Tinh thần nhân văn trong xử lý công tác phòng chống tham nhũng của Tổng bí thư
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” với các Giá trị cốt lõi của cuốn sách là cẩm nang về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam, tài liệu quý dành cho người lãnh đạo, những người trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần. Phần thứ nhất “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” đã đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Và đúng như Tổng bí thư đã khẳng định trong bài viết đầu tiên đó là “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!”
Phần thứ hai với chủ đề “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” tuyển chọn các bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là nội dung trọng tâm của Cuốn sách. Xuyên suốt trong các nội dung này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Phần thứ ba “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt“, trích đăng ý kiến của tầng lớp nhân dân về tình yêu kính trọng của các tầng lớp nhân dân với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Từ những bài viết trong cuốn sách chúng ta có thể cảm nhận về tinh thần nhân văn trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực của Tổng bí thư, bởi xuyên suốt các nội dung cuốn sách thì trọng tâm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.
Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm để tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta. Chúng rêu rao rằng, “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”, “thanh trừng phe phái”… nhưng qua 600 trang của cuốn sách có thể thấy tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng lấy “phòng” hơn “ chống”, trong đó trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng.
Tổng bí thư nhiều lần khẳng định: “không phải xử cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa không xảy ra mới là tốt, chống cũng là để xây, mục đích xây cho tốt để đỡ phải chống”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng- Người Cộng sản chân chính
Trăn trở về việc phòng ngừa tham nhũng tiêu cực từ sớm từ xa, cả gốc lẫn ngọn. Trong cuốn sách cũng đề cập những nội dung quan trọng trong việc rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi tự sửa. Với vai trò là người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giữ giữ cốt cách cao quý của người cộng sản- tấm gương sáng cho toàn bộ cán bộ Đảng viên noi theo.
Đúng như Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng cao, càng bền vững…. Là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị rất cao, đồng chí đã chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ hiện thân của sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ, sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động cụ thể trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Nhờ vậy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”
Ở cách thức đấu tranh phòng chống tham nhũng của Tổng bí thư luôn lấy “phòng” hơn “chống”, trong đó trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”, hay “để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”, phải xuất phát từ “cái gốc của mọi công việc”, đó là cán bộ và công tác cán bộ, bởi lẽ, “Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng”.
Có thể thấy nỗi niềm đau đáu của Tổng bí thư về nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng. Theo đó mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Cán bộ, đảng viên phải phải luôn tiền phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.
Ban Truyền thông với vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các tấm gương tốt, việc làm hay, ngăn chặn thông tin xấu, độc và tăng cường công tác rèn luyện, tự soi, tự sửa.
Chúng ra đều biết truyền thông có sức lan tỏa nhanh, hiệu ứng mạnh ở phạm vi rộng, với vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận trong dư luận. Nhờ truyền thông mà các tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo TCT thường xuyên được cập nhật, rõ ràng, thông tin có định hướng tư tưởng chính thống tới toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu và tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, Tổng công ty…từ đó các chủ trương, định hướng lớn được cụ thể hóa tại TCT, các cơ quan, đơn vị, thực hiện được thành công các chính sách, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ cho TCT, các cơ quan, đơn vị và xã hội. Tuy nhiên, để truyền thông đạt hiệu quả cao thì rất cần thiết phải có chất liệu để truyền tải tới công chúng và Cuốn sách của Tổng bí thư là một chất liệu quý. Tại sao lại có thể nói như vậy?
Một là, cuốn sách là sự tổng kết quan trọng từ thực tiễn phòng chống Tham nhũng tiêu cực, giúp người đọc nhận diện được mặt trái của kinh tế thị trường, các mặt chưa hoàn thiện của cơ chế có thể dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm..v.v Hai là, cuốn sách đặt ra phương thức đúng đắn và hiệu quả về phòng chống Tham nhũng tiêu cực đó chính là từ việc làm tốt công tác cán bộ, và nâng cao hơn nữa năng lực, phẩm chất, đạo đức của mỗi cán bộ.
Ba là, cuốn sách giúp toàn thể nhân dân thấy được sự đoàn kết, sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân với công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực. Từ đó thêm tin tưởng về xu thế không thể đảo ngược này.
Với tầm quan trọng nêu trên nên việc thông tin, phổ biến, lan tỏa các thông điệp, các giá trị của cuốn sách của Tổng bí thư tới toàn thể người lao động là nhiệm vụ quan trọng của Ban truyền thông. Với tiếp cận như trên, Ban Truyền thông đã tìm tòi nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Cụ thể như sau:
Một là, tìm tòi các biện pháp hay, cách làm mới để phổ biến qua các kênh truyền thông nội bộ hiện có như: trang tin nội bộ, các bài viết tìm hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và đồng thời là sự phát triển sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Truyền thông cũng đã và đang tích cực nghiên cứu các Nghị quyết về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, đẩy mạnh công tác truyền thông về nội dung này một cách linh hoạt, chủ động sáng tạo.
Cụ thể trong các đợt sinh hoạt Chi bộ Ban đã cắt cử đội ngũ đoàn viên, thanh niên trẻ tìm tòi sách hay liên quan đến công tác truyền thông về nhiều hoạt động của VNA trong đó có nội dung đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, thay vì nhiều người phải đọc sách, mất nhiều thời gian.
Đồng chí Trưởng Ban đã chỉ đạo mỗi đồng chí đoàn viên thanh niên sẽ trình bày một chủ đề tại hội nghị Chi bộ, hoặc hội nghị sinh hoạt toàn Ban, sau khi phần trình bày kết thúc, mọi người tiến hành trao đổi thảo thuận những mặt ưu điểm, những mặt cần bổ sung hoàn chỉnh, có thể nói đây là cách làm mới, sáng tạo, tạo bầu không khí sinh hoạt hấp dẫn, cởi mở, đem lại hiệu quả cao trong sinh hoạt tập thể, xây dựng văn hóa đọc, văn hóa học, văn hóa hiểu, văn hóa VNA, con người VNA. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là vấn đề không mới, nhưng là vấn đề khó khăn, phức tạp và đang là vấn đề nóng hơn bao giờ hết, luôn cần sự quan tâm, đồng lòng của tất cả mọi người.
Hai là, Trong thời đại thông tin rất đa chiều, nhiều lực lượng phản động tung các thông tin xấu-độc về công cuộc phòng chống tham nhũng cố tình bôi nhọ, phủ nhận những thành quả, đóng góp của Đảng, Nhà nước. Chúng còn phóng đại một số khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp Nhà nước và TCT HKVN, xuyên tạc, quy chụp về những khó khăn của Tổng công ty. Ban Truyền thông cần phối hợp tốt với Ban Tuyên giáo đảng ủy tìm các giải pháp để trở thành tấm khiên-bộ lọc các nội dung xấu, độc. Truyền tải thông tin từ các nguồn chính xác và chính thống. Tránh để các thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến niềm tin, tư tưởng…. của CB, ĐV, NLĐ trong TCT cũng như toàn xã hội.
Ba là, nhân rộng các điển hình hay, các tấm gương người tốt- việc tốt trong Ban và trong Tổng công ty từ đó lan tỏa việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần phòng chống tham nhũng tiêu cực từ xa từ sớm. Cụ thể: chuyên mục: ”Người tốt-Việc tốt” của trang tin nội bộ VNA Spirit được các đơn vị hưởng ứng tích cực.
Bốn là, thời gian tới, Ban đang tìm các giải pháp để đi sâu, đi sát vào các cơ quan, đơn vị trong Tổng công ty, tìm tòi và mạnh dạn thông tin các vấn đề mặt trái trong nội bộ như: bệnh sợ trách nhiệm, móc ngoặc, tham ô, lãng phí…v.v . Phối hợp sâu sát với ban TGĐU để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương…. đồng thời theo dõi, cập nhật, cảnh báo… nhằm mục tiêu cảnh tỉnh từ sớm, từ xa trên tinh thần xây dựng về những biểu hiện, hành vi… có thể dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, lãnh phí. Giúp các đơn vị cải thiện các vấn đề của đơn vị mình
Năm là, tiếp tục tìm các biện pháp tuyên truyền thông tin về tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả, tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ lớn của Đất nước, của TCT, góp phần xây dựng tinh thần yêu nước, yêu tổ chức Đảng, yêu TCT và xây dựng đoàn kết trong cán bộ người lao động TCT theo đúng như Tổng bí thư đã chỉ bảo:”trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” góp phần tích cực không chỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực mà còn trong công tác sản xuất kinh doanh.
Như vậy có thể nói việc lan tỏa các nội dung của Cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” không chỉ giúp mỗi người lao động có cơ hội tự soi, tự sửa từ đó tu dưỡng, phát triển bản thân mà còn góp phần quan trọng trong việc thực hiệu thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của Đảng bộ TCT năm 2023.
Đỗ Đông Hưng – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Ban TT
Bài viết hay, thể hiện sự đầu tư thời gian và công sức tìm hiểu rất nhiều!
Chúc mừng chi bộ Ban Truyền thông, mong Chi bộ luôn duy trì và phát huy hơn nữa các hoạt động ý nghĩa!