3.1. Làm mới những động lực cơ bản trong kinh doanh để đứng vững và phát triển
Để thực hiện tốt vai trò là lực lượng của nhà nước dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển lành mạnh, bền vững và đúng định hướng, trước hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần thực hiện các biện pháp để duy trì “sức khỏe” của doanh nghiệp, đứng vững và phát triển dẫn đầu trong ngành và lĩnh vực được nhà nước phân công.
Trong thực tiễn quản trị doanh nghiệp nhà nước, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần làm mới những động lực cơ bản như: tiêu dùng, xuất khẩu và tạo ra động lực tăng trưởng mới để nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, đứng vững với vai trò là trụ cột của nền kinh tế và có những bước phát triển vững chắc.
Trước hết, về tiêu dùng, cần tăng cường kết nối cung cầu, kích cầu tiêu dùng trong nước, coi thị trường trong nước là thị trường cốt lõi, tận dụng sức tiêu dùng của thị trường nội địa gần một trăm triệu dân. Trước hết là kích cầu thông qua việc làm mới sản phẩm dịch vụ, cập nhật xu thế, nâng cao hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm dịch vụ, đổi mới hình thức và chất lượng sản phẩm. Tiếp theo đó, cần tạo điều kiện cho các hoạt động mua bán được thuận lợi thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quảng cáo và bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, việc liên kết với các ngân hàng, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thanh toán để hỗ trợ người mua cũng là một biện pháp kích cầu tiêu dùng hiệu quả. Sau cùng, chính sách hậu mãi, khuyến khích tiêu dùng, chế độ chăm sóc khách hàng đi cùng với công cụ “Big Data” sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp khai thác kho dữ liệu về khách hàng để nâng tầm dịch vụ và gắn kết khách hàng với sản phẩm dịch vụ và thương hiệu của mình. Ngoài ra, ở phạm vi bên ngoài, các doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra các chuỗi liên kết trong nước, giảm lệ thuộc nước ngoài
Ngoài các giải pháp tự thân, các cấp ủy Đảng cần chú trọng triển khai tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần tích cực tham gia và đẩy mạnh truyền thông và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cung cấp các chính sách khuyến mại, giảm giá làm động lực để các doanh nghiệp có ý thức liên kết, chia sẻ cơ hội hợp tác trao đổi sản phẩm trong chuỗi cung ứng, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên vật liệu sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Khi các doanh nghiệp, hiệp hội chung tay tích cực ủng hộ sản phẩm “made in Việt Nam” thì xu thế ấy sẽ không mất nhiều thời gian để lan tỏa đến khách hàng, lôi cuốn người tiêu dùng vào ủng hộ hàng hóa dịch vụ sản xuất trong nước, toàn dân cùng tích cực xây dựng tham gia phát triển doanh nghiệp trong nước, từ đó góp phần phát triển bền vững nền kinh tế đất nước
Trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, việc làm mới các động lực xuất khẩu từ góc độ doanh nghiệp có thể bắt đầu ngay từ việc kết nối và mở rộng ra các thị trường mới đông dân và có yêu cầu chất lượng không quá khắt khe như: Châu Phi, Trung Đông, Mỹ La tinh…, tuy không phải là các thị trường truyền thống nhưng lại rộng lớn và rất tiềm năng với những rào cản kỹ thuật không quá khắt khe.
Thêm vào đó, việc doanh nghiệp đầu tư vào việc gia tăng tính độc đáo riêng có của sản phẩm bằng cách đưa yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử, tự nhiên của đất nước con người Việt Nam vào sản phẩm từ những chất liệu, bí kíp sản xuất mang tính địa phương thông qua những câu chuyện, những chiến lược truyền thông bài bản cũng tạo ra lợi thế của sản phẩm dịch vụ trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, đối với thị trường quốc tế, các doanh nghiệp nhà nước sản xuất cung ứng hàng hóa dịch vụ xuất khẩu còn cần đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu thị trường và thị hiếu của các thị trường mục tiêu để đón đầu các xu hướng tiêu dùng mới, luôn vận động không ngừng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.
3.2. Thực hiện chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững
Bên cạnh các biện pháp kích cầu trực tiếp, làm mới các động lực tiêu dùng, xuất khẩu, doanh nghiệp nhà nước cũng không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả quản lý và đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và bắt kịp xu thế.
Các doanh nghiệp nhà nước ngày nay đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Điều này đã tạo ra động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp nhà nước tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững. Cùng với xu thế phát triển đó, việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “Chuyển đổi Kép”, không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Trước hết, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hóa, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả. Đồng thời, chuyển đổi xanh tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, tạo ra việc làm và thúc đẩy sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin như: trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)…vào việc làm mới và khai thác tối ưu trải nghiệm khách hàng và nâng tầm các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu để kích cầu và đáp ứng nhu cầu cao hơn của các thị trường truyền thống. Hơn thế nữa, doanh nghiệp nhà nước cũng cần thích ứng nhanh với sự chuyển hướng hoạt động sản xuất kinh doanh và truyền thông các sản phẩm dịch vụ có hàm lượng “Organic” cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, …vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, vừa chung tay hội nhập với các hoạt động phát triển kinh tế bền vững.
Việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đi đầu trong xu hướng phát triển bền vững sẽ tạo hiệu ứng quan trọng, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác noi theo, phát huy tốt vai trò đầu tầu của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.
3.3. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với phát triển bền vững
Văn hóa doanh nghiệp ngoài việc tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, đoàn kết, văn minh còn có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện sứ mệnh, tầm nhìn, vai trò dẫn dắt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Bài học kinh nghiệm sâu sắc mà nhiều dân tộc trên thế giới đã cho chúng ta thấy, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc chính là chìa khóa cho sự phát triển hùng cường. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước cần đảm bảo những yếu tố sau:
Một là, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bản sắc văn hóa, đạo đức kinh doanh, nâng cao tính tự lực tự cường, tự vươn lên, phát triển bằng nội lực. Trong đó cần thể hiện rõ nét lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc trong triết lý kinh doanh và giá trị vật chất, giá trị văn hóa của sản phẩm dịch vụ; xây dựng sức mạnh của doanh nghiệp từ các phong trào “Thi đua yêu nước” khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức mạnh của người lao động trong doanh nghiệp vào việc đưa thương hiệu Việt Nam đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp nhà nước với vai trò đầu tầu trong phát triển kinh tế và phục vụ an sinh xã hội, giáo dục người lao động thấm nhuần và đồng lòng thực hiện triết lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Vietnam Airlines là một ví dụ điển hình cho việc đưa các yếu tố văn hóa bản sắc và tự hào dân tộc vào sản phẩm. Năm2022, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam được tổ chức World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa” (World’s Leading Cultural Airline) nhờ chất lượng dịch vụ được nâng cấp mạnh mẽ theo hướng phát huy những giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Giải thưởng cũng đề cao vai trò của Vietnam Airlines trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Không chỉ được đánh giá cao bởi cấu thành sản phẩm dịch vụ đậm chất Việt Nam từ thực đơn món ăn trên máy bay như: bún chả Hà Nội, bánh mỳ sốt vang, bún bò Huế, mỳ Quảng, bún trộn thịt nướng, hủ tiếu Mỹ Tho…đến các loại trái cây, đặc sản địa phương Việt Nam như vải thiều, nhãn lồng cũng theo những cánh bay Vietnam Airlines để vươn tầm ra thế giới. Bên cạnh đó, các ấn phẩm, chương trình giải trí trên không của Vietnam Airlines đặc biệt chú trọng quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam. Gần đây nhất, hành khách được thưởng thức những hình ảnh tuyệt đẹp của văn hóa, du lịch Việt Nam qua những thước phim hướng dẫn an toàn bay và clip âm nhạc “Nhanh lên nhé” được đầu tư hết sức công phu của Vietnam Airlines. Về hình ảnh, cộng đồng khách hàng, chuyên gia trong, ngoài nước tiếp tục đánh giá cao nhận diện thương hiệu của Vietnam Airlines. Không chỉ là yếu tố thẩm mỹ, nhận diện thương hiệu của Vietnam Airlines như: Logo bông sen vàng hay đồng phục áo dài tiếp viên đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam đến với hàng triệu hành khách mỗi năm.
Hai là, đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong những năm gần đây, phát triển bền vững đã trở thành tầm nhìn và sứ mệnh của hầu hết các quốc gia. Do đó, các mục tiêu phát triển bền vững và các khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang dẫn dắt các hoạt động kinh doanh của hầu hết các tổ chức công và tư nhân, trong đó các Tập đoàn, Tổng công ty sở hữu các thương hiệu quốc gia giữ vai trò tiên phong.
Với việc đưa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào sứ mệnh, tầm nhìn và các dự án của mình, các tập đoàn, Tổng công ty có vốn nhà nước đã góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và sự phát triển bền vững. Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhà nước là bước đi ý nghĩa, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác theo hướng coi trọng đạo đức trong kinh doanh, chia sẻ trách nhiệm và những giá trị nhân văn của của mỗi doanh nghiệp, tổ chức đối với xã hội, với nhân dân và đất nước.
Nhiều tập đoàn, Tổng công ty hiện nay đang thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm xã hội với các chương trình dự án cụ thể, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội, điển hình như:
- Tập đoàn Viettel với “Mạng viễn thông xanh” sử dụng thiết bị công nghệ mới có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường trong suốt quá trình phát triển hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, là nỗ lực của Viettel trong việc hạn chế tiêu thụ năng lượng, nâng cao trách nhiệm xã hội, đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Cùng với đó là các chương trình “Internet trường học” cung cấp miễn phí Internet cho các trường học hay chương trình “Sóng và máy tính cho em” phủ sóng viễn thông vùng lõm và tặng máy tính phục vụ học online cho trẻ em nghèo vùng sâu…
- Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) với chương trình “Màu xanh cho cuộc sống – Greenfor life” hướng tới việc nâng cao nhận thức cho học sinh tiểu học về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống xung quanh hay hoạt động hiến máu nhân đạo “Trao giọt hồng – Trao yêu thương” được duy trì ổn định qua 60 năm xây dựng trưởng thành của ngân hàng.
- Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – BIDV xác định mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững. BIDV công khai minh bạch trách nhiệm phát triển bền vững của mình, đánh giá kỹ lưỡng các rủi ro môi trường – xã hội khi thẩm định, tài trợ dự án, giám sát quá trình giải ngân, đảm bảo các dự án được BIDV tài trợ hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trong chương trình hành động của mình, BIDV đã có nhiều hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội như: vận động khách hàng tham gia giao dịch xanh “Cho cuộc sống Xanh” trên ứng dụng BIDV SmartBanking để hỗ trợ người dân lắp máy lọc nước, mua bồn chứa nước, khắc phục tình trạng khan hiếm nước ngọt sinh hoạt, sản xuất ở những vùng bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; chú trọng triển khai các gói “tín dụng xanh”, trong đó dành tỷ trọng nhất định để tài trợ khách hàng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thân thiện môi trường…
- Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) với dự án “Cùng Sen Vàng kết nối yêu thương – From Golden Lotus with Love” hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện của các tổ chức trong nước và quốc tế như: hỗ trợ phẫu thuật mang lại nụ cười cho trẻ em không may bị dị tật, kết nối đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho y, bác sĩ Việt Nam; hay chương trình “Góp lá vá rừng” kết hợp với MoMo Travel tạo nguồn kinh phí phục rồi rừng vì một Việt Nam xanh và phát triển bền vững, ủng hộ bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; thực hiện những chuyến bay sử dụng nhiên liệu bền vững trên hành trình trở thành “Hàng không xanh” góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (Net zero) vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26).
Vẫn còn nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thể hiện tốt trách nhiệm xã hội, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt đi đầu trong phát triển kinh tế và thực hiện an sinh xã hội. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội không chỉ góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng hội nhập, văn minh mà còn giúp doanh nghiệp gần gũi hơn với cộng đồng, đóng góp vào việc tạo ra các giá trị tốt đẹp, bền vững, xây dựng hình ảnh uy tín, của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng, với cộng đồng xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.