Tôi là Albert Tiong, hiện là giảng viên tại Bay Việt, nay đã giảng dạy tại đây đã hơn 3 năm rưỡi.
Tôi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại Singapore Flying College (SFC), một trường đào tạo bay cho Singapore Airlines. Sau gần hai năm, tôi chuyển sang một trường đại học khác, dạy các môn học về hàng không cho sinh viên. Không lâu sau đó tôi đã tham gia đào tạo cho ST Aerospace Academy, hướng dẫn các môn ATPL cho học viên của Qatar Airways cũng như Quản lý Nguồn lực Phi hành đoàn cho học viên Tiger Airways.
Tôi chưa từng nghĩ đến việc giảng dạy cho đến khi bắt đầu khóa huấn luyện bay 12 năm về trước. Như bất kỳ phi công tham vọng nào, dự định của tôi là nhanh chóng hoàn thành khóa đào tạo và gia nhập một hãng hàng không, đi theo giấc mơ phi công thời thơ ấu. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng biết được các quy định và chính sách hàng không thay đổi, và một trong số đó là về việc chuyển đổi giấy phép lái máy bay nước ngoài sang giấy phép Singapore, mà tại thời điểm khi tôi hoàn thành khóa đào tạo, Cục Hàng không Dân dụng Singapore yêu cầu người có giấy phép nước ngoài phải có ít nhất 700 giờ bay trước khi yêu cầu nào chuyển đổi được cân nhắc.
Lúc đó, không điều gì có thể miêu tả được nỗi thất vọng của tôi khi biết được chính sách mới này. Tuy nhiên, tôi quyết tâm không để việc huấn luyện bay của mình trở nên lãng phí. Nên ngay sau khi lấy được giấy phép bay, tôi tìm hiểu và biết được tin SFC đang tuyển dụng Giảng viên mặt đất cho Giáo trình ATPL thuộc Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA) mới của họ. Và vì tôi được huấn luyện theo chính phương pháp EASA, tôi đã được tuyển dụng và trở thành giáo viên tại SFC và sớm bắt đầu giảng dạy các môn ATPL cho phi công của Singapore Airlines Group.
Một thời gian bẵng qua, tôi nhận ra mình rất thích đứng trước lớp để truyền đạt kiến thức, một điều đến tôi cũng thấy ngạc nhiên với bản chất hướng nội của mình. Và thậm chí sau khi Cục Hàng không Dân dụng Singapore nới lỏng quy định liên quan đến việc chuyển đổi giấy phép, tôi vẫn quyết định theo đuổi sự nghiệp giảng viên.
Phong cách dạy của tôi hơi khác so với giáo viên điển hình chỉ truyền đạt kiến thức. Tôi hoàn toàn đồng ý với chính sách mới của EASA về việc đào tạo phi công có năng lực, thay vì chỉ biết tuân thủ. Phương pháp đào tạo phi công truyền thống yêu cầu các học viên phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định, ví dụ học sinh phải đạt điểm đậu tối thiểu 75% cho mỗi môn học. Vấn đề của phương pháp đó là hầu hết học viên sẽ ưu tiên đạt điểm cao thay vì thật sự học, nên ngay cả khi đã qua môn học, các em nắm rất ít kiến thức chứ chưa nói đến khả năng vận dụng khi gặp vấn đề, đặc biệt là trong các tình huống bất thường và các trường hợp khẩn cấp.
Vậy năng lực là gì? Nói một cách đơn giản là “có khả năng, kỹ năng và kiến thức cần thiết để làm một điều gì đó thành công”. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Hiệp hội Phi công Hàng không Quốc tế (IFALPA) đã cùng nhau phát triển một định nghĩa “hàng không” về năng lực được hiểu là: “Sự kết hợp giữa kiến thức (knowledge), kỹ năng (skill) và thái độ (attitude) cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ theo tiêu chuẩn quy định”.
Vậy điều gì đã khiến tôi theo đuổi phong cách giảng dạy dựa trên năng lực? Thái độ là một trong ba yếu tố cần thiết để chứng minh năng lực của phi công. Vấn đề với đào tạo hàng không là hầu hết các tài liệu đào tạo và các kỳ kiểm tra đều nhằm mục đích đảm bảo cho học viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp, chứ không dạy họ có một thái độ đúng đắn. Vì vậy, ngoài việc dạy kiến thức cho học viên, tôi thấy cần phải trau dồi thái độ sống đúng đắn cho các em, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của quá trình đào tạo để các em có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm đáp ứng kỳ vọng của ngành.
Albert Tiong luôn tâm niệm rằng điều quan nhất đối với một phi công là năng lực. (Ảnh: NVCC)
Để trở thành người có năng lực, phi công phải chứng minh khả năng của mình để thông thạo một số “kỹ năng cốt lõi”. Kỹ năng cốt lõi được định nghĩa là “Một nhóm hành vi dựa trên các yêu cầu công việc nhằm thực hiện công việc một cách hiệu quả và đạt hiệu suất cao”. EASA đã liệt kê 9 kỹ năng cốt lõi cho phi công như sau:
- Quản lý Đường bay – Lái thủ công
- Quản lý Đường bay – Lái tự động
- Áp dụng các quy trình
- Áp dụng kiến thức
- Khả năng giao tiếp
- Khả năng lãnh đạo và làm việc theo nhóm
- Quản lý khối lượng công việc
- Giải quyết vấn đề và khả năng đưa ra quyết định
- Nhận thức tình huống
Thật không may, hầu hết các trường đào tạo và giảng viên ít chú trọng lên những kỹ năng này. Tôi thấy cần phải phát triển các năng lực cốt lõi của học viên để họ có thể vượt qua sự mong đợi của các cơ quan quản lý, nhà tuyển dụng và khách hàng tương lai của họ. Do đó, trong các lớp học, ngoài việc truyền đạt kiến thức ATPL, tôi còn tổ chức các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng cốt lõi của học viên.
Nghề giảng viên luôn mang đến cho tôi cảm giác rất thỏa mãn, đặc biệt khi thấy các học viên của mình giờ đây đã đạt được ước mơ mà tôi từng có. Bất cứ khi nào tôi có cơ hội trở thành một trong những hành khách của họ, tôi cảm thấy trong mình niềm tự hào vô cùng, khi biết rằng mình đã đóng góp một phần nhỏ trong hành trình của họ.
Giảng dạy học sinh có thể là công việc tôi đang làm bây giờ, nhưng nhiệm vụ tiếp theo của tôi là đào tạo giáo viên. Tôi rất mong sớm được chào đón lứa thực tập sinh giáo viên đầu tiên của mình, để hỗ trợ và giúp họ trở chuyên gia giỏi mà ngành hàng không đang cần.
Nguyen Xuan Nghia – COMM