Sáng 5/12, anh Nguyễn Trường Chinh, người đàn ông 43 tuổi với dáng vẻ lịch lãm của một doanh nhân ngồi ở ghế 15D có lịch bay Hà Nội đi TP HCM. Kể từ khi về Việt Nam cách đây 6 năm, anh là khách hàng quen thuộc của Vietnam Airlines với tần suất khoảng mỗi tuần một chuyến.
Hôm nay, với anh mọi thứ không có gì khác thường. Nhưng thực tế đây lại là một trong những lần bay đặc biệt nhất từ trước đến nay. Điều bất ngờ xảy đến khi máy bay đã đạt độ cao ổn định, loa phát thanh thông báo trên chuyến bay hôm nay có hành khách thứ 200 triệu của Hãng hàng không Quốc gia và gọi tên anh là người khách may mắn.
"Unbelievable", vị khách từng ở Mỹ nhiều năm và mới trở lại Việt Nam 6 năm nay thốt lên khi nói về cảm xúc của mình. "Cảm giác như trúng số. Tôi đã chơi 'lottery' nhiều nhưng chưa trúng lần nào", anh vui vẻ cho biết. Xuống máy bay, vị khách còn được chào đón bởi các lãnh đạo hãng cùng món quà là 200.000 dặm thưởng vào tài khoản Bông Sen Vàng và hai cặp vé khứ hồi quốc tế.
Vietnam Airlines chọn anh là hành khách thứ 200 triệu dựa trên hệ thống check-in. Sau quá trình đo đếm, hãng áng chừng con số đặc biệt sẽ xuất hiện trên chuyến bay từ Hà Nội đi TP HCM mang số hiệu VN223 sáng 5/12, do đó chuẩn bị sẵn một buổi lễ ở sân bay Tân Sơn Nhất để chào mừng. "Sau khi các hành khách check-in là chúng tôi đã biết ngay vị khách đó là ai, đồng thời xác định luôn người có thứ tự liền trước và sau", đại diện hãng giải thích.
Hành khách thứ 200 triệu Nguyễn Trường Chinh (phải) nhận hoa chúc mừng từ Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành (trái).
Ngoài dấu mốc riêng cho Vietnam Airlines, con số 200 triệu còn chứng tỏ sự bùng nổ của thị trường hàng không trong những năm qua. Nếu như hãng mất 18 năm để chào đón vị khách thứ 100 triệu, thì nâng gấp đôi con số này chỉ cần 6 năm. Riêng với Vietnam Airlines, tốc độ tăng trưởng hành khách trong 10 năm qua thường xuyên ở mức hai con số, có năm tăng tới 30% như vào năm 2012. Thành tích này cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 5,5% trong 10 năm của thị trường hàng không thế giới (theo số liệu của Hiệp hội hàng không quốc tế IATA).
Ngày 22/11/1995, Hàng hàng không Quốc gia đón hành khách thứ 2 triệu trên sân bay Nội Bài.
Vào ngày 27/5/1995, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định thành lập Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở liên kết 20 doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực, lấy Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam làm nòng cốt.
Vào những ngày đó, đội bay của hãng chỉ gồm 25 chiếc, chủ yếu là các loại tàu bay thân hẹp của Liên Xô cũ như Antonov, Tupolev. Mạng đường bay cũng khá ít ỏi với 18 đường bay trong nước và 25 đường bay quốc tế. Số lượt khách đi lại bằng đường hàng không trong thời gian này ở con số khiêm tốn so với ngày nay là 2,2 triệu trong một năm.
Thời kỳ này, Mỹ vừa tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Đây là cơ hội cho Vietnam Airlines do ngay từ đầu, hãng xác định cần đi thẳng vào những công nghệ kỹ thuật hiện đại. Từ đó, hãng bắt đầu tiến hành loạt cải tiến trong đội bay, dần thay thế bằng những loại máy bay hiện đại của phương Tây.
Đến giai đoạn 2006 – 2010, Vietnam Airlines đã thực hiện đầu tư 8 dự án tàu bay, với tổng giá trị khoảng 90.000 tỷ đồng. Từ con số 25 chiếc ban đầu, đội bay tăng dần lên 38 chiếc năm 2005 và 70 chiếc vào năm 2010. Không chỉ gia tăng về số lượng, đội bay của Vietnam Airlines thời kỳ này gồm những chiếc tàu bay với độ tuổi trung bình ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Ngày nay, Vietnam Airlines sở hữu 93 chiếc hiện đại, trong đó có hai thế hệ tàu bay mới nhất là 11 chiếc Boeing 787-9 và 9 chiếc Airbus A350.
Cùng với sự phát triển của hàng không trong nước, lượng khách đi máy bay ngày càng gia tăng. Nếu như suốt giai đoạn 1995 đến 1999, mỗi năm hãng có chưa đến 3 triệu lượt khách, thì sang giai đoạn 2005 đến 2010, con số gia tăng gấp đôi từ 5,9 triệu lượt lên 12,4 triệu lượt. Dự kiến trong năm nay, hãng sẽ phục vụ được 21 triệu lượt người.
Theo ước tính, tổng quãng đường bay đã thực hiện trong 22 năm qua đạt gần một tỷ km, tương đương 20.000 vòng quanh Trái đất.
Hàng không trong nước đang trải qua thời kỳ phát triển chậm lại. Việt Nam từng nằm trong trong Top những thị trường nội địa tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2016, từ 20 đến 30% mỗi năm. Tuy vậy, sau bốn năm liên tiếp duy trì mức tăng hai con số, thị trường có dấu hiệu đi chậm hơn trong 2017. Dự báo tăng trưởng năm nay dưới 10%, theo số liệu của Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA).
Riêng với Vietnam Airlines, đây lại là năm khởi sắc khi lần đầu tiên kể từ năm 2011 tăng trưởng nhanh hơn tốc độ trung bình của thị trường. CAPA ước tính thị phần hãng năm nay vươn từ 43% lên 44%, so với con số 42% năm 2016 và tiếp tục đóng vai trò người dẫn đầu.
Nói với VnExpress tại sự kiện sáng 5/12, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết đây là năm thứ hai liên tiếp hãng đạt kỷ lục về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo dự báo của lãnh đạo hãng, doanh thu năm 2018 sẽ tăng trưởng khoảng 13% so với 2017 còn lượng khách tăng thêm khoảng 10%.
Đó sẽ là bối cảnh thuận lợi cho kế hoạch niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến sẽ diễn ra đầu 2018. Mới đây nhất, hãng đã nhận được giải thưởng "Hãng hàng không của năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương" do CAPA trao tặng nhờ các chỉ số tài chính ấn tượng và quá trình cổ phần hóa diễn ra thành công.
Là một khách hàng thân thiết của Vietnam Airlines, anh Nguyễn Trường Chinh nhận thấy hãng hàng không có nhiều thay đổi lột xác trong những năm gần đây. "Chất lượng dịch vụ được nâng cao, tỷ lệ đúng giờ ngày càng tăng, nếu có thay đổi giờ thì cũng báo sớm để mình sắp xếp thời gian, phòng VIP sạch sẽ", anh nhận xét. Từng ở Mỹ nhiều năm, anh cho biết chất lượng dịch vụ của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam không thua kém. "Tôi chỉ góp ý nho nhỏ là nhiều khi muốn đổi kênh chương trình đang xem lại không được vì không có lựa chọn", anh cười cho biết.
Những cảm nhận về sự thay đổi của hành khách như anh Chinh không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả của một quá trình dài Vietnam Airlines theo đuổi mục tiêu trở thành hãng hàng không 4 sao theo xếp hạng của Tổ chức Đánh giá và xếp hạng hàng không Skytrax. Để lên hạng từ 3 lên 4 sao, hãng phải vượt qua 972 tiêu chí với mục tiêu "Tất cả vì sự hài lòng của khách". Không chỉ học hỏi từ các hãng hàng không 4 và 5 sao thế giới, hãng còn cử người đến các nhà hàng, khách sạn cao cấp như Hyatt, Metropole để học về quy trình phục vụ, chế biến đồ uống. Riêng năm 2015, hãng tổ chức hơn 120 lớp đào tạo cho 3.100 lượt nhân viên. Vào tháng 7/2016, hãng chính thức nhận được Chứng chỉ 4 sao, đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình hoàn thiện hình ảnh và chất lượng.
"Chúng tôi phát triển trên cơ sở chính là khách hàng", Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành nói tại sự kiện sáng nay. Theo lãnh đạo hãng, sự hài lòng của khách chính là một trong những thước đo quan trọng nhất đánh giá sự thành công của một hãng hàng không.
Sau sự kiện chúc mừng nhanh gọn kéo dài khoảng 15 phút, anh Nguyễn Trường Chinh lại tiếp tục hòa vào dòng người rời khỏi sân bay, tiếp tục chuyến công tác tại TP HCM. Ít ngày tới, anh sẽ về Hà Nội để quay lại công việc hàng ngày. "Tất nhiên, tôi vẫn sẽ chọn dịch vụ của Vietnam Airlines", anh cho biết.
TTNB