trình bảo dưỡng của nhà sản xuất cũng như nhà chức trách. Bên cạnh đó là không ngừng học tập, cập nhật kiến thức, có tinh thần cầu tiến, không tự mãn. Đảm bảo thực hiện bảo dưỡng sửa chữa với phương châm “Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay”.

Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.