[20/11] “Được lan toả kiến thức là tôi thấy hạnh phúc”

Bén duyên với nghề giáo từ năm 2005, cho tới nay, chị Nguyễn Thị Thanh Hà đã đi qua 17 năm làm “người lái đò tri thức”. Cũng từng ấy năm, chị gặp gỡ không biết bao nhiêu học viên, đồng hành cùng biết bao nhiêu thế hệ mà nay, họ vẫn đang là những đồng nghiệp thân thiết của chị trong đại gia đình VNA.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Bén vì duyên, gắn bó vì đam mê

Bao thế hệ đã sang sông

Thầy cô luôn mãi vọng trông theo cùng

Mặc cho mưa gió bão bùng

Vẫn âm thầm thắp sáng vùng trời mơ

Những câu thơ như một lời mô tả chân thực nhất cho những năm tháng làm giáo viên đào tạo tại “mái trường” VNA Group của chị Nguyễn Thị Thanh Hà – Cán bộ đội P.TMHH, GV kiêm nhiệm môn Hàng hóa cơ bản, Hàng hóa nguy hiểm của Chi nhánh Việt Nam.

alt text
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà đã đi qua 17 năm làm “người lái đò tri thức”. (Ảnh: NVCC).

Bén duyên với nghề giáo từ năm 2005, cho tới nay, chị đã đi qua 17 năm làm “người lái đò tri thức”. Cũng từng ấy năm, chị gặp gỡ không biết bao nhiêu học viên, đồng hành cùng biết bao nhiêu thế hệ mà nay, họ vẫn đang là những đồng nghiệp thân thiết của chị trong đại gia đình VNA.

“Như một cơ duyên, tôi ban đầu không nghĩ mình có thể đi dạy. Tôi yêu nghề và muốn bản thân làm thật tốt công việc của mình. Ở thời điểm đó, công tác đào tạo đã được VNA đầu tư rồi. Nhân sự của VNA lần lượt được cử đi tham dự những khoá đào tạo của IATA hay của các hãng khác. Theo thời gian, VNA càng ngày càng phát triển, kiến thức đã học cần chia sẻ cho các đồng nghiệp cũ, mới, rồi với khách hàng. Thế là một ngày đẹp trời, sếp cử mình đi dạy. Vậy là mình bắt đầu xây dựng giáo trình và đào tạo cho đồng nghiệp. Cứ thế, mình gắn bó với nghề đào tạo này từ lúc nào chẳng hay” – Chị Thanh Hà tâm sự.

Tuy nhiên, hàng hoá cơ bản, hàng hoá nguy hiểm đều là những môn học đi từ khó tới rất khó, nên đã tạo ra thách thức không nhỏ đối với cả người dạy lẫn người học. 

Hàng hoá cơ bản bao hàm những kiến thức khá rộng, bộ môn này sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện về tổ chức ngành, từng khâu vận hành, từng vị trí làm việc trong 1 chu trình, mà từ bước đầu tiên cho tới bước cuối cùng tiếp nhận hàng hoá phải đảm bảo được các quy định phức tạp của hãng cũng như của sân bay, hay của các tổ chức hàng không.

Với hàng hoá nguy hiểm, môn học không chỉ cung cấp những kiến thức chung, tổng quát cho những người làm trong ngành vận tải hàng hoá đường không, mà còn giúp người học nâng cao ý thức, tuân thủ quy định để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, sao cho yếu tố an toàn cho mỗi chuyến bay được đặt lên hàng đầu.

Vì thế, chị Hà tổ chức giáo án thật kỹ lưỡng. Là giáo viên kiêm nhiệm nên sự ngặt nghèo về thời gian là điều khó tránh. Có điều, vì đam mê với nghề, chị vẫn cố gắng để sắp xếp thời gian, tranh thủ sau giờ làm để chuẩn bị cho các buổi đào tạo của mình.

Thậm chí, các giáo viên khác trong tổ đều xem chị Hà như một cột trụ quan trọng của nhóm. Bởi không chỉ hoàn thành phần việc được giao, chị còn rà soát công việc của các thành viên còn lại để đôn đốc, giúp đỡ khi cần, dù đây không phải trách nhiệm của chị.

Hạnh phúc là được chia sẻ

Đối với chị, chỉ sợ kỹ năng sư phạm của mình chưa đủ tốt để chia sẻ với mọi người, sợ đồng nghiệp không đủ nhiệt tình với môn học, còn lại, chị chẳng sợ gì. Vất vả một chút, mà có thể lan toả được kiến thức và cảm hứng cho đồng nghiệp, chị sẽ thấy hạnh phúc.

Khi giảng dạy cho học viên, chị Hà thường đứng lớp với tư cách là người được tiếp cận kiến thức trước và chia sẻ lại kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Chị khuyến khích các bạn đặt ra câu hỏi phản biện, đào sâu kiến thức. Trong những lần đi dạy ở 1 số sân bay địa phương trong nước, thấy các bạn thích thú với môn học, chịu khó phản biện, và có những thắc mắc rất xác đáng là chị có thể vui cả ngày. 

alt text
Chị Hà đã gặp gỡ không biết bao nhiêu học viên, đồng hành cùng biết bao nhiêu thế hệ mà nay, họ vẫn đang là những đồng nghiệp thân thiết của chị trong đại gia đình VNA. (Ảnh: NVCC).

Có bạn học xong mới biết là trong phòng làm việc của họ đang có những kiện hàng được mang vào phục vụ công việc, nhìn thì, bình thường, thực tế trên thông tin kiện hàng đều ghi rõ là hàng nguy hiểm. Các bạn nhận ra là hàng hoá nguy hiểm thực chất không phải là thứ gì xa lạ, có khi là cục sạc dự phòng, chai nước hoa, hay đồ y tế thôi, nhưng khi tiếp xúc, tiếp nhận, vận chuyển chúng ta cần đối xử với chúng như thế nào, làm việc ra sao sẽ quyết định chúng an toàn hay nguy hiểm.

“Từ khi dịch Covid xuất hiện, vấn đề đào tạo cũng có nhiều thay đổi, với những hình thức mới hơn, như nhiều khoá học chuyển sang đào tạo online, khiến chất lượng đào tạo rất khó kiểm soát” – chị Hà chia sẻ. Thế nhưng, chị sẽ vẫn nỗ lực hết sức để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tới học viên với hy vọng sẽ nhìn thấy được những kết quả học tập như mong muốn.

Ngày 20/11 đang tới gần, chị Hà mong các giáo viên của TCT luôn có sức khoẻ, giữ được đam mê để tiếp tục nhiệm vụ do TCT giao phó và hoàn thành với trách nhiệm cao nhất, đào tạo ra những thế hệ học viên vững vàng trong công tác của mình.

Spirit Vietnam Airlines
Share bài viết:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chào mừng trở lại!

Đăng nhập vào tài khoản của bạn dưới đây

Lấy lại mật khẩu của bạn

Vui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email để đặt lại mật khẩu của bạn.